Cách Paris 200km, Guédelon là pháo đài được xây dựng hoàn toàn theo phong cách kiến trúc thế kỷ XVIII.
Đây vừa là dinh thự vừa là pháo đài phòng thủ của một lãnh chúa, ra đời từ sự mộng mơ của những người bạn.
Ý tưởng xây dựng pháo đài bắt đầu từ năm 1995 khi Michel Guyot – chủ lâu đài Saint-Fargeau – nhờ ba chuyên gia về công trình công sự, lâu đài và lịch sử kiến trúc đồng thời là ba người bạn thân, tìm hiểu kết cấu lâu đài. Kết quả nghiên cứu cho biết dưới nền móng của lâu đài (cách Guédelon chừng 12km) là một pháo đài cổ bị chôn vùi.
Từng mơ mộng về những hiệp sĩ, công nương, nhờ sự giúp sức của Jacques Moulin, kiến trúc sư trưởng Ủy ban Công trình Lịch sử (thuộc Bộ Văn hóa Pháp), ba người bạn quyết định xây dựng một pháo đài theo phong cách thế kỷ XVIII, nhằm tái hiện không gian và kiến trúc lịch sử. Công trình gồm 1 tháp chính, 1 tháp nhà nguyện, 2 tháp nhỏ ở 2 góc và 2 tháp nằm ở cửa chính.
Để có được một pháo đài như cách người xưa từng xây dựng, Guédelon đã huy động sự góp sức, cố vấn của hội đồng các nhà khoa học trên nhiều phương diện, cũng như áp dụng các công thức xây dựng theo phương pháp thủ công cổ trong thế kỷ XVIII mà không có sự tham gia của bất kỳ công nghệ hiện đại nào.
Chẳng hạn, để xây tường và thành, thợ đá đục, đẽo, mài, khuân đá; các dụng cụ kim loại cũng được sản xuất thủ công ngay tại công trường. Để sơn, vẽ các gian phòng, thợ phải đi tìm các loại đất xung quanh công trường, sau đó chưng cất thành một loại sáp, hòa với nước để tạo thành sơn quét… Tất cả những gì tạo nên pháo đài đều được sản xuất ngay tại chỗ nhằm mang đến không khí, cấu trúc và cảm giác chân thực nhất.
Năm 1997, pháo đài chính thức mở cửa đón khách tham quan. Sau hơn 20 năm ra đời, đến nay Guédelon đón tiếp khoảng 300.000 du khách mỗi năm. Sự khác biệt và độc đáo của pháo đài Guédelon chính là mọi hoạt động ở đây đều như đưa du khách ngược thời gian về thế kỷ XVIII.
Guédelon có khoảng 70 nhân công, 40 người là thợ chính tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, được trả lương tháng với đầy đủ chế độ ngày nghỉ, hưu trí… Họ là thợ và nghệ nhân thuộc 13 ngành nghề khác nhau: đẽo đá, mộc, rèn, làm ngói, đan lát, tô màu, làm vườn… Ngoài kiến thức và tay nghề, tất cả thợ ở đây còn làm thêm một nhiệm vụ quan trọng: giải thích cho du khách công việc họ đang đảm nhiệm.
Đến tham quan, bạn có thể dừng lại ở bất kỳ nơi nào trong công trường, xưởng sản xuất hay lò làm bánh để trò chuyện cùng các người thợ. Họ vừa làm việc, vừa giải thích, vừa trò chuyện với du khách một cách say mê và thành thục về công việc đang làm. Nếu hứng thú, bạn có thể trực tiếp “gia nhập” đội ngũ thợ, rời xa các thiết bị công nghệ, tiện nghi thời hiện đại để hòa mình vào cuộc sống tại đây, như thể ngược về quá khứ.
Văn Khoa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/du-hanh-nguoc-thoi-gian-tham-phao-dai-trung-co-a1474624.html” name=””]