Một hôm, bắt gặp gánh thạch xoa rong ruổi trong con hẻm nhỏ, tôi mừng như gặp lại người thân. Ký ức tuổi thơ cứ thế mà ùa về cùng ly thạch trên tay mát rượi.
Ly thạch xoa giải nhiệt – Ảnh: Ngọc Hà |
Nắng nghiêng nghiêng phủ lên con ngõ nhỏ những sợi tơ vàng nhạt. Bà Bảy quẩy gánh gióng ngang nhà, tiếng rao “ai thạch xoa” làm bọn trẻ đang ngủ trưa mở bừng mắt. Những cánh cửa được hé ra, những bàn chân vội vã xỏ vào đôi dép tổ ong cũ mèm, nhanh nhảu chạy ra đầu ngõ. Đôi gióng gánh được đặt dưới gốc khế. Chỉ chốc lát, bọn trẻ đã kịp xúm quanh hai cái thúng tre.
Bà Bảy đưa tay vớt miếng thạch xoa có màu nâu ngà, một tay cầm con dao nhíp màu đen, bà cắt ngang cắt dọc vài lát lên miếng thạch mềm mịn trên tay rồi thả vào chiếc ly thủy tinh có màu xanh. Bà múc một vá đá đã đập dập đổ vào ly, múc thêm muỗng nước đường sanh sánh có vị gừng thơm ngát, rồi vắt vào đó miếng chanh, vậy là có ly thạch xoa ngọt mềm thơm mát.
Đó là tất cả những ký ức còn đọng lại trong tôi về một món ăn đã cũ. Và qua bao năm tháng, ly thạch xoa giải nhiệt trong cái ngõ xôn xao nắng vẫn thanh mát ngọt dịu đến tận bây giờ.
Tôi nhớ những buổi sáng ấu thơ ngồi trước thềm nhà, ngóng trông mạ đi chợ về. Chợ ngay bên kia sông, nên mỗi lần nghe tiếng đò ngang nổ bành bạch nơi bến sông, là ngó nghiêng chờ dáng mạ hiện ra nơi đầu ngõ.
Con ngõ ấy, cha tôi trồng hai hàng bông trang dẫn lối vào nhà. Những ngày hè nắng cháy là những ngày bông trang nở tưng bừng nhất. Lối vào nhà cứ đỏ rực lên, thắp sáng. Những buổi chợ quê, thức quà mạ mang về, bao giờ cũng là mấy chén thạch xoa đựng trong bọc ni-lông trắng. Mạ ra vườn hái mấy quả chanh. Miếng thạch được cắt nhỏ bỏ trong thau nhôm cũ, mạ lấy hũ đường trong chạn bếp, múc mấy muỗng đổ vào thau, vắt thêm ít chanh sau đó trộn đều lên, rồi chia ra ly cho từng đứa con đang ngồi xúm xít trông ngóng.
Mạ nói thạch xoa được làm từ rau câu. Người dân vùng biển vớt rong lên rồi phơi khô, quấn lại thành từng bánh mỏng có hình tròn như bánh tráng. Chỉ cần mua rau câu về, ngâm trong nước cho nở ra, rồi rửa thật sạch, sau đó nấu lên. Rau câu nấu sôi tầm mười phút với lửa liu riu thì lọc bỏ bã, hớt sạch bọt. Phần nước để nguội cho đông lại là thành thạch xoa.
Làng tôi cách phố thật xa. Hồi đó, phải đi đò mấy tiếng từ phía đầu nguồn xuôi theo sông Hương mới về đến chợ Đông Ba (TP. Huế). Chợ ở đó mới bán rau câu để nấu thạch xoa. Trong những lần ít ỏi đi phố, giữa những ngày hè nắng cháy của xứ miền Trung, mạ hay mua xấp rau câu đem về, để dành nấu cho mấy đứa con ăn giải nhiệt.
Tôi vẫn nhớ những buổi chiều tôi loanh quanh nơi góc bếp, háo hức nhìn mạ nấu thạch xoa. Mạ nói nấu rau câu cũng có bí quyết, nước đổ sao cho vừa y để khi thạch xoa đông lại, độ sánh mịn mềm dẻo vừa đủ, không quá cứng mà không quá mềm.
Một hôm, bắt gặp gánh thạch xoa rong ruổi trong con hẻm nhỏ, tôi mừng như gặp lại người thân. Ký ức tuổi thơ cứ thế mà ùa về cùng ly thạch trên tay mát rượi. Vị ngọt vừa đủ của nước đường, hương thơm của gừng, vị chua thanh nhè nhẹ của chanh, những thứ ấy như bản hòa ca, vỗ về ký ức…
Ngọc Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mat-ruoi-ly-thach-xoa-a1471444.html” name=””]