Cuộc sống thiếu thốn khiến Hậu hay nghĩ ngợi mông lung. Càng nghĩ lại càng thấy chồng mình không bằng chồng người ta.
Tôi có cô em họ xa tên Hậu. Một lần, tôi có việc đi ngang qua nên ghé vào nhà em chơi. Lâu không gặp nhau, em mừng quýnh. Em rủ tôi đi uống cà phê, em nói có điều muốn tâm sự.
Chuyện là, mấy cô bạn của Hậu người nào cũng lấy được chồng như ý: Nhỏ Hương lấy chồng là chủ một tiệm vàng (thực chất đó là tiệm vàng của bố mẹ chồng nhưng trước sau gì cũng để lại cho hai vợ chồng Hương); nhỏ Thu có chồng là bác sĩ nhi, vừa xây phòng khám to đùng ngay thị trấn; nhỏ Lê yên bề gia thất cùng anh trưởng phòng kế toán của một công ty chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em…
Nhiều lúc em cảm thấy chán ghét chồng mình (ảnh minh họa) |
Chỉ có Hậu lấy chồng nông dân. Sau khi cưới, ba mẹ chồng giao cho vợ chồng Hậu vườn trái cây của gia đình. Chồng Hậu ra sức chăm bón, nhưng thu không bù chi. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, trong khi giá nông sản lại bấp bênh. Năm nào vợ chồng Hậu cũng quay cuồng với chuyện mất mùa, trượt giá…
Biết không thể sống dựa vào vườn cây và khoản lương văn thư ít ỏi của Hậu, 2 vợ chồng gom góp vốn liếng, mở 1 quán trà sữa nho nhỏ bán kiếm thêm tiền. Nhưng thu nhập từ đó cũng chỉ đủ tiền chợ.
Cuộc sống khó khăn khiến Hậu hay nghĩ ngợi mông lung. Càng nghĩ lại càng thấy chồng mình không bằng chồng người ta. Hậu trở nên lạnh nhạt, chán ghét chồng.
Hậu bảo, mỗi lần nhìn gia đình họ mặc đồ sang trọng, đi ăn nhà hàng đắt đỏ, ngồi xe ô tô bóng loáng, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu là em lại thấy tủi thân. Giá ngày đó em chọn chồng kỹ hơn, có khi giờ đỡ khổ.
Nghe em nói, tôi cũng chỉ biết khuyên em cố gắng. Chồng em tuy không giỏi giang nhưng yêu vợ thương con. Mất cái nọ, được cái kia. Cái được của chồng em là điều mà nhiều người phụ nữ ao ước.
Bẵng đi một thời gian, tôi nghe nói Hậu bị ung thư tuyến giáp phải đi phẫu thuật và xạ trị nên đến thăm em. Vì mới trải qua đợt điều trị dài ngày nên nhìn em hốc hác, gầy gò, đi lại phải có người dìu.
Hậu nói chồng em đang đi chợ để về nấu ăn cho kịp bữa trưa. Tôi chợt nhận ra, giọng điệu của em khi nói về chồng không còn bực dọc, chán chường như dạo trước.
“Không chán chồng nữa à?”, tôi vừa hỏi vừa cười. Hậu ngại ngùng, chậm rãi kể chuyện nhà mình.
Từ ngày Hậu bệnh, chồng em tận tụy chăm sóc em và lo liệu hết mọi việc trong nhà. Con cái, chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, quán xá, chăm sóc thuốc thang… không việc gì chồng em không làm.
Hậu bị bệnh đau đớn, mệt mỏi nên tính khí thất thường, hay cáu giận vô cớ. Có lần em còn hất tô cháo còn nóng xuống đất, vỡ tan. Vậy mà anh chồng không hề than vãn lấy một lời.
“Nhiều lúc em nghĩ, nếu không có chồng chắc em đã gục ngã lâu rồi. Đúng là trong hoạn nạn mới hiểu được chân tình. Từ nay em không bao giờ so sánh chồng mình với chồng người khác nữa. Em nghĩ, phước mình còn dày nên mới được gặp một người tốt như anh ấy”. Hậu kết thúc câu chuyện cũng là lúc chồng em đi chợ về.
Đôi mắt Hậu lấp lánh, giọng nói trìu mến, không giấu được lòng biết ơn và sự trân trọng. Tôi mừng cho vợ chồng em. Hy vọng em sớm khỏe lại, tâm trạng luôn vui vẻ, thoải mái để cùng chồng con vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình.
Thụy Nhiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/gia-ngay-do-em-chon-chong-ky-hon-a1509459.html” name=””]