Nếu ví xoa xoa như một cô gái thanh khiết thì dù đứng giữa rừng người, cô gái ấy vẫn tỏa ra sức hút bằng chính vẻ đẹp tự nhiên, cho người nhìn cảm giác dễ chịu.
Một lần, vợ chồng tôi “lạc” đến đảo Tam Hải. Gọi là “lạc” vì chuyến đi hoàn toàn ngẫu nhiên, ngoài dự tính. Tam Hải là một hòn đảo nhỏ xinh đẹp thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đa số người trên đảo là dân địa phương, hiếm thấy khách du lịch. Ở đây có hai nghề chính là hái rong biển và đánh bắt cá. Tùy theo từng mùa, người ta đi hái những loại rong biển và đánh bắt những loại cá khác nhau.
Buổi chiều ở Bãi Nồm, khung cảnh huyền hoặc. Trên bãi cát thấp thoáng những dáng người thoăn thoắt đứng lên, ngồi xuống, giũ và phơi rong biển. Những đám rong trải dài nối nhau như tấm thảm lớn che lấp mặt cát. Tôi bắt chuyện với một cô trung tuổi và hôm sau thuê thuyền máy “theo chân” người dân địa phương đi hái rong.
Bãi biển tầm 6 giờ sáng hửng nắng, người dân đẩy những chiếc thuyền thúng ra mép nước, chèo đến chỗ neo thuyền lớn, khởi động máy, bắt đầu chuyến hành trình. Thuyền dừng ở khu vực có nhiều rong biển, đàn ông đeo bình ô-xy lặn xuống hái những đám rong bám chặt vào san hô còn phụ nữ ở trên thuyền, đợi vớt chúng lên. Dụng cụ lặn của người dân ở đây đều thô sơ, tự chế tạo.
Tầm 11-12 giờ trưa, rong phủ kín thuyền, họ trở về bờ. Khi ấy là mùa hè, mùa của loại rong được gọi là rau mơ hay rong mơ, thân và lá màu xanh đậm, dài đến vài mét, có tác dụng tiêu đờm, chữa bệnh bướu cổ. Mùa này, dọc các gành đá tiếp giáp với biển còn có rau xoa – một loại rong biển thân mỏng, không có lá, thường dùng để nấu món thạch đặc sản của xứ Quảng.
Người dân đảo Tam Hải phải đi dọc gành đá hoặc đưa thuyền ra các đảo nhỏ, dùng tay bứt hoặc dụng cụ để nạo khoét lấy đám rau bám trong kẽ đá ẩm, có khi còn phải lặn xuống dưới mặt nước biển.
Món thạch tôi vừa nhắc tới chính là xoa xoa (xu xoa) – món tráng miệng thanh mát lạ thường. Lần đầu tôi được ăn xoa xoa là ở Sài Gòn. Hôm đó trời nóng như đổ lửa, khi tôi đang nhễ nhại mồ hôi bài trí lại căn tiệm nhỏ của mình, bất chợt, cô bé nhân viên ùa vào cửa, miệng cười toe toét, trên tay cầm hai ly thạch trong veo. Em nói: “Trời ơi, em thèm món này muốn chết mà hiếm có chỗ bán lắm. Hôm nay trên đường qua đây, em gặp một cô gánh hàng rong, mừng húm!”.
Mấy miếng thạch lóng lánh như pha lê được cắt nhỏ vừa ăn, rưới thêm một chút nước đường hơi sệt, thơm mùi gừng, bên trên thêm vài viên đá. Chỉ vậy thôi mà ngon khôn tả. Xoa xoa có vị thanh mát, ăn tới đâu hả hê tới đó, như thể mùa thu dịu dàng vừa trôi qua cuống họng.
