Thỉnh thoảng đọc những bài viết về cách tiết kiệm chi tiêu của vợ chồng trẻ để hướng tới việc mua nhà, tôi lại chạnh lòng.
So ra thì thu nhập vợ chồng tôi cao hơn nhiều so với những nhân vật trong câu chuyện, nhưng để có số tiền dành cho việc mua nhà thì vẫn còn là khoảng cách rất xa.
Chồng tôi làm trưởng phòng trong một tập đoàn về công nghệ, thu nhập không dưới 30 triệu mỗi tháng. Lương của tôi thì ít hơn, nhưng cũng đủ trang trải chi phí hàng tháng cho gia đình. Tính ra, mỗi tháng chúng tôi dư hẳn khoản thu nhập của chồng.
Qúa nhiều khoản chi phí phát sinh khiến việc tích lũy của hai vợ chồng trở nên khó khăn (ảnh minh họa) |
Nhưng tính như vậy thôi, thực tế tháng nào cũng phát sinh chi tiêu. Đó là những khoản không cắt giảm được, như vấn đề về sức khỏe, đám tiệc, sửa sang nhà cửa, sinh con… Tôi và anh đều là con lớn, trách nhiệm với cha mẹ và các em không thể lơ là.
Như năm trước, nhà cha mẹ chồng đóng tiền nâng đường. Tốn hơn chục triệu nâng đường xong, ai ngờ căn nhà trở nên lọt thỏm, mùa mưa, nước ồ ạt tuôn vào sân, vào nhà. Thế là phải nâng cả nền nhà, hết hơn trăm triệu đồng.
Rồi đám cưới em vợ, em chồng… đủ các khoản phải chi tiêu. Chồng tôi chi khá mạnh tay cho những khoản đó với cả đôi bên nội ngoại. Anh cho rằng, chi tiêu cho gia đình, người thân thì đừng tính toán gì, vì đều là người nhà mình.
Trong những cuộc nhậu ngoài quán hay ở nhà, chỉ cần bạn nhậu là “đàn em” trong nhà, anh sẽ không để bất cứ ai phải trả tiền. Anh nói: “Tụi nó khó khăn hơn mình, thỉnh thoảng gặp nhau đôi ba ly cho gắn bó, thân tình, có gì phải nặng nề tiền bạc”.
Rồi cũng chính những đứa em “còn khó khăn hơn mình” đó mua nhà trước vợ chồng tôi. Họ lập gia đình vài năm, công việc ổn định nên có ngay khoản tích lũy, cộng với nội ngoại hỗ trợ nên nhanh chóng có nhà, đất ở thành phố.
Việc hướng tới nhà cửa có lẽ là ý nghĩ của bất cứ ai muốn gắn bó với nơi mình chọn lựa sinh sống lâu dài. Nhưng ít nhất cũng phải có khoản tiền tầm 30% giá trị nhà hay đất, thì mới đến bước đi xem nhà được.
Mà ở thời điểm nào thì con số 30% ấy cũng quá tầm vợ chồng tôi. Khi mình có 1 tỷ đồng thì phải cần đến 3 tỷ mới sở hữu được đất hay căn hộ ở thành phố. Với người làm công ăn lương, để có 1 tỷ trong tay không dễ dàng gì.
Một điều sai lầm mà tôi nhận ra, đó là, nếu 10 năm trước mình “gánh nợ”, thì thời điểm này cũng tạm xong rồi. Còn giờ, vợ chồng đều ở tuổi gần 40, công việc không ổn định như khi còn trẻ, sức khỏe cũng nhấp nhổm lên tiếng báo động, nên việc gồng gánh trả một khoản nợ không chỉ là áp lực về cơ thể mà cả tinh thần.
So với 10 năm trước, giá trị nhà đất bây giờ đã tăng gấp 2, thậm chí là gấp 3. Nên có cố gắng mấy, chúng tôi cũng đành dập tắt ước mơ mua nhà thành phố.
Càng có tuổi lại càng nghĩ ngợi nhiều. Những năm gần đây, vợ chồng tôi cũng nghe họ hàng xì xầm chuyện chưa mua được nhà. Chắc họ có ý tốt là lo cho chúng tôi, nhưng cả tôi và chồng đều khó chịu khi tiếp nhận những thông tin đó.
Chồng tôi mang tiếng trưởng phòng, thu nhập cao, mà cuối cùng vẫn phải đi ở trọ. Từ một người “chủ xị” những buổi tiệc tùng của họ hàng, giờ đây anh trở nên lặng lẽ hơn, thậm chí muốn tránh những buổi gặp gỡ, sum vầy.
Tôi thương anh, vì biết anh là người hết lòng vì anh chị em trong nhà, chứ nếu ngay từ đầu anh chỉ lo cho bản thân thì khoản tích lũy đã khá hơn, việc mua nhà hay đất cũng có hy vọng hơn.
Tôi thích cuộc sống yên bình nơi quê nhà (ảnh minh họa) |
Tôi chỉ biết động viên anh bằng cách gợi ý về không gian sống quê nhà. Đến lúc nào đó rời phố thị, chúng tôi sẽ có căn nhà riêng. Đó là nơi cha mẹ luôn đợi chúng tôi về. Sống giữa không gian thiên nhiên hoa trái suốt 4 mùa cũng là ước mơ của tôi. Nếu không vì công việc, tôi chẳng có lý do nào ở lại thành phố.
Dù vậy, nhưng vợ chồng tôi vẫn không thoát khỏi ý nghĩ mình đã thất bại, bởi số đông luôn cho rằng, mua được nhà hay đất mới là thành công…
An Na
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ket-hon-10-nam-khong-mua-duoc-nha-a1515965.html” name=””]