Tôi sống trong nhung lụa và được nhà chồng yêu thương hết mực. Nhưng để được hưởng điều đó, thì tôi không được tới lui, với… cha mẹ sinh ra mình.
Tôi như con chim trong lồng son, nhớ quê nhưng không được phép về.(Ảnh minh họa) |
Nhà tôi rất nghèo. Tôi có người cha đầy tai tiếng. Ông suốt ngày uống rượu và gái gú, đặt gánh nặng gia đình lên đôi vai ốm yếu của mẹ tôi.
Mỗi lần cha đi nhậu về, dù mẹ tôi có lên tiếng hay không cha cũng thấy mẹ rất chướng mắt. Cha chửi đời cha vô phước, lấy trúng người vợ nghèo khổ và mang đến xui xẻo cho cha. Cha chửi luôn cả nhà ngoại tôi, đẻ mẹ ra mà không biết dạy, để lúc nào mẹ cũng mang bộ mặt buồn, u ám.
Mẹ câm lặng, nín nhịn, chịu đựng. Vậy nhưng cũng không yên. Cứ cách 3-4 ngày cha lại cho mẹ “ăn đòn”, vì “tại sao mày dám liếc tao, tại sao mày dám ghen”. Với ba tôi, mẹ không có quyền hỏi “sao đêm qua anh không về?”. Mẹ không có quyền thắc mắc “sao anh uống rượu hoài?”. Mẹ không có quyền chất vấn khi “sao anh chở cô nào mà ôm eo anh sát rạt vậy?”…
Với con cái, cha cũng chẳng chút trách nhiệm. Ông bắt tôi nghỉ học từ năm lớp 8, vì “Con gái đi học nhiều làm gì, học nhiều cũng hư thân mất nết như mẹ mày”. Mẹ tôi bệnh, chị em tôi đau, chưa bao giờ cha hỏi thăm “đau sao”. Có đi bệnh viện thì mẹ chở em trai, còn tôi ngồi sau ôm, vừa đi hai mẹ con vừa khóc, còn em tôi thì lên cơn mê sảng do sốt cao.
Suốt tuổi thơ, tôi chỉ khát khao được ra khỏi nhà. Đến năm 2012, tôi đậu đại học và rời quê Kiên Giang lên Sài Gòn học với quyết tâm “làm kiếm nhiều tiền rồi giúp mẹ thoát khỏi cha, đưa mẹ lên trên này sống”.
Tôi tưởng ngày đó sẽ đến nếu được làm dâu một gia đình hào môn. Thật may là tôi học hành suôn sẻ, ra trường có ngay việc làm tốt. Sau đó tôi gặp kết hôn với một người gia thế vững vàng.
Chồng và nhà chồng rất yêu thương tôi, như bù đắp nỗi đau buồn suốt thời thơ ấu. Mẹ chồng nói tôi nghỉ việc ở ngân hàng, và giao cho tôi làm giám đốc nhân sự một trong những công ty con của gia đình.
Tôi có cuộc sống nhung lụa và đáng mơ ước. Tôi càng được nhà chồng cưng hơn sau khi sinh cháu đích tôn. Nhưng mẹ chồng vô cùng khó chịu khi tôi về quê thăm gia đình. Nghe tôi kể tường tận về hoàn cảnh gia đình, mẹ thương tôi, thương mẹ ruột tôi và đồng thời bà ghét và xem thường cha tôi.
Vì lý do đó mà tôi có thể giúp đỡ gia đình về vật chất thoải mái, nhưng mẹ chồng lại không muốn cho tôi về nhà cha mẹ ruột. Sau khi tôi sinh con, ý muốn “cắt đứt” tôi và cha mẹ ruột của bà càng rõ hơn. Bởi mẹ sợ cháu đích tôn của bà gần gũi với ông ngoại tai tiếng, quá nhiều thói xấu.
Dù mẹ không nói trắng ra “con không được về quê, con phải cắt đứt với cha con”, nhưng hành động của mẹ nhằm mục đích này. Tết, tôi chưa kịp lên kế hoạch về quê thì mẹ lên tiếng “cháu nhỏ quá, đi xa lạ nước lạ cái dễ bệnh”, và mẹ cũng viện cớ “cháu còn nhỏ, con nên ở nhà chăm con” để tôi không về quê được.
Hai năm nay dịch bệnh kéo dài, mẹ có lý do chính đáng để không cho tôi về thăm gia đình. Tôi buồn, nhưng không thể giận mẹ chồng khi bà biến tôi thành một đứa con bất hiếu. Bởi bà có quyền đặt danh dự và sự an lành của gia đình, của cháu mình lên trên hết.
Tôi có một người cha tệ hại, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi từ bỏ gia đình mình. Tôi vẫn giận cha vì ông đã đối xử thô bạo, tàn nhẫn với mẹ và khắc nghiệt, vô tâm với chị em tôi. Nhưng dù muốn dù không, ông vẫn là cha tôi và điều đó không thể thay đổi.
Tôi nhớ mẹ và em. Suốt 3 năm qua tôi chỉ gặp mẹ hai lần khi bà lên Sài Gòn khám bệnh. Mẹ hiểu hoàn cảnh của tôi nên không trách cứ, thậm chí thấy tôi hạnh phúc, mẹ còn không cho tôi về quê. Bà sợ điều đó có thể khiến mối quan hệ giữa tôi và nhà chồng rạn nứt.
Còn cha tôi, ông chẳng bận lòng tôi có về nhà hay không, ông chỉ cần tôi chu cấp tiền tiêu xài. Tiếng tăm của gia đình chồng tôi còn là bộ mặt cho ông đi khoe khắp xóm làng.
Tôi mong một ngày được cùng chồng con thoải mái về thăm mẹ (Ảnh minh họa) |
Đã 3 năm chưa được về thăm quê, chồng thương tôi nên xúi tôi “xé rào” nhưng tôi không dám. Những ngày lễ, tôi thèm khát được dẫn con về quê ngoại. Tôi như con chim trong lồng son, chỉ muốn bay ra bầu trời tự do…
Ngọc Nga (Q. Tân Bình, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-chong-muon-toi-cat-dut-voi-cha-me-ruot-a1462132.html” name=””]