Bạn tôi hỏi Sóc Trăng có đặc sản gì để bạn xuống chơi, tôi đùa đặc sản là… tôi, vậy là hai đứa ôm bụng cười nắc nẻ. Khách đã có lòng, mình sao nỡ chối từ. Tôi quyết định “thiết kế” cho bạn một chuyến đi trải nghiệm văn hóa Khmer.
Những ngôi chùa đậm bản sắc
Nhắc tới Sóc Trăng, người ta thường nghĩ ngay đến chùa Dơi (còn gọi là chùa Mahatup). Chùa nằm trên đường Phan Ngọc Chính, gây ấn tượng với hình ảnh hàng vạn con dơi treo mình trên những cây sao và dầu.
Khi đến chùa, không chỉ được nhìn ngắm bầy dơi treo ngủ và chiêm ngưỡng kiến trúc lạ mắt với màu sắc sặc sỡ, du khách còn được lắng nghe âm nhạc cổ truyền của dân tộc Khmer. Thế nhưng, lượng du khách đổ về chùa Dơi luôn rất đông. Đó là lý do tôi không chọn ngôi chùa ấy cho chuyến đi ngắn này vì tôi muốn bạn có thời gian tạm lắng để cảm nhận văn hóa.
Ngôi chùa tôi dẫn bạn đi tham quan cũng nổi tiếng không kém nhưng ít khách du lịch hơn – chùa Chén Kiểu (còn gọi là chùa Sà Lôn), ở xã Đại Tâm. Đây là một trong những ngôi chùa có kiểu kiến trúc độc nhất vô nhị, nằm trong chuỗi những ngôi chùa Khmer Nam bộ của Sóc Trăng. Tường chùa được áp bằng những mảnh chén, dĩa sành sứ tạo nên gu thẩm mỹ riêng.
Kiến trúc chùa Chén Kiểu |
Cổng chùa luôn mở rộng chào đón mọi người như lòng mến khách của người Khmer. Ngay từ khi bước vào, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng những bức tường áp đầy sành sứ được khéo léo sắp xếp thành những hoa văn lạ mắt. Bầu trời trong xanh, báo hiệu một ngày rong chơi đầy thú vị. Vài con chim bồ câu thản nhiên bay ngang qua, gù nhau trên mái ngói càng làm tăng thêm vẻ thanh bình cho ngôi chùa.
Tôi nghe kể ngày xưa chùa cũng được xây dựng bằng những vật liệu bình thường như những ngôi chùa Khmer khác. Cho đến năm 1969, sau khi bị chiến tranh tàn phá, chùa được xây lại nhưng thiếu vật liệu. Khi ấy, các vị sư đã cùng nhau bàn bạc và nảy ra sáng kiến quyên góp chén, dĩa từ bà con trong vùng để áp lên tường. Điều này không những tiết kiệm được chi phí xây dựng mà còn tạo nên những họa tiết đầy sáng tạo, đồng thời thể hiện sự đoàn kết trong tín ngưỡng tâm linh của người dân Khmer, khi các vị sư và mọi người cùng nhau xây nên một ngôi chùa đầy màu sắc.
Nghe tôi kể, bạn say sưa ghi lại bởi với bạn, du lịch không chỉ là vui chơi mà còn là những hành trình lắng nghe và tìm hiểu văn hóa. Bạn tôi bấm máy ảnh liên tục, trầm trồ trước cách bài trí lạ lẫm của cột, kèo và các bức tường.
Như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Chén Kiểu cũng trang trí bằng những biểu tượng quen thuộc: sư tử đá, tiên nữ Apsara, những nữ thần Kâyno có cánh… Chùa kế thừa nét đẹp truyền thống vốn có, với những gam màu và hình ảnh nhận diện văn hóa Khmer. Không những vậy, chùa còn thể hiện nét sáng tạo riêng ở cách hòa phối màu sắc và đặt để trang trí, nguyên liệu sành sứ.
Chén dĩa được quyên góp không đồng nhất cả về hình dạng lẫn màu sắc, đòi hỏi người ốp lên tường và bài trí phải có con mắt nghệ thuật để sắp xếp. Chính vì màu sắc của sành sứ với gam trắng đặc trưng, kiến trúc xung quanh đã được gia giảm sắc màu và bổ sung những gam màu nhẹ nhàng hơn để vừa thuận mắt vừa không làm mất đi vẻ đẹp đậm đà bản sắc văn hóa.
Tôi và bạn được đắm mình trong trải nghiệm kỳ lạ khi bắt gặp những khu nhà có sự kết hợp đầy thú vị: vừa mang kiến trúc Đông Dương với những cửa sổ lá sách xanh và họa tiết kỷ hà, vừa mang dấu ấn Khmer với màu sắc rực rỡ được bố cục hài hòa. Dường như điều đó là một bài học mới cho bạn tôi – người yêu mến những thể nghiệm văn hóa mới lạ. Văn hóa là một dòng chảy không ngừng. Để kế thừa cái cũ và tạo ra cái mới luôn là bài toán đau đầu. Ở đây, ngôi chùa Chén Kiểu như một minh chứng cho sức mạnh của con người trong việc giữ gìn và kiến tạo văn hóa.