Lần thứ hai tôi ăn xoa xoa là tại một gánh hàng rong bên bờ sông Thu Bồn, Hội An. Nhìn thấy tấm bảng nhỏ ghi hai chữ xoa xoa, tôi mừng rỡ tấp vào ăn liền hai chén. Thời tiết khó chịu giúp mấy gánh hàng giải khát và chè đông như kiến. Cô chủ gánh không ngừng tay, xắt lia lịa những khối thạch to thành những miếng nhỏ vào chén, chan nước đường, trao cho khách. Những ngày nán lại Hội An, ngày nào tôi cũng cố tình đi tuyến đường cũ để được dừng chân giây lát, tự thưởng cho mình một chút mát lành.
Tôi còn ăn xoa xoa nhiều lần nữa nhưng ấn tượng nhất là chén xoa xoa trong một buổi chiều trên đảo Tam Hải. Sau khi đã thấm mệt vì nửa ngày lênh đênh trên biển, tôi nghĩ mình cần nạp thứ gì đó giúp cơ thể dịu lại. Nhìn thấy một cây dù treo bảng “xu xoa”, hơi ngờ ngợ, tôi xoay sang hỏi một người địa phương đứng ngay bên cạnh, mới dám khẳng định món yêu thích của mình đây rồi.
Khác với thạch được nấu từ bột rau câu, xoa xoa được nấu từ rau xoa nên mềm hơn và mang hương vị của làn gió biển không lẫn vào đâu được. Tôi ngỏ ý hỏi mua rau xoa về nhà tự nấu thì được biết món này dù nhìn đơn giản vậy chứ rất kỳ công.
Rau xoa sau khi thu hoạch phải rửa sạch, phơi khô, giũ bỏ cát và tạp chất, bảo quản ở nơi khô ráo. Phải ngâm rau xoa vào nước vài tiếng rồi mới đem nấu với nước theo tỷ lệ phù hợp, thêm nước cốt chanh giúp thạch giòn dai, không bở. Đến khi rau xoa chín nhừ, lọc bỏ xác, giữ lại phần nước, đổ ra chén, chừng 30 phút sau sẽ có món thạch ngon lành. Trong thời gian đợi xoa xoa đông lại thì thắng nước đường cùng một ít gừng giã nhuyễn. Khi ăn, chan nước đường vào ly xoa xoa và vắt thêm nửa trái tắc.
Từ Tam Hải về đất liền, chúng tôi có thêm vài ngày lượn quanh Tam Thanh thử các món ngon. Trong một lần chạy xe ngang một khu chợ, bắt gặp một xe đẩy bán xoa xoa, tôi dừng lại mua vì không thể cưỡng lại sự sảng khoái từ những miếng thạch pha lê đem lại. Ly xoa xoa ở đây không chỉ có xoa xoa mà còn trộn thêm các loại đậu và nước cốt dừa, trở thành một ly chè thập cẩm nhiều màu sắc.
Tôi nhớ mình từng ăn xoa xoa hạt lựu ở Đà Nẵng: xoa xoa kết hợp với đậu xanh đánh, sương sáo, nước cốt dừa và những “hạt lựu” đỏ tươi làm từ bột năng. Hay gần gũi hơn với tuổi thơ tôi – món chè sương sa hột lựu ở Sài Gòn ắt hẳn là một phiên bản khác của xoa xoa. Đứa em họ tôi đặc biệt mê chè xoa xoa đậu đỏ vì tin rằng đậu đỏ mang đến sự may mắn. Tôi từng hùa theo em ăn cho vui và phát hiện ra xoa xoa “kết duyên” cùng đậu đỏ quả là “xứng đôi vừa lứa”.
Thật ra, tôi yêu thích tất cả các phiên bản xoa xoa. Phải nói, sức sáng tạo của người Việt thật đáng ngưỡng mộ. Cùng một nguyên liệu, khi xuất hiện ở những vùng đất khác nhau có thể tạo ra những hương vị mới toanh, hấp dẫn. Riêng xoa xoa mang vị nhạt thanh nên ăn cùng các loại đậu bùi bùi ngọt ngọt chỉ tôn thêm vị ngon chứ hoàn toàn không bị lấn át.
Lê Ngọc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lan-gio-thu-mat-ruoi-a1473460.html” name=””]