Không phải là vợ chồng son thì mấy khi quan tâm đến việc nắm tay nhau. Có chăng nếu cô vợ “chủ động” thì các ông chồng cũng đáp lại cho “phải lẽ”.
Đôi khi thấy vợ chồng nhà ai âu yếm nắm tay hoặc cặp tay nhau đi, chắc không ít người thấy… buồn cười, cho rằng cặp đôi ấy đang… đóng kịch! Thậm chí, xem ảnh vợ chồng thân thiết nhau khi đăng Facebook, dường như ít ông chồng nào chủ động nắm tay vợ mà chỉ có bà vợ ghì lấy chồng…
Phải chăng, lấy nhau rồi sự hiện diện của người đàn ông đã là đủ đầy cả tính biểu tượng vật chất lẫn tinh thần, cả về tình cảm lẫn bảo bọc mà không cần hành động gì cụ thể nữa?
Ảnh mang tính minh họa – rawpixel.com |
Tôi nhớ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao có đoạn: “Hộ khẽ thở dài và lắc đầu ái ngại. Hắn dịu dàng nắm lấy tay sã xuống của Từ. Cái bàn tay lủng củng rặt những xương! Trên mu bàn tay, những đường gân xanh bóng ra, làn da mỏng và xanh trong, xanh lọc. Cái cổ tay mỏng manh. Tất cả lộ một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả, cần được hắn che chở và bênh vực, một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật, cần được hắn vỗ về an ủi…”.
Mỗi lần nhớ đến đoạn văn này tôi lại nghĩ đến bàn tay của vợ tôi và mỗi khi nhìn thấy bàn tay của nàng, tôi cũng nghĩ đến câu chuyện của Từ và Hộ. Đôi khi nằm trên giường ngủ, nắm lấy tay vợ, trong tay tôi là bàn tay gầy gầy, xương xương thì tôi nghĩ đến sự vất vả, nhọc nhằn, chịu đựng của Từ, biết đâu là của vợ tôi…
Tôi nghĩ rằng nắm tay là một biểu hiện tình cảm nồng ấm. Ngày yêu nhau, một trong những cảm giác thân mật đầu tiên là nắm lấy tay bạn gái, rồi dần dà là nắm lấy tay nhau. Đến lúc ôm hôn nhau coi như là đi đến giới hạn cuối cùng của bày tỏ tình cảm rồi (tôi thấy lạ là thế hệ trẻ hơn bây giờ dễ dàng đi đến Z quá, phải chăng vấn đề bản năng đã được đặt cao hơn tình cảm?).
Nắm tay còn là sự cảm thông, chia sẻ, động viên, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, đau đớn. Người vợ đang hồi hộp trước giờ vào phòng sinh, một cái nắm tay siết chặt hẳn giúp người vợ thêm sức lực và tự tin để bước vào cuộc vượt cạn đầy cam go. Nắm tay còn là sự thấu hiểu, nhất là khi có vấn đề gút mắc, hiểu lầm. Nó cũng chứa đựng cả tinh thần san sẻ, động viên mà không phải người nào cũng thể hiện được, trừ những người rất thân thiết gần gũi.
Ảnh mang tính minh họa – Pressfoto |
Ví như người chồng hay trách vợ không cùng mình chia sẻ gánh nặng gia đình thì với cái nắm tay, bàn tay đầy vết chai, vết trầy xước hay gân guốc, xanh xao, rõ ràng rằng người vợ cũng đang cùng chung trách nhiệm với chồng, có điều âm thầm chịu đựng, chẳng tiếng thở than. Và, nắm tay còn thể hiện sự chở che, bảo bọc, như lúc cùng nhau qua đường hay bước qua một chỗ trơn trượt… Khi đó, vai trò đàn ông, làm chồng, trụ cột gia đình được thể hiện rõ để khẳng định sự chống đỡ của bản thân, giúp vợ con yên tâm trước các thử thách.
Vậy đó, cái nắm tay rất nhiều ý nghĩa, mà đôi khi chúng ta quên hoặc không chú ý thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Tôi tin rằng chỉ cái nắm tay (một cách thật lòng, đừng hờ hững, đừng đóng kịch) thì có thể nói lên rất nhiều điều với vợ. Và chắc tất cả các bà vợ đều hiểu “thông điệp” sau mỗi cái nắm tay đó.
Nên các anh hãy bất chợt nắm tay vợ hay khoác tay vợ đi ở chỗ đông người… Và nếu đã nắm tay thì nắm thật chặt. Tôi có đọc đâu đó một câu rằng: Hãy nắm chặt tay em anh nhé, vì em yêu anh!
Trúc Giang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hay-nam-tay-vo-khi-co-the-a1470423.html” name=””]