Từ hơn 120 năm trước, nước Đức đã có “tàu bay” treo trên cao và nó vẫn còn tồn tại và hoạt động cho tới ngày nay.
Nhắc tới những quốc gia nhất định phải đến khi đi du lịch châu Âu, chắc chắn ta sẽ không thể bỏ qua nước Đức. Được mệnh danh là trái tim của châu lục này, theo báo cáo trên Wikipedia, tính đến năm 2017, nước Đức là điểm đến du lịch thu hút du khách đứng thứ 9 trên thế giới, với con số là 37,4 triệu lượt. Trong đó, thủ đô Berlin là điểm đến đông đúc thứ 3 châu Âu.
Nơi đây có đầy đủ những điểm đến du lịch dành cho mọi đối tượng du khách, từ các danh lam thắng cảnh thiên nhiên, những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, những lễ hội theo mùa đặc sắc hay những tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí. Nổi bật có thể kể tới như Nhà thờ chính tòa Koln, cổng Brandenbuger Tor, các lâu đài, cung điện cổ hay Europa Park, khu nghỉ dưỡng kết hợp công viên giải trí đông khách thứ 2 châu Âu.
Du lịch Đức thu hút du khách thứ 9 ở châu Âu.
Tuy nhiên, có một trải nghiệm độc đáo ở nước Đức mà không phải du khách nào cũng biết. Đi tàu điện đã nhiều nhưng ở Đức còn có một loại tàu điện đặc biệt, đó là tàu treo, hay có tên chính xác là đường tàu điện treo Wuppertal.
Đường tàu điện treo hơn 120 năm tuổi
Đường tàu điện treo Wuppertal, tên đầy đủ tiếng Đức là Schwebebahn Wuppertal, là đường sắt 1 thanh ray cho tàu điện treo bên dưới, được thi công xây dựng vào năm 1898 và tiến hành chạy lần đầu tiên vào năm 1901. Tính đến nay, đường tàu điện này đã có tuổi đời lên tới 123 năm. Do nằm trong thành phố Wuppertal, Đức nên tên thành phố được sử dụng đặt luôn làm tên cho đường tàu điện treo này.
Schwebebahn Wuppertal vận hành lần đầu tiên từ năm 1901, tức là đã hơn 120 năm tuổi.
Mặc dù được lắp đặt với hình thức đường ray treo ngược song tàu chạy trên tuyến đường Wuppertal này vẫn được vận hành bình thường và vô cùng trơn tru, tương tự như các đường sắt leo núi.
Có tổng là 2 toa tàu, được nối với nhau bằng một dây cáp chạy quanh một thùng hình ống, đặt ở đầu dốc. Mỗi toa sẽ có sức chứa tối đa là 65 hành khách và có tốc độ tối đa khoảng 15-20km/giờ. Tổng chiều dài chuyến tàu khoảng 13,3km, kết nối 20 ga tàu. Tuy nhiên sau này, nó đã được tăng lên thành 6 toa tàu với tần suất 5 phút/chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của lượng đông dân cư thành phố.
Sự tấp nập ở các bến tàu điện treo vào thế kỷ trước.
Trải qua hơn 120 năm với nhiều thay đổi, trong đó nổi có cả 2 cuộc thế chiến, song đường tàu điện treo Wuppertal vẫn gần như không bị hư hại. Theo CNN đưa tin, thậm chí vào năm 1950, tức là khi đường tàu này được 50 tuổi, nó còn từng chở chú voi mang tên Tuffi của một đoàn xiếc. Cho đến năm 1999, tàu điện treo thậm chí còn được coi là phương tiện giao thông công cộng an toàn nhất, chỉ ghi nhận một số sự cố nhỏ trong gần 100 năm hoạt động.
Nguyên nhân xây dựng đường tàu điện treo độc đáo
Thông thường, ta sẽ thấy những đường ray cho xe lửa chạy được thi công ở dưới đất, hoặc nằm dưới lòng đất là tàu điện ngầm, hoặc gần đây là đường ray trên cao. Song, đường ray treo như ở Đức là một trường hợp đặc biệt. Tính đến nay trên thế giới, chỉ có Đức và Nhật Bản là 2 quốc gia sở hữu loại đường ray độc đáo này.
Nguyên nhân cho việc xây dựng đường xe lửa treo là do địa hình thung lũng quanh co, khiến đường sắt hay xe điện truyền thống khó tiếp cận được. Chính vì vậy, các kiến trúc sư hay các quan chức thành phố đã trưng cầu sáng kiến để giải quyết vấn đề giao thông trong các khu vực như vậy.
Tuyến tàu điện treo Wuppertal vẫn tồn tại và hoạt động đến bây giờ bên cạnh những phương tiện giao thông khác. (Ảnh Oliver Berg)
Ngày nay, đường tàu điện treo Wuppertal vẫn hoạt động bền bỉ bên cạnh những phương tiện giao thông khác và chỉ chuyên chở người, không còn được chở voi hay các loài động vật khác nữa. Theo nhiều báo cáo, mỗi năm, trước thời điểm đại dịch, nó được sử dụng để vận chuyển hành khách với con số khoảng 25 triệu hành khách/năm.
Tuyến tàu cũng dần được cải thiện và nâng cấp sao cho an toàn và đảm bảo hơn, đem đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, khi tuổi đời của nó đã vượt con số 100. Năm 2016, các toa tàu cũ đã không còn mà thay vào đó là các toa tàu thuộc thế hệ mới, hiện đại hơn. Năm 2018, do sự cố sập một tuyến đường sắt nên Schwebebahn Wuppertal tiếp tục phải dừng hoạt động trong gần 9 tháng để tu bổ và sửa chữa. Cuối cùng thì vào năm 2019 nó đã được mở cửa đón khách trở lại.
Các toa tàu cũ đã được thay thế bằng phiên bản mới hiện đại hơn.
Một thành phố khác ở Đức cũng sở hữu tàu điện treo đó chính là Dresen, nằm cách Wuppertal hơn 500km. Đất nước Nhật Bản cũng sở hữu một số đường tàu điện treo, có thể kể tới là tuyến Shonan Monorail tại thành phố Kamakura. Nó có tổng chiều dài là 15,2km với 2 đường tàu và 18 toa tàu.
Trải nghiệm đi tàu điện treo chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên với du khách khi đến với nước Đức. Trên toàn bộ hành trình, du khách sẽ được chầm chậm đi qua những tòa nhà cổ trong thành phố, phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên đang trôi qua chầm chậm… Nếu có dịp ghé thăm “trái tim của châu Âu” nói chung hay thành phố Wuppertal nói riêng thì nhất định không được bỏ lỡ trải nghiệm này.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/ghe-tham-nuoc-duc-dung-quen-trai-nghiem-tuyen-duong-sat-treo-dac-biet-va-lau-doi-nhat-the-gioi-20230208085354359.chn” name=””]