Lẩu miền Tây quyến rũ mọi người bởi sự đa dạng. Không chỉ đa dạng trong cách nấu, lẩu còn phong phú bởi rau ăn kèm.
Chẳng thể nhớ từ khi nào miền Tây có lẩu hay từ khi nào lẩu đến miền Tây. Trong ký ức của tôi, lẩu thân quen như những người bà con hiền lành chung xóm. Lẩu thường hiện diện trong các đám tiệc, giỗ quải. Dường như thiếu lẩu là thiếu niềm vui. Lẩu làm nhiệm vụ gắn kết mọi người khi cả lúc nấu và ăn đều cần nhiều người hỗ trợ.
Lẩu cù lao, nôn nao cưới hỏi
Lẩu cù lao |
Món lẩu đầu tiên tôi biết là lẩu cù lao, được nấu trong cái nồi thiết kế đặc biệt để đặt than ở giữa, kêu là cái cù lao. Có lẽ vì hình dáng đó, khi ăn thấy phần lõi giữ than nhô lên như cù lao đất lành nổi giữa miền sông nước mênh mông mà thànhtên chăng?
Lẩu cù lao gắn với đám cưới hỏi. Thiếu gì thì thiếu, không thể thiếu cù lao. Nó thành ra câu cửa miệng trêu chọc nhau, hỏi chừng nào được ăn cù lao là tế nhị thăm dò khi nào làm đám cưới. Nhớ lắm hồi cấp II quý mến thầy giáo chủ nhiệm, chúng tôi cứ khúc khích đòi ăn cù lao sớm sớm, làm lần nào tai thầy cũng ửng đỏ.
Món lẩu cù lao thời đó giản dị mà cũng kỳ công. Giản dị ở thành phần là những rau củ quen thuộc như bắp cải, cà rốt, củ sắn, củ cải trắng… Kỳ công ở phần đạm thêm vô như da heo khô, chả và thịt các loại. Tùy nhà, tùy nơi nhưng hầu như đều có những miếng da heo khô ngâm nước cho mềm rồi cắt nhỏ. Cầu kỳ hơn, chủ nhà hoặc thợ nấu sẽ quết chả cá, bỏ vào các loại tôm khô, gan, tim… cho ngọt nước.
Lẩu Thái, mãi nhớ tuổi học trò
Lẩu Thái |
Rồi lẩu Thái đến như làn gió mới, hút hồn đám học sinh thích những món đậm đà. Thời đó nấu cũng tiện, chỉ cần ra chợ hỏi mua bịch nước lẩu hoặc viên lẩu. Có lẽ đây cũng là lý do khiến món này được đám học trò trường huyện mê đắm.
Tôi nhớ những buổi liên hoan của lớp hay đơn giản là những buổi đi chơi cuối tuần, chúng tôi thường tụ tập tại nhà một người bạn có hàng ba rộng rãi. Chia nhau mỗi đứa một việc, đứa đi chợ, đứa nấu nướng, đứa lặt rau, đứa rửa chén… rôm rả lắm, vui lắm. Chưa ăn gì đã no những tiếng cười tán gẫu, tay vẫn làm mà miệng trò chuyện huyên náo cả gian bếp.
Lẩu Thái có hải sản, ăn kèm với rau muống, cải thảo. Dọn ra hàng ba đã được lau sạch, cả nhóm cứ vậy mà ngồi bệt chụm đầu vào nồi lẩu nghi ngút khói. Đứa chan, đứa gắp, chúng tôi hí hửng chuyền nhau cái vá, mớ rau. Có những đứa giận nhau, đói bụng chịu không nổi nhưng do ngồi xa đành phải lên tiếng nhờ đứa mình đang giận chan giùm miếng nước. Cứ xì xụp vậy, mồ hôi toát ra được gió vườn hong khô, tâm hồn mát mẻ, “những kẻ giận hờn” làm hòa hồi nào không hay.
Lẩu chao, làm sao quên nổi!
Làm lẩu chao cực nhưng ăn thì ngon, không khác chi ngày hội. Thường nấu với chao là thịt vịt, món ấy xa xỉ với đám học trò. Thành ra lâu lắm, nhà đứa nào có nuôi vịt được phụ huynh hào phóng cho một con là cả đám xúm tới trổ tài bếp núc.
Lẩu chao đậm đà, có thêm tàu hũ trắng mềm, nấm, ăn kèm rau muống, mồng tơi, cải xanh… Nước chấm cũng từ chao, pha phải khéo. Bấy nhiêu gia vị mà không rành thì món lẩu dễ mặn cũng dễ phô.
Lên đại học, biết trong thành phố có hẳn một hẻm bán vịt nấu chao, tôi vừa mừng vừa ngỡ ngàng bởi tôi tưởng chỉ xứ quê mình mới ăn món đó. Ở một quán có tiếng trong hẻm, tụi tôi được ăn món lẩu chỉn chu, ngon lành hơn hồi đó nhưng thiếu một vị chi kỳ lạ, có lẽ là sự đông vui chia sẻ từ đám bạn ngày xưa.
