Uzbekistan là quốc gia có bề dày văn hóa, truyền thống và lịch sử.
Kết thúc SEA Games lần thứ 31, U23 Việt Nam tiếp tục chinh chiến tại Vòng chung kết U23 châu Á, diễn ra từ ngày 1/6 đến 19/6. Uzbekistan là quốc gia đăng cai tổ chức giải bóng đá dành cho độ tuổi từ 23 trở xuống.
“Viên ngọc” của những di sản văn hoá
Nằm ở khu vực Trung Á, Uzbekistan là một trong những quốc gia nằm trên Con đường Tơ lụa nổi tiếng. Đất nước này có ba thành phố quan trọng nhất của Con đường Tơ lụa là Samarkand, Bukhara và Khiva. 3 thành phố này luôn níu chân du khách nhờ các công trình kiến trúc cổ kính cùng truyền thống đặc sắc, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá.
Thành phố Samarkand được được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO với tên gọi “Samarkand – Ngã tư của các nền văn hóa” vào đầu thế kỷ XXI. Samarkand hợp nhất nhiều nền văn hóa khác nhau, có cùng tuổi với các thủ đô cổ đại trên thế giới như Rome (Italy) và Nam Kinh (Trung Quốc). Thành phố được thành lập cách đây khoảng 2.750 năm, là một trong những thành phố cổ kính nhất không chỉ ở Trung Á mà còn trên thế giới.
Các nhà thơ và triết gia vĩ đại nhất của thế giới đã đặt cho thành phố nhiều cái tên, như khu vườn tâm hồn, viên ngọc của phương đông, tấm gương phản chiếu thế giới… Đã đến thăm thành phố, du khách không khỏi bất ngờ với số lượng các di tích lịch sử nằm ở đây.
Thành phố Samarkand (Ảnh: Uzbekistan Travel)
Trong khi đó, thành phố Bukhara hơn 2.500 năm tuổi là một trong những viên ngọc du lịch của Uzbekistan. Nằm trên con đường tơ lụa, thành phố này từ lâu đã là một trung tâm thương mại, giáo dục, văn hóa và tôn giáo. UNESCO đã công nhận Trung tâm lịch sử của Bukhara với nhiều Nhà thờ Hồi giáo và Madrasa (trường học Hồi giáo) là Di sản thế giới từ năm 1993.
Hiện nay trên lãnh thổ của Bukhara có hơn 140 di tích thuộc các thời đại khác nhau, các khu và thậm chí toàn bộ khu vực, được dựng lên cách đây hơn một thế kỷ, vẫn được bảo tồn. Bukhara còn được gọi là thành phố của thơ ca và những câu chuyện cổ tích. Bởi toàn bộ thành phố cổ chứa đầy những truyền thuyết và câu chuyện.
Thành phố Bukhara (Ảnh: Uzbekistan Travel)
Khiva là thành phố ốc đảo xinh đẹp với những bức tường cổ kính, tháp nhỏ và công trình kiến trúc độc đáo bằng đất sét. Đây cũng là thành phố duy nhất có một pháo đài thời trung cổ thực sự, Ichan-Kala, nằm trên lãnh thổ. Mọi thứ xung quanh thực sự thấm đẫm bầu không khí của quá khứ. Nếu đi dọc những con phố này, du khách sẽ cảm nhận được tinh thần của thời đại.
Năm 1990, thành phố được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Thành phố Khiva (Ảnh: Uzbekistan Travel)
Chuyến ghé thăm Uzbekistan được ví là bữa tiệc cho các giác quan, từ những công trình trang trí tuyệt vời bằng gạch men và nhà thờ Hồi giáo đến các khu chợ và chợ sầm uất. Uzbekistan là giấc mơ kỳ diệu và tuyệt đẹp. Sự thành thạo và khéo léo tuyệt đối trong việc xây dựng các tiểu tháp, lăng mộ, madrassas, nhà thờ Hồi giáo khiến du khách khó có thể rời mắt.
Đặc trưng ẩm thực ở nước đông dân nhất Trung Á
Ẩm thực của Uzbekistan bị ảnh hưởng bởi nền nông nghiệp địa phương. Ở Uzbekistan, canh tác ngũ cốc rất nhiều. Do vậy, bánh mì rất quan trọng. Đối với người dân địa phương, bánh mì không chỉ là thức ăn, nó còn mang ý nghĩa thiêng liêng và “là cuộc sống”.
