Chị đề nghị thư ký toà bỏ đi chi tiết “vợ chồng thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn trầm trọng…” và thay bằng “bất đồng duy nhất là về vấn đề tài chính”.
Nhìn anh Đức Chiến – chị Kim Anh(*) hỏi han sức khỏe, công việc của nhau một cách ân cần, chân thành, không ai hiểu nổi vì sao họ lại ký vào tờ đơn đồng thuận ly hôn. Nếu không thấy anh đứng hút thuốc ở hiên tòa, ánh mắt vời vợi buồn, vẻ mặt khá căng thẳng trước phiên xử, người viết bài đã chắc mẩm đây là một vụ ly hôn giả.
Chưa hết tình, nhưng chị đành dứt áp (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Shutterstock) |
Giữ căn nhà cho con
Họ ly hôn thật. Cuộc trò chuyện sau phiên tòa đã hé bức màn bí ẩn. Ngày xưa, anh chị tình cờ quen nhau trên chuyến đò chiều khi anh đi công tác ngành cầu đường còn chị là sinh viên về quê ăn tết. Thư đi tin lại, năm 2003, hai người kết hôn. Anh Chiến thường xuyên phải theo công trình nên ít về nhà, việc chăm sóc hai con chủ yếu do vợ gánh vác.
Thời gian đầu, anh gửi tiền lương hằng tháng, sau đó thưa dần, thưa dần. Có khi còn nhờ chị chuyển ngược lại để khắc phục đủ thứ sự cố. Khi là anh bị bệnh, bị giật điện thoại, bị trộm cuỗm mất số tiền mà anh giữ quỹ cơ quan; khi lại mượn nợ chỗ này cho chỗ khác vay mong được hưởng chênh lệch lãi suất và rồi bị quỵt, gây tai nạn giao thông phải đền bù cho nạn nhân hay đóng tiền quỹ từ thiện xây dựng vùng sâu vùng xa…
Vừa ôm con nhỏ vừa đi làm lu bù, chị không trực tiếp tìm đến anh để xác minh sự thật. Vì yêu chồng, tin tưởng và thông cảm, chị cứ lo tiền khi chồng gặp chuyện, cầu cứu.
Phần đất cha mẹ cho, anh cũng đã chia lại cho em gái để có tiền giải nợ. Rồi nợ lại vây. Có đợt lên đến vài trăm triệu đồng, chị chạy vạy mượn khắp nơi không đủ. Cuối cùng hai người bàn nhau bán căn nhà để trả hết nợ, làm lại từ đầu.
Nghe vậy, người bạn thân ngăn chị: “Bán nhà rồi mấy mẹ con ở đâu? Bằng mọi giá phải giữ lại căn nhà cho mấy mẹ con có chỗ chui ra chui vào. Mặc kệ chồng với đống nợ, vì chỉ có đỏ đen mới gây nợ ngay và luôn như thế”.
Chị nói sợ chồng không trả sẽ bị chủ nợ “đập què giò” như lời anh than khóc. Bạn hỏi: “Đập què giò ảnh sao ảnh không sợ mà bạn lại phải sợ?”. Chị không trả lời, chỉ khóc tức tưởi.
Tác động của bạn khiến chị tỉnh ngộ dần, đã chủ động lập thế với chồng: “Em sẽ thế chấp căn nhà vay tiền trả đợt nợ này thay anh với điều kiện anh phải chuyển toàn bộ căn nhà cho em đứng tên sở hữu, vì số nợ hiện tương đương nửa giá trị căn nhà. Và phải cam đoan không bao giờ gây nợ nữa”.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Nhờ sự cứng rắn này mà giờ đây, khi ly hôn, chị Kim Anh đỡ phải tranh chấp tài sản. Con trai 13 tuổi, con gái 9 tuổi đồng lòng theo mẹ. Anh Đức Chiến cũng không tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con, vì giờ đây anh chẳng còn nhà cửa, lại thất nghiệp và còn oằn lưng cõng một đống nợ mới.
Người chị ruột ở Trà Vinh dang tay cưu mang, cho anh ở nhờ, vừa phụ nuôi tôm kiếm chút thu nhập vừa “ẩn dật” để dễ bề… trốn nợ. Không ra mặt quan tâm, sợ anh ỷ lại, lún sâu vào tật cũ nhưng chị Kim Anh vẫn âm thầm liên lạc với chị chồng gửi tiền cho anh nạp tiền điện thoại, gửi đồ cho anh ăn bồi dưỡng. Xưa nay anh đâu quen làm nông dân, giờ phải sớm hôm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, chị lại thương thắt lòng.
Tuy nhiên, tại tòa, nghe ông chồng “cao thượng” trình bày “tài sản xưa nay vợ chồng tạo dựng, tôi để lại hết cho vợ con, tôi ra đi tay trắng”, chị chỉ cười. Chị biết với cái cách lấp liếm, nuông chiều bản thân ấy, ngày “quay đầu là bờ” của anh hãy còn xa lắm!
Đành thôi, “thêm bạn… bớt chồng”
Đọng lại sau cuộc ly hôn của chị Thanh Tuyết là một chữ “tiếc”. Thời gian chị Thanh Tuyết và anh Ngọc An sống ly thân, con gái đến thăm anh thấy anh chỉ có 2 bộ đồ, khi giặt muộn phải để trước quạt cho gió bay mau khô để sáng kịp mặc. Có khi đồ treo gần bếp, khói muội bám đen xì. Chị Thanh Tuyết nhìn cảnh ấy mà chua chát, ê chề. Anh từng được thừa kế bạc tỉ, nhưng đã mê muội nướng sạch vào sòng bài.