Lẩu kỷ niệm, lẩu nỗi niềm
Lẩu hải sản |
Miền Tây đâu chỉ có chừng đó món lẩu. Càng lớn lên, càng đi xa, tôi càng biết nhiều hơn. Những lẩu cơm mẻ, lẩu chua, lẩu cháo trắng, lẩu nấm… và cả những món lẩu Hàn, lẩu Đài Loan (Trung Quốc)… du nhập vào và được biến đổi cho phù hợp với xứ sở này.
Những món lẩu gắn bó với gương mặt rạng rỡ của bạn bè, người thân. Sao quên được một ngày tết đi mua rau, bọn tôi lớ ngớ bị hét giá 20.000 đồng 1 bó rau muống nhỏ xíu. Tôi cũng nhớ mãi lần tài lanh tự pha nước lẩu Thái theo chỉ dẫn truyền miệng, kết quả làm ra món lẩu gì lạ lắm nhưng bởi tiếc công, tiếc của nên cả đám cứ gượng cười chan húp.
Hơn cả vậy, lẩu còn là những tình cảm gia đình trao gửi. Bên nồi lẩu dịp giỗ quải, những người ngồi cùng bàn luôn có chuyện để nói, có việc để làm. Người ngồi gần chan cho người ngồi xa, người lớn nhường thịt thà cho người nhỏ… Người biết cách bỏ rau cải sao cho chín vừa, người biết ý vớt thịt cá ra để không chín rục… Món lẩu phải vừa ăn vừa nấu, như tình cảm cần giữ lửa thường xuyên.
Và người mẹ, người bà ở quê cứ mỗi dịp lễ tết lại ngóng chờ con cháu trở về quây quần bên nồi lẩu. Lẩu là món quà những người phụ nữ ấy trao tặng con cháu ruột thịt. Trước cả khi con cháu về, cá tôm đã được rộng sẵn trong ao, trong lu chờ đợi. Rau cải trồng sẵn nơi vườn, bên hiên hay được mua từ mối quen tươi ngon nhất. Hình ảnh cả gia đình lớn nhỏ xúm xít quanh nồi lẩu vừa ấm áp vừa thương thương. Phải chăng vì cách ăn đặc biệt luôn cần được nấu nóng và nhúng gắp, lẩu miền Tây có phép màu xoa dịu mọi khúc mắc. Đâu có cái lẩu nào mỗi người mỗi ăn riêng, bới một tô chan nước lặng lẽ. Lẩu là phải ngồi cùng nhau, ăn cạnh nhau. Cùng chờ món này món kia chín, nhúng gắp liên tục trong tiếng nước sôi.
Nhớ có lần tôi qua nhà bạn chơi, gặp bữa bạn giận ba nên nín thinh mấy ngày. Bữa đó đúng ngay ngày ăn lẩu. Bạn bất đắc dĩ phải ngồi vô mâm. Trời thì mưa lất phất se lạnh, bạn phải ngồi xích vô ba để ké hơi ấm từ bếp lẩu. Có thả thêm mướp non bạn ưng, vội ăn, bạn suýt phỏng lưỡi. Gì chứ mướp giữ nhiệt không thua hòn than đỏ. Ba mẹ bạn cười. Bạn cũng cười. Rồi cả nhà vội gắp mực ra để nó không teo và dai nhách. 2 ba con quên hờn giận dễ ợt.
Lẩu mang nhiều điều bí mật
Lẩu nấm |
Lẩu miền Tây quyến rũ mọi người bởi sự đa dạng. Không chỉ đa dạng trong cách nấu, lẩu còn phong phú bởi rau ăn kèm. Khách phương xa tới thăm háo hức trước rổ rau ngập tràn đủ loại: dưới nước, trong vườn, nơi hoang dại… Có cả những loại bông đặc sệt chất quê như bông bí, bông thiên lý, bông so đũa… Mỗi chuyện hỏi tên các loại rau đã khiến khách nhớ thêm về vùng đất.
Cũng chính những loại rau ấy giúp thanh nhiệt và hỗ trợ sức khỏe. Đất xứ này lành, rau cải mọc lên mang nhiều vị quý. Ông cha học cách ăn cách nấu, hòa phối hài hòa trong đó như một bài thuốc bổ. Đói ăn rau, đau uống thuốc, câu đó chẳng bao giờ sai.
Mỗi vùng, mỗi nơi còn có vô vàn câu chuyện gắn liền với món lẩu. Đó có thể là một sự tích truyền miệng ngẫu hứng, một mẹo nấu nước lẩu thơm ngon hay những kỷ niệm của người ăn, người nấu. Tin tôi đi, chỉ cần ngồi xuống ăn cùng nhau, lẩu tự có cách khiến người ta kết nối với nhau một cách tự nhiên. Đã có nghiên cứu nói rằng ăn chung khiến mọi người gần gũi, thì lẩu còn nhiệm màu hơn – lẩu giúp mình gần sát lại. Hay vì ngọn lửa luôn cháy, lẩu khiến người ta được hâm nóng lại sau những nguội lạnh cuộc đời để rồi nhìn nồi lẩu bốc khói ấm cúng, bỗng nhiên người ta muốn mở lòng mình.
Phát Dương
Nguồn ảnh: Internet
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lau-mien-tay-vui-vay-sum-hop-a1514934.html” name=””]