“Ai cũng muốn có đôi, có cặp, chẳng ai muốn làm bà mẹ đơn thân. Nhưng không vì vậy mà tôi tội nghiệp mình. Tôi vẫn vui vẻ, hạnh phúc”…
Lâu ngày gặp lại Lam Ái, bạn học thời phổ thông, hỏi thăm tôi mới biết là cô đã ly hôn. Tôi tỏ vẻ ái ngại với cảnh đơn thân nuôi con của cô, nên ý tứ không nói nhiều về gia đình mình, sợ cô chạnh lòng. Như hiểu được ý của tôi, Ái bảo: “Anh đừng tội nghiệp em như vậy! Em đang rất vui với cuộc sống của mình!…”.
Trước đây, không ít người nghĩ rằng phụ nữ có “trục trặc” về chuyện gia đình và phải đơn thân nuôi con thường đáng thương, vì họ chịu nhiều thiệt thòi hơn cảnh “gà trống nuôi con”.
Nhiều phụ nữ cũng thường ít chuẩn bị tâm lý và tư thế để sống một cuộc sống đơn thân, chẳng hạn thường không có kỹ năng làm những việc lâu nay được cho là của đàn ông, như mắc điện, sửa ống nước… hay một số việc nặng nhọc. Không ít phụ nữ trong hôn nhân có đi làm, nhưng kinh tế ít nhiều phụ thuộc vào chồng, nên chuyển sang thời sống đơn thân, ban đầu họ thường gặp nhiều khó khăn khi tự xoay xở.
Ảnh mang tính minh họa – senivpetro |
Một số người dễ rơi vào trạng thái trầm cảm do phải sống trong điều kiện quạnh quẽ, đơn chiếc, nhất là khi nhìn quanh bạn bè, xóm giềng có đôi có cặp.
Ngoài ra, người đàn bà sống đơn thân sẽ trở thành “đối tượng” để một số đàn ông (cả có vợ và không có vợ) “nhòm ngó”, có thể là bình luận, sau là tán tỉnh, gạ gẫm, dụ dỗ… Đó là những khó khăn có thể thấy trước mắt. Dĩ nhiên cũng có những khó khăn tiềm ẩn bên trong, với mỗi người lại khác nhau, nhưng không phải ai cũng nhận ra.
Bây giờ, phần nhiều phụ nữ vượt qua được điều đó. Ái đôi lúc làm tôi phải ganh tị “đúng là tự do không gì quý bằng!”, bởi cô có nhiều thời gian và điều kiện để làm điều mình muốn, trong đó có những điều trước đây không làm được. Buổi tối, sau giờ làm, cô đi học ngoại ngữ.
Ái vốn làm ở một công ty nước ngoài, học ngoại ngữ là rất cần thiết, thế nhưng trước đây chồng cô không cho cô đi, với lý do là ở nhà trông nom con. Sau ly hôn, buổi tối cô đưa con đến lớp học võ, mẹ vào lớp học ngoại ngữ.
Cuối tuần, mẹ con Ái dắt nhau đi dạo, liên tục đăng hình trên Facebook trong tâm trạng vui vẻ, phấn khởi. Nghỉ hè, cô gửi con về nội ngoại, rồi tranh thủ nghỉ phép hoặc kết hợp đi công tác với du lịch, đi tour, đi bụi… Có lần đi về, cô hào hứng kể tôi nghe chuyện đi phượt ra miền Trung bằng xe đạp, tưởng như phải bỏ xe lên tàu mà cuối cùng cũng đạp xe về được đến nhà.
Có lần, Ái rủ tôi đi cùng với một nhóm bạn. Tôi gật đầu ngay, sau sực nhớ ra là tôi đi thì ai đón con. Đứa con trai của bạn tôi càng lớn, cô càng tự do, thoải mái. Bạn bè hỏi cô sao không tìm mối nào đó để “làm tập 2”, cô cười bảo: “Để sổ lồng cho thoải mái đã, chừng nào chán mới tính!”.
Tôi thấy có nhiều phụ nữ sống vui vẻ khi có một công việc ổn định, sau giờ làm việc trở về nhà với con nhỏ. Họ có nhiều thời gian để làm được điều mình thích. Họ có thể sống nhiều hơn với cha mẹ, bạn bè bởi không còn bị gò bó chuyện “chồng có cho phép không”… Những lời ong tiếng ve, đối với họ coi như là những nốt nhạc cho cuộc sống thêm phong phú chứ không làm họ bận tâm.
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Khánh Duyên có chồng mất đã 6 năm vì bạo bệnh. Duyên đang nuôi con trai 12 tuổi. Cô chia sẻ: “Phụ nữ ai cũng muốn có đôi, có cặp, chẳng ai muốn làm bà mẹ đơn thân. Nhưng không vì vậy mà tôi tội nghiệp mình. Tôi vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn thích cuộc sống đơn thân theo ý mình hơn là có chồng mà phải lệ thuộc đủ thứ. Nếu ai thương hại phụ nữ một mình nuôi con, thì e rằng người đó lạc hậu rồi!”.
Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có lần nói, đại ý: Sao người ta lại phải thương hại người đàn bà đi làm nghề phụ hồ cực nhọc mà không nghĩ rằng họ đang vui vẻ với sự lựa chọn của mình? Vì vậy, tôi hoàn toàn chia sẻ với niềm hạnh phúc của những người phụ nữ sống đơn thân, bởi đó là sự lựa chọn của họ, dù có khi, đó là sự lựa chọn bất đắc dĩ!
Ngô Đồng Vũ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-don-than-sao-phai-toi-nghiep-a1478625.html” name=””]