Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, trong ba năm từ 2019 đến 2021, có hơn 50 phim Việt từ lỗ đến lỗ nặng. Năm 2022 chưa kết thúc nên chưa đưa vào thống kê.
Đêm tối rực rỡ (vừa đoạt giải Cánh diều vàng) có doanh thu tốt tại rạp chiếu tính từ đầu năm tới nay – Ảnh: ĐPCC
Như bảng tổng kết doanh thu phòng vé trong ba năm 2019, 2020 và 2021 do Box Office Vietnam cung cấp cho Tuổi Trẻ, số lượng phim lỗ vào khoảng 54 phim.
Trong đó, năm 2019 – năm khởi sắc của thị trường điện ảnh Việt khi doanh thu toàn thị trường tăng mạnh – cũng là năm có nhiều phim lỗ nhất, với 28 phim. Năm 2020 có 16 phim và năm 2021 có 10 phim. Năm 2020 và 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19, số lượng phim ra rạp chỉ bằng 1/2, 1/3 các năm trước.
Lỗ không có nghĩa là thảm họa
Tiêu đề nhỏ này có thể hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, phim lỗ không có nghĩa là phim đó có chất lượng thảm họa. Thứ hai, doanh số phòng vé thấp chưa chắc đã là “thảm họa” về mặt đầu tư.
Phim lỗ được Tuổi Trẻ xác định theo các tiêu chí: doanh thu quá thấp (từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng, chắc chắn lỗ), doanh thu thấp so với kinh phí chưa kể tỉ lệ ăn chia với rạp.
Trừ số ít phim điện ảnh nhà nước hay phim tài liệu vốn không có tính thương mại cao, các phim thu vài trăm triệu đồng hầu như là những phim được sản xuất nghiệp dư, chất lượng tệ. Có thể kể đến: Táo Quậy, 3D Cung tâm kế, Thiên sứ không phép màu, Bí mật đảo linh xà, Tiền nhiều để làm gì…
Ở khía cạnh trái ngược, một số phim có kinh phí từ lớn đến rất lớn nên đồng nghĩa với rủi ro lỗ cao là Người cần quên phải nhớ, Anh thầy ngôi sao, Thiên thần hộ mệnh, Trạng Tí phiêu lưu ký, Vợ ba.
Riêng hai phim Trạng Tí phiêu lưu ký, Vợ ba có kinh phí từ 50 đến 60 tỉ đồng, thuộc hàng cao nhất của điện ảnh Việt, nên khi lỗ thì mức lỗ cũng lớn hơn các phim khác nhiều.
Như vậy, có thể chia phim lỗ nặng thành hai thái cực: một là phim rất tệ không đáng ra rạp, hai là phim “bom tấn” có đầu tư công phu nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Với dạng phim thứ hai, các nhà sản xuất, nhà đầu tư cần được khuyến khích tìm hiểu thị trường tốt hơn, nâng cao chất lượng phim để có lãi.
Phim Bẫy ngọt ngào đạt doanh thu khá tốt – Ảnh: ĐPCC
Vẫn không chùn bước
“Đối với tôi, thảm họa thật sự là khi chẳng còn ai mặn mà đầu tư phim Việt nữa và không còn phim Việt nào trên thị trường nữa. Việc nhiều phim Việt có doanh số phòng vé yếu sẽ không quá ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư” – ông Nguyễn Khánh Dương – nhà sáng lập trang thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, nêu quan điểm.
Bằng chứng là trong năm 2022 – năm thị trường cố gắng phục hồi sau COVID-19, các nhà làm phim đã nỗ lực đưa ra rạp những phim có doanh thu tốt như Em và Trịnh, Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà, Nghề siêu dễ, Dân chơi không sợ con rơi, Đêm tối rực rỡ...
Cuối năm 2022, vài phim Việt tiềm năng đang xếp hàng để ra rạp. Đó là Mười – Lời nguyền trở lại, Cô gái từ quá khứ, Đảo độc đắc – Tử mẫu Thiên linh cái.
Nhưng năm 2022 cũng có những phim quay và sản xuất sơ sài với kịch bản cũ, nhiều lối mòn. Có thể thấy, khi số lượng phim rạp tăng trở lại sau COVID-19, số phim dở cũng tăng nhẹ trở lại.
Tuy nhiên đó không phải là câu chuyện riêng của điện ảnh Việt. Trong cuốn sách The Birth of Korean Cool: How One Nation is Conquering the World Through Pop Culture (Giải mã Hàn Quốc sành điệu: Cách một quốc gia chinh phục thế giới nhờ văn hóa đại chúng), tác giả Euny Hong dành riêng chương “Từ rác đến Cannes” để nêu lên câu chuyện điện Hàn đã trải qua: có cả phim “rác”, phim dở và phim hay, phim đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes và Oscar.
Phim Em và Trịnh đang dẫn đầu doanh thu rạp chiếu năm 2022 – Ảnh: ĐPCC
* Không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết thị trường điện ảnh trên thế giới đều có tỉ lệ phim thành công thấp. Tỉ lệ thông thường là 70% phim lỗ và 30% phim hòa vốn, có lời. Vấn đề của các nhà làm phim là làm sao để phim của mình lọt vào 30% phim thắng. Đó là một cuộc đua. Ngành đầu tư làm phim là một ngành rủi ro.
Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan (phim: Ròm, Tiệc trăng máu…)
* Ba năm qua là một cơn “địa chấn” và ngành phim cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng của đại dịch. Các nhà sản xuất phim cần phải rất linh hoạt và tăng tốc để bắt kịp sự đổi mới trong xu hướng giải trí của khán giả. Phải rất nhanh để thích nghi, nhưng lại phải rất chỉn chu để đáp ứng kỳ vọng.
Nhà sản xuất Hoàng Quân (phim: Chuyện ma gần nhà, Bắc Kim Thang…)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/hon-50-phim-viet-lo-va-lo-nang-khong-phai-tat-ca-deu-tham-hoa-20220924094121614.chn” name=””]