Gánh xôi của cô Lệ chỉ có hai món: xôi bắp và xôi gà. Tuy vậy, đặc sản nhiều người thích là sự kết hợp của cả hai món thành xôi bắp gà.
Gánh xôi của cô Lệ đã hơn 30 tuổi |
Gánh xôi này rất dễ nhận biết. Trên con đường rợp bóng cổ thụ, có một phụ nữ đội nón lá với đôi quang gánh kiểu xưa, quay lưng ra đường. Mọi người vẫn thường ví von cô bán xôi bắp này chắc “giận hờn cả thế giới” nên mới ngồi quay mặt vào gốc cây mà buôn bán. Nhưng kỳ thực, chỉ cần bạn dừng lại mua xôi là thấy cô cực kỳ dễ thương và buôn bán nhanh nhẹn.
Gánh xôi ngay góc phố của cô Lệ đã hơn 30 tuổi. Trước đó, cô và mẹ bán ở chợ Vườn Chuối. Nghề gia truyền món Bắc này do bà nội truyền cho mẹ rồi đến cô. Gánh xôi của cô chỉ có hai món: xôi bắp và xôi gà. Tuy vậy, đặc sản nhiều người thích là sự kết hợp của cả hai món thành xôi bắp gà.
Khi khách yêu cầu, cô múc ra một dĩa xôi bắp, rắc lên đó đậu xanh cà nhuyễn vàng tươi rồi phủ lên lần lượt gà rô ti xé, lòng, mề, tim gà, thêm ít trứng non. Đây là khẩu phần chuẩn của một đĩa xôi bắp gà thập cẩm. Cũng có nhiều người lại chỉ thích ăn xôi bắp với lòng gà hay trứng non. Gà ở đây là gà ta. Ngày trước, cô bán mỗi ngày hai con gà nhưng nhờ các youtuber quảng bá nên giờ tăng thành ba con.
Cái làm nên thương hiệu của cô chính là nước gà rô ti. Nước xốt này là tinh chất từ gà, vừa đậm đà, vừa thơm gia vị và không quá ngọt. Khẩu vị vẫn còn chút gì rất Bắc. Sau cùng, cô rải thật nhiều hành phi tự làm giòn rụm lên trên. Cô chia sẻ: “Bán cho khu quận 1, khách ăn sang nên cái gì cũng phải tự làm, dùng đồ ngon nhất”.
Địa chỉ: Xôi bắp gà cô Lệ (góc Cách Mạng Tháng Tám – Sương Nguyệt Ánh, quận 1, TPHCM). Giá bán: 15.000 – 30.000 đồng. Thời gian: 12 – 17 giờ. |
Khi ăn, khách trộn đều dĩa xôi cho thấm. Món ăn vừa béo đậu xanh, lại mặn mòi gà, thơm thơm hành phi giòn rụm.
Nếu không thích ăn kiểu kết hợp như trên, bạn có thể ăn gà với xôi nếp thường hay xôi bắp ngọt. Xôi bắp của cô Lệ cũng rất được lòng người ăn vì hạt bắp hầm mềm, trắng ăn cùng đậu xanh tơi nhuyễn, thơm chút nước mỡ cho béo, chút đường và hành phi thơm giòn.
Khách thường tạt ngang mua xôi mang về hay ngồi xuống ghế nhựa vừa ăn vừa trò chuyện, ngắm con đường cây xanh mướt mắt. Ngồi ăn mới có dịp quan sát nghệ thuật bán hàng của cô. Tuy cô quay lưng cần mẫn bán nhưng hễ có khách đến, cô đều dừng vài khoảnh khắc bắt chuyện, kiểu như một cách giữ chân khách niềm nở với chất giọng miền Nam giản dị, gần gũi.
Khách quen thích ngồi lúp xúp quanh cô hóng chuyện. Bởi tính tình cô xởi lởi dễ thương nên nhiều khách quen thỉnh thoảng lại góp cho cô một ít giấy in một mặt, lá chuối… để cô gói xôi. “Mấy món này tuy nhỏ nhưng với cô thì của một đồng mà tình cảm tới một lượng, thấy thương lắm” – cô Lệ tâm sự.
Khi được hỏi lúc bán xôi, ngán điều gì nhất, cô thật thà: “Oải nhất là phần lau lá chuối. Mà mình bỏ lá chuối ra thì khách lại nhớ, xôi ăn cũng mất ngon. Thế là phải ráng mà làm”.
Phạm Đoàn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/xoi-bap-ga-ro-ti-a1466727.html” name=””]