Bánh mì Uzbekistan, được gọi chung là non hoặc lepeshka, nướng trong tandyr (lò đất sét). Chúng là những ổ bánh mì dẹt hình tròn với phần lõm được trang trí mỏng ở giữa và viền dày hơn ở xung quanh.
Có hai loại lepeshkas là loại trơn (obi-non) và loại cho lễ hội (patyr). Ngoài ra, chúng khác nhau bởi bột mịn, lạ mắt, bởi hình dáng và hương vị, chúng thậm chí khác nhau theo từng vùng – Samarkand, Bukhara và những vùng khác. Mỗi vùng có phương pháp tráng men riêng, công nghệ làm bánh đặc trưng riêng, hương vị riêng không thể bắt chước.
Theo truyền thống, bánh mì của người Uzbekistan không bao giờ được cắt bằng dao. Khi bắt đầu bữa ăn, nó được bẻ thành từng miếng bằng tay và đặt trên bàn gần nơi đặt từng món. Đặc biệt, thực khách không được hướng mặt phẳng của bánh mì lên trên. Hành động này được hiểu là sự thiếu tôn trọng.
Bánh mì của người Uzbekistan ở giữa có phần lõm xuống. Thực khách không được đặt úp phần này xuống (Ảnh: Advantour)
Ẩm thực của Uzbekistan chủ yếu dựa trên thịt, giống nhiều quốc gia Trung Á khác. Thịt cừu là loại thịt phổ biến do số lượng cừu phong phú trong nước. Đồng thời nó là một phần của các món ăn Uzbekistan. Các món ăn phổ biến là plov (cơm với thịt cừu, hành tây và cà rốt), manti (bột nhào với thịt băm béo ngậy) và shaslik (thịt xiên).
Mặt khác, lượng khách du lịch đổ về đã khiến các nhà hàng đưa ra nhiều lựa chọn ăn chay hơn trong thực đơn của họ. Các lựa chọn ăn chay là súp lạnh và ấm, bánh mì non và salad cà rốt Hàn Quốc. Du khách còn có thể trải nghiệm phiên bản chay của các món truyền thống như shaslik rau, manti bí ngô, plov chay, lagman chay, sam với khoai tây và hành tây.
Uzbekistan là thiên đường thủ công mỹ nghệ
Nơi này là thiên đường mua sắm. Từ đồ gốm sứ, sành sứ đến trái cây khô, hàng dệt in ikat, nơi đây có tất cả. Ikat là hoa văn của Uzbekistan mà du khách sẽ thấy trong nhiều hàng dệt, từ khăn trải bàn đến khăn quàng cổ.
Ảnh: Condé Nast Traveller India
Người dân bản địa mến khách
Một du khách từng đến Uzbekistan chia sẻ điều người đó trân trọng nhất trong cuộc hành trình là những con người có trái tim thuần khiết của Uzbekistan. Người bản địa luôn thân thiện chào đón du khách.
Điều này được thể hiện thông qua việc họ muốn trò chuyện với du khách, giao tiếp bằng mắt và cười tươi, để lộ răng bằng vàng (răng vàng là vật trang trí phổ biến ở Uzbekistan). Mặc dù tiếng Anh không phải ngôn ngữ phổ biến tại đây, họ vẫn có thể đặt câu hỏi “Bạn đến từ đâu”.
Trên nhiều diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm du lịch, không ít du khách cho biết rằng người Uzbekistan thích chụp ảnh selfie, lưu niệm cùng du khách.
Người Uzbekistan có lòng hiếu khách (Ảnh: Wendy Perrin)
Ảnh: Wandering Wheatleys
Một trong những điều thú vị ở Uzbekistan là tiền boa không mấy phổ biến ở nơi đây. Nếu bạn đến nhà hàng sử dụng dịch vụ và muốn để lại tips, người bản địa có thể khăng khăng muốn bạn cầm lại số tiền đó. Hầu hết nhà hàng đều tự động áp dụng phụ thu dịch vụ 10-15% cho hóa đơn của khách hàng. Ngay cả khi họ không tính phụ thu, khách hàng cũng không cần để lại tips.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/kham-pha-quoc-gia-dang-cai-u23-chau-a-2022-vien-ngoc-cua-di-san-van-hoa-noi-con-duong-to-lua-bac-qua-nguoi-dan-thich-chup-anh-cung-du-khach-20220604223032415.chn” name=””]