Quán phở chua Lạng Sơn trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TPHCM) có tuổi đời gần 1 thế kỷ.
Gọi là phở nhưng phở chua không có thứ nước dùng trong veo, không bốc hơi nóng mà có màu đỏ đậm của nước xốt, xanh của rau, vàng của đậu phộng rang, hành phi.
Phở chua là một trong những đặc sản du khách đều được khuyên nên thử khi đến Lạng Sơn. Chẳng ai biết chính xác món ăn này có mặt ở Lạng Sơn từ khi nào. Có người cho rằng phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng có người nói đó là một trong những biến tấu độc đáo từ phở Hà Nội hay phở Nam Định.
Giả thuyết nào cũng chưa tìm ra lời giải đáp nhưng suốt bao năm qua, đây vẫn là một món ăn được thực khách mọi miền yêu thích, trong đó có cả người Sài Gòn.
Quán phở chua Lạng Sơn trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TPHCM) có tuổi đời gần 1 thế kỷ. Theo lời kể của chủ quán, ba mẹ chị là người Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp, mở quán phở chua này từ năm 1950. Ban đầu, quán chỉ bán 2 món: phở chua và bánh giò… Dần dần, do nhu cầu của thực khách, thực đơn quán mở rộng thêm cháo sườn, xí quách…
Tô phở chua của quán khá bắt mắt với màu nâu cùng độ sền sệt của nước xốt, màu xanh của rau, màu trắng của những cọng phở, màu vàng của hành phi, của đậu phộng rang, của bánh tôm. Topping của phở chua cũng phong phú với lớp xá xíu, thịt gà băm nhỏ, mề gà xắt nhỏ… Về cơ bản, tạo hình của món ăn gần như là sự kết hợp của món bún chả và phở khô Gia Lai hơn là món phở với nước dùng trong veo bốc khói ăn kèm dĩa rau thơm như thường thấy.
Cách ăn được người bán tư vấn là thêm một ít tóp mỡ có sẵn trên bàn rồi trộn đều các thành phần trong tô, sao cho mỗi nguyên liệu đều được áo một lớp mỏng thứ nước xốt mang vị chua chua ngọt ngọt lạ miệng, rồi thưởng thức. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được những cọng phở có độ dai nhẹ, rau tươi ngọt, thịt đậm đà, hành phi và đậu phộng thơm lừng cùng nước xốt có vị chua vừa giống me, vừa giống giấm… cùng trong một miếng cắn.
Hay, bạn có thể từ tốn gắp từng thành phần, chậm rãi nhai, nuốt, để cảm nhận rõ hương vị, độ tươi, kỹ thuật xử lý nguyên liệu của đầu bếp trước khi mọi thứ được nước xốt kết nối, hòa quyện.
Bên cạnh phở chua, món bánh giò tóp mỡ lòng gà tại quán cũng được nhiều người yêu thích. Bánh giò có lớp vỏ bánh mềm, mịn cùng phần nhân mang vị thơm thơm của hành, cay cay của tiêu, mặn mà của thịt và các loại gia vị. Ăn kèm bánh giò là lòng gà được xử lý khá kỹ mùi đặc trưng, nước mắm pha đủ vị chua, cay, mặn. Tuy nhiên, bánh giò rất nhanh hết, bạn nên đến sớm để có cơ hội thưởng thức.
Địa chỉ: Phở chua Thành, 242/101 Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM. Giá: 67.000 đồng/tô – Thời gian: 15 – 21g. |
Ân Lâm
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ghe-hem-nho-khu-ban-co-an-pho-chua-lang-son-a1514467.html” name=””]