Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, hơn 300 triệu người đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng và các dự báo liên tục cho thấy sức ép ngày càng tăng.
Dịch COVID-19, hạn hán và cuộc chiến ở Ukraine đang đẩy giá lương thực lên cao nhất từ trước tới nay, gây nguy cơ xảy ra nạn đói tồi tệ nhất từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tại Zimbabwe, quốc gia châu Phi đang chìm trong lạm phát, lạm phát trong tháng 4 đã tăng lên 96%. Với một nửa dân số có thu nhập dưới 1,9 USD/ ngày, cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn này lại càng thêm chật vật do giá lương thực tăng.
Bà Tarisai Gweje, người dân Zimbabwe, nói: “Chúng tôi từng có ba bữa một ngày, các bữa ăn đều có thịt gần như năm ngày một tuần. Nhưng gần đây, thậm chí là cả tuần chúng tôi không mua được thịt, ăn không đủ ba bữa. Cuộc sống thực sự khó khăn đối với một gia đình có mức lương cơ bản“.
Gần một nửa trong số 54 quốc gia của lục địa này phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Xung đột Nga – Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển ở Biển Đen, “huyết mạch” chính cho ngũ cốc và các mặt hàng khác xuất khẩu từ Nga và Ukraine sang châu Phi.
50 triệu người dân châu Phi đang bị đẩy trở lại cảnh nghèo cùng cực. (Ảnh: AP)
Theo Liên Hợp Quốc, 50 triệu người dân châu Phi đang bị đẩy trở lại cảnh nghèo cùng cực và họ sẽ khó thoát khỏi cảnh nghèo hơn. Lạm phát toàn cầu còn kéo theo một loạt hệ quả ở châu Phi.
Ông Raymond Gilpin thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết: “Lạm phát toàn cầu đã xâm nhập vào các nền kinh tế châu Phi vì châu Phi quá phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và đồ tiêu dùng. Liệu điều này có gây ra các cuộc biểu tình bạo lực hay không vẫn chưa rõ, nhưng theo những gì lịch sử cho thấy, khả năng này khá rõ ràng“.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, ước tính có 376 triệu người tại khu vực châu Á phải đối mặt với nạn đói vào năm 2020. Các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng giá lương thực tăng vì lương thực thường chiếm hơn 30% chi tiêu hộ gia đình.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế lo ngại, những nước xuất khẩu lúa gạo ở Đông Á – Thái Bình Dương có thể áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Điều này sẽ khiến giá lương thực toàn cầu càng gia tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều quốc gia và ảnh hưởng lâu dài đến thương mại lương thực toàn cầu.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/hon-300-trieu-nguoi-tren-the-gioi-doi-mat-voi-nan-doi-nghiem-trong-20220511083604193.chn” name=””]