Một vị sư đang trang trí chậu bông của chùa |
Quà của Sóc Trăng
Kế chùa Chén Kiểu là khu vực mua sắm – một chợ nhỏ với phần đông tiểu thương là người Khmer. Tôi dẫn bạn ghé qua, coi có mang được gì về làm quà cho mọi người. Sóc Trăng nhiều sự lựa chọn để gửi gắm yêu thương bởi sự đa dạng văn hóa kết hợp của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer.
Mặt hàng bày bán ở đây phong phú hơn trước kia, có đủ các loại bánh trái, tương, chao, dưa bồn bồn, lạp xưởng, mắm, khô… Đặc biệt, ở đây có cả hành tím Vĩnh Châu nức tiếng. Nếu đói bụng, các gian hàng bún cháo sẵn sàng đón khách. Dễ nhận ra những món đặc sản đất Sóc Trăng, tiêu biểu như bún nước lèo.
Tôi muốn bạn thử ăn vặt, để dành bụng lát nữa trên đường về còn ăn món khác. Chúng tôi ghé một chị đang hì hục đổ bột vào những cái ống đứng, chỉ cho bạn loại bánh hấp dẫn của người Khmer: bánh ống. Bạn tròn mắt nhìn những ống bánh màu xanh bắt mắt từ màu lá dứa vừa ra lò, nóng hổi. Bánh hình trụ tròn, vị ngọt thanh, có nước cốt dừa nên béo ngậy. Khi bánh chín, người ta còn cho thêm dừa nạo và muối mè.
Bánh ống phải ăn nóng mới ngon nên tôi giới thiệu với bạn đặc sản khác của người Khmer: củ cải muối, ở đây gọi là xá bấu. Không chỉ có xá bấu mặn, người Khmer còn tìm được cách tẩm ướp tạo ra xá bấu ngọt và xá bấu ngâm chua ngọt. Những loại này mua về ăn kèm cơm trắng cũng thấy ngon. Người bán nhiệt tình mời bạn dùng thử, bạn gật gù khen rồi vui vẻ mua mấy bịch lớn về cho cha mẹ. Nhìn xá bấu, tôi thèm cháo trắng. Trời mưa mà ăn cháo với xá bấu thì ăn hoài không biết no.
Bánh cống Đại Tâm |
Ghé Đại Tâm nhớ ăn bánh cống
Một trong những lý do tôi chọn chùa Chén Kiểu làm điểm tham quan vì trên đường về có đặc sản nổi danh: bánh cống. Đây cũng là một loại bánh của người Khmer, được đổ trong những chiếc cống kim loại và chiên nên có tên như vậy. Bánh cống làm bằng bột và đậu xanh, bên trên có những con tôm nhìn rất ngon mắt. Bánh vàng ruộm, bên ngoài giòn bên trong béo bùi, ăn khi nóng người ta hay nói giỡn là ngon tới… nhức răng.
Muốn ăn bánh cống Đại Tâm không dễ vì ba giờ chiều tiệm mới bán. Tôi đã canh giờ vừa đúng để bạn có bữa ăn ngon lành sau khi tham quan ngôi chùa độc đáo, ăn xong là kịp trở về Cần Thơ. Bạn có vẻ… thờ ơ, bởi giờ ở đâu cũng có bánh cống. Nhìn bạn dùng dao cắt một góc bánh, cuốn với mớ rau sống chấm nước mắm, tôi chỉ cười cười chờ bạn ăn thử. Đúng như tôi đoán, bạn xuýt xoa bánh ngon hơn những chỗ khác.
Bánh cống Đại Tâm bên trong là nhân thịt bằm tròn ú, thay vì chỉ có bột và đậu xanh như những chỗ khác. Rau ăn kèm không chỉ có xà lách mà còn thêm vài lá bắp cải trắng muốt, giòn ngọt và mát, hợp vô cùng. Thứ gắn kết bánh và rau, nâng hương vị lên tầm mới chính là nước chấm. Nước mắm chua ngọt pha khéo, đậm đà vừa phải, cay cay ớt tươi đủ để hít hà.
Bạn tôi nghi ngờ rằng bánh ngon nằm ở phần bột. Bạn hỏi đùa cô chủ có bán công thức làm bánh không, cô cười tươi rói nói cô chỉ truyền cho con cháu trong nhà, muốn học thì làm rể nhà cô. Cả tôi và bạn bật cười.
Không chỉ có bánh cống, ở quán và xung quanh còn bán những loại bánh khác thích hợp mua làm quà hay để ăn chơi cho vui miệng. Có bánh gừng béo ngọt hay xuất hiện trong tết cổ truyền của người Khmer, bánh lưỡi liềm, bánh quai vạc và nhiều loại bánh là lạ mà chính tôi cũng chưa từng ăn, được người dân ở đây gọi bằng tiếng Khmer nên tôi không nhớ được.
Bạn tôi được một ngày no nê cả bụng lẫn tâm hồn trước những món ngon và cảnh đẹp nơi đây. Tôi hẹn bạn dịp khác sẽ dẫn bạn đi nhiều hơn, ăn thử nhiều món hơn. Bạn cũng hẹn sẽ dẫn tôi đi lòng vòng Cần Thơ cho biết. Cứ vậy, chúng tôi làm đầy nhau bằng hò hẹn và những hành trình trải nghiệm.
Bài và ảnh: Phát Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ghe-soc-trang-trai-nghiem-van-hoa-khmer-a1475318.html” name=””]