Nhật Bản hạn chế khách du lịch tại một số điểm để đề phòng tình trạng quá tải và ngăn ngừa hành vi xấu của du khách.
Ảnh: Unsplash
Trong gần hai năm kể từ khi mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, Nhật Bản đã đón một lượng lớn du khách quốc tế. Trong năm 2023, hơn 25 triệu khách du lịch đã đến với đất nước mặt trời mọc, với 2,7 triệu người đến trong tháng 12, vượt 8% so với tháng 12 năm 2019.
Hiện tại, Nhật Bản đang vạch ra các kế hoạch mới để giải quyết tình trạng du khách có hành vi xấu và tình trạng quá tải du lịch. Các quyết định bao gồm cấm khách du lịch đến một số con phố trong quận geisha nổi tiếng ở Kyoto và hạn chế số lượng du khách leo lên Núi Phú Sĩ.
Những hạn chế đối với khu phố Gion, Kyoto – nơi làm việc của các geisha truyền thống và maiko (người học việc) – sẽ được áp dụng sớm nhất vào tháng 4 tới. Khu vực này từ lâu đã trở thành địa điểm đặc biệt thu hút khách du lịch với những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trong trang phục kimono cầu kỳ và trang điểm trắng đặc trưng.
Trong những năm qua, đã có nhiều báo cáo về tình trạng khách du lịch quá khích quấy rối phụ nữ và lẻn vào khu vực tư nhân, mặc dù có biển báo cấm du khách chụp hình người biểu diễn mà không có sự đồng ý của họ. Quan chức quận địa phương Isokazu Ota nói với Associated Press: “Vào tháng 4, chúng tôi sẽ treo các biển báo cấm khách du lịch đi vào những con đường tư nhân”. Các biển báo sẽ được ghi bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh với nội dung: Đây là làn đường tư nhân, người đi bộ trên đó sẽ bị phạt 10.000 yên (khoảng 68 USD).
Lệnh cấm sẽ chỉ giới hạn một số đường phố tư nhân ở Gion. Du khách vẫn hoàn toàn có thể đi bộ tham qua những địa điểm nổi tiếng như Đền Yasaka 1.300 năm tuổi và Cầu Tatsumi tuyệt đẹp. Nhật Bản cũng áp dụng giới hạn số lượng khách tham quan hàng ngày tại Núi Phú Sĩ ở mốc 4.000 người và thu phí 2.000 yên (khoảng 13,5 USD) đối với mỗi người. Các quy định mới sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2024, khi mùa leo núi bắt đầu.
Trong những năm gần đây, hơn 400.000 người trong diện được cấp phép đã lên đỉnh núi Phú Sĩ trong hai tháng vào cuối mùa hè, chưa kể nhiều người khác đi bộ lên những độ cao thấp hơn trên núi. Điều này gây ra sự ùn tắc giao thông và mất vệ sinh nghiêm trọng. Giới hạn số lượng khách tham quan và áp dụng thu phí là nỗ lực của Nhật Bản nhằm giữ gìn biểu tượng của đất nước này.
Ngoài ra, sẽ có thêm hướng dẫn viên nhằm thực thi các biện pháp an toàn như ngăn cản những người đi bộ đường dài không được trang bị đầy đủ quần áo hoặc giày dép không phù hợp, cấm ngủ bên đường mòn hoặc đốt lửa và phổ biến tới những người leo núi về ngọn núi.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/hai-dia-diem-du-lich-noi-tieng-hang-dau-nhat-ban-han-che-khach-du-lich-20240327122533784.chn” name=””]