Khinh anh quá yếu hèn nhưng lòng chị vẫn thương. Người có bản tính hiền lành, chu đáo với vợ con như anh, muốn ghét muốn giận cũng khó. Vì tự biết mình hư đốn, làm khổ vợ con nên anh về đến nhà là nấu ăn, dọn dẹp… như để cố bù đắp. Nhưng sống cạnh “quả bom”, đã không nương tựa được về tài chính, tinh thần mà mấy mẹ con còn rước họa vào thân: Chủ nợ đến nhà hoặc kéo vào cơ quan chị phá rối.
Sống bên người chồng cờ bạc không khác gì sống cạnh quả bom (Ảnh mang tính minh họa: Freepik) |
“Tôi muốn về pháp lý không còn dính líu hôn nhân với anh, và thực ra về tình cảm cũng đã phai lợt. Cả hai không còn cảm giác yêu đương, mong nhớ, không còn động lực chia sẻ vui buồn, cũng không hào hứng chăn gối. Tình cảm còn chăng chỉ là tình bạn, tình người, chứ chẳng phải là tình nghĩa vợ chồng với đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp, thiêng liêng.
Ai bảo ngoại tình, phản bội mới làm ta đau đớn, tổn thương còn bạn đời sa vào đỏ đen thì không? Chứng nghiện đỏ đen cũng chặt lìa hôn nhân, lấy đi cơ hội sống tốt đẹp của con cái” – chị Thanh Tuyết nghẹn giọng.
Với chị Tuyết, ly hôn giai đoạn này cũng là một giải pháp. Chia cắt một gia đình ai lại không đau, nhưng đành vậy để mấy mẹ con được yên ổn sống. Chồng cũ với tan nát này cũng là một biến cố để giật mình tỉnh mộng.
Chàng chưa cai số thì chưa… nối tình
Đọc lại biên bản buổi xét xử ly hôn, chị Nguyễn Kim Châu nhẹ nhàng nói với thư ký tòa án: “Em vui lòng chỉnh sửa giúp chị đoạn này. Bỏ đi chi tiết “vợ chồng thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn trầm trọng…” và thay bằng “bất đồng duy nhất là về vấn đề tài chính”. Thực ra anh chị rất hòa bình, chỉ vướng chuyện tài chính thôi”.
Do hầu hết các cặp vợ chồng trước ngưỡng cửa ly hôn đều rơi vào tình trạng “thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn trầm trọng, tình cảm không còn” nên câu này dường như là phần cốt lõi của mẫu biên bản ly hôn. Với câu chuyện nhà chị Kim Châu thì khác. Hai người không chỉ trích, trách móc, kể tội nhau mà tôn trọng, lịch sự, êm thắm.
Thậm chí, khi viết vào tờ khai rằng “nguyện vọng của tôi là nuôi cả hai con, không cần chồng cấp dưỡng”, chị cũng đã xóa đi, viết lại rằng “việc cấp dưỡng, chúng tôi tự thỏa thuận, không nhờ tòa giải quyết”. Chị thấy như thế tinh tế hơn, tốt hơn cho tâm lý các con. Khi trao tờ khai cho thư ký tòa, chị Châu nói thêm: “Thực tế là khi ảnh có tiền, ảnh cũng sẽ tự nguyện chuyển khoản nuôi con!”.
Anh chị chỉ vướng nhau mỗi chuyện tài chính mà thôi (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik) |
Mỹ từ “bất đồng tài chính” trong cuộc hôn nhân của chị Kim Châu cụ thể là chồng mê đánh đề, đá gà, cá độ đá banh và ngày càng lậm. Nhưng trước mặt con cái, trước tòa, chị không nói ra, giữ sĩ diện cho anh và đỡ sốc cho các con.
Dù là người khởi xướng ly hôn, chị vẫn liên hệ chuyên gia để trị liệu chứng nghiện đỏ đen của anh. Chị kiên trì nhắn tin nhắc nhở anh thực hiện các liệu pháp nhằm chế ngự cảm giác vật vã khi cắt cơn “ma túy số”. Đồng thời, chị khuyến khích anh theo đuổi đam mê tích cực, lành mạnh để tìm lẽ sống, niềm vui.
“Tôi vẫn nuôi chút hy vọng anh sẽ khắc phục, không mơ tưởng những món tiền từ trên trời rơi xuống, không cay cú gỡ gạc mà lo chí thú làm ăn. Đến khi đó nếu hai đứa muốn “nối lại tình xưa” thì đâu ai cấm. Nhưng tôi không đánh đổi hy vọng ấy với tuổi xuân của mình vì tôi chờ anh đã quá lâu, đã mòn mỏi, rã rời. Giờ đây tôi thực sự muốn tách ra để không liên lụy, để khỏi sống trong nơm nớp, hoang mang. Và hiện anh cũng không hề xứng đáng là bạn đời của tôi” – chị Kim Châu chia sẻ.
Từ tòa ra, anh không về thẳng nhà mà ghé chợ mua 3 cái đèn để thay cho hàng đèn đã hư ở cầu thang. Rồi anh cẩn thận, tỉ mỉ xếp rau củ dưới quê đem lên vào tủ lạnh, xếp giỏ bao đem về quê, để mai mốt có lên, lại dùng tiếp. Để đỡ tốn tiền xe ôm, chị đưa anh ra bến xe và nép vào góc khuất đứng nhìn anh mua vé.
Chị muốn thu vào tầm mắt dáng đi và vẻ mặt hiền lành của người từng 12 năm đầu ấp tay gối…
Tô Diệu Hiền
(*): Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mat-chong-ve-tay-ma-tuy-so-a1481122.html” name=””]