Chị không còn là phụ nữ ngoan, gọi thì dạ, kêu thì tới. Lâu lâu chị còn tắt điện thoại, đi chơi vài ba ngày. Vậy mà anh sợ mất chị.
Chị cần mẫn vun vén gia đình, trong khi anh chạy theo tình mới (Ảnh minh họa) |
Chủ nhật, tôi đi tới tiệm làm tóc, gặp chị khách quen. Người đàn ông chở chị tới, dúi vào tay chị xấp tiền, căn dặn: “Em làm đẹp đi nhé, lát nữa anh quay lại đón”. Nhìn người đàn ông lịch lãm, phong độ ngời ngời, ai cũng xuýt xoa: “Người đâu mà ga-lăng, gặp chồng mình, đời thuở nào chở vợ đi làm đẹp. Vợ tự đi, về còn bị cằn nhằn”.
Chị cười cười: “Lấy chồng y hệt lao vào canh bạc. Mấy đứa đừng bao giờ dốc hết vốn liếng, kẻo thua trắng tay”.
Bàn tán chán chê, mọi người quay sang chuyện anh doanh nhân nọ tổ chức sinh nhật hoành tráng cho tình trẻ. Người vợ chưa ly hôn của anh ta thì cảm thán: “thương những đứa trẻ chưa từng được tổ chức sinh nhật”. Người trách cô diễn viên khoe mẽ, người trách anh doanh nhân bạc tình…
Chị bỗng xen ngang: “Vậy các em có được chồng tổ chức sinh nhật không?”. Mọi người chợt im lặng. Có tiếng thở dài khe khẽ, ý như “vợ chồng rồi, bày vẽ làm chi”.
Tôi rụt rè: “Chồng nộp hết lương cho em, thích gì thì mua”. Chị kể, bữa nay làm tóc là để mừng sinh nhật. Lát nữa chồng sẽ chở chị đi chọn quà. Chị nhất định sẽ chọn sợi dây chuyền hột xoàn thật lớn. Chị khổ nhiều rồi mới biết, đàn bà không cần thương tiếc giùm túi tiền của đàn ông…
Chị là tiểu thư nhà giàu, cãi cha mẹ để theo anh chồng nghèo rớt. Chị từng nghĩ chỉ cần vợ chồng thương nhau, khó khăn gì cũng qua. Ngoài giờ làm, chị làm thêm ở shop bán quần áo. Nhiều bữa xong việc, chị mệt muốn xỉu. Hai năm sau chị sinh con đầu lòng, ba má chị vẫn không nhìn cháu ngoại.
Trong những cơn say, chồng chị chửi chó mắng mèo, trách nhà ngoại máu lạnh. Hẳn anh hy vọng vào tài sản nhà ngoại, giờ không có gì nên ghét lây cả chị. Rồi anh bỏ chị đi theo nhân tình sau khi vét sạch mớ tiền chị dành dụm, và cả chiếc xe máy.
Sau hai lần đổ vỡ, chị không còn tin vào đàn ông (Ảnh minh họa) |
Chị không dám quay về nhà nên bồng con lên Sài Gòn làm công nhân. Rồi chị gặp người chồng thứ hai, là thợ bảo trì điện. Chị không kể về gia cảnh nên tin chắc anh yêu chị thật lòng. Chị vay tiền để mở tiệm điện lạnh cho chồng. Chị đi gõ cửa từng nhà, chào mời để tiệm có khách. Chồng chị ăn nên làm ra, phải thuê thêm người phụ việc. Chị mơ về căn nhà ấm, vợ chồng hạnh phúc bên nhau.
Nhưng số anh không quen việc làm chủ. Có tiền, anh sa vào số đề, cá độ. Rã cuộc tình này, chị mắc thêm một số nợ và mất hết niềm tin vào đàn ông.
Giờ chị biết khôn rồi, yêu ai cũng nhìn trước ngó sau, tính sẵn đường lui. Người đàn ông khi nãy là đại gia bất động sản. Anh bỏ tiền cho chị mở shop bán quần áo. Chị mới đi nâng mũi, hút mỡ bụng cũng tiền anh cho…
Chị đã không còn là phụ nữ ngoan, gọi thì dạ, kêu thì tới, cũng chẳng hầu hạ cơm bưng nước rót cho ai. Lâu lâu chị còn tắt điện thoại hoặc dắt con đi chơi vài ba ngày… Chị hờ hững, thoắt ẩn thoắt hiện vậy mà người ấy mê, rất sợ mất chị.
Chị đúc kết rằng: Đàn ông họ lạ lắm. Đi làm về thấy nhà cửa tinh tươm, vợ dọn cơm chờ sẵn; ngày này qua tháng nọ cửa nhà bình yên, vậy mà lại chán, than không có sinh khí. Theo chị, phụ nữ không nên đóng vai vợ hiền, ôm đồm hết việc nhà. Phải rủ chồng cùng làm, cùng đi chợ, nấu nướng. Lâu lâu “tách bầy”, đi chơi với “hội chị em” để nạp năng lượng. Muốn làm mới hôn nhân là phải đóng vai tình nhân, nuôi dưỡng tình cảm lãng mạng mới mong được yêu thương…
Vị đại gia này hứa sẽ mua cho chị căn nhà, sẽ vui vầy tuổi già cùng chị, có thể anh thương chị thật lòng. “Người ta tốt thì mình tốt”, câu đúc kết của chị khiến tôi bất ngờ.
Kể chuyện với chồng, tôi trách chồng hờ hững, không thương vợ. Chồng tôi cười cười: “Anh không phải đại gia nên không tổ chức sinh nhật hoành tráng cho em, cũng không có sổ hồng tặng em, nhưng lương anh nộp hết cho em. Con đi học thì anh đưa đón, dạy học bài. Em mệt thì anh nấu cơm… Nếu hôn nhân là canh bạc thì anh đang dốc hết vốn liếng cho mẹ con em còn gì”. Tôi ngẩn ra, bỗng thấy thương chồng.
Nhiều người vợ cũng giống như tôi, cầm hết vốn liếng của chồng vẫn phập phồng sợ mình thua trắng. Đặt chân vào con đường hôn nhân đã tính đến việc thắng thua, e rằng sẽ không còn tâm trí để nhìn con đường có vui không, người bên cạnh có dìu đỡ, có hết lòng với mình. Mãi băn khoăn tính toán, lẽ nào chặng đường đó sẽ vui, sẽ đi tới đích?
Thùy Gương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hon-nhan-la-canh-bac-day-may-rui-a1473776.html” name=””]