Những phiên bản “phá cách” từ món ăn quen thuộc của miền Tây luôn khiến thực khách phải nhớ mãi không quên.
Ngoài những cảnh đẹp sông nước hữu tình thì miền Tây còn nổi tiếng với những món ăn dân dã, hương vị ngon “hết nước chấm”. Thậm chí, người dân miền Tây còn rất sáng tạo khi biến tấu thêm nhiều món ăn độc lạ từ món ăn gốc khiến các tín đồ ẩm thực phải trầm trồ mỗi khi nghe đến.
Hủ tiếu hấp của Hà Tiên
Hủ tiếu có khá nhiều phiên bản, nào là hủ tiếu khô, hủ tiếu xào, hủ tiếu nước,… Nhưng món hủ tiếu hấp trứ danh của Hà Tiên (Kiên Giang) thì không phải ai cũng từng nghe và thử qua. Món ăn này thể hiện sự giao thoa giữa ẩm thực giữa Campuchia và Việt Nam, được nhiều người dân miền Tây lựa chọn để ăn vào buổi sáng.
Ảnh: @dulichkiengiang, @doiratngon
Món hủ tiếu hấp sử dụng sợi hủ tiếu tươi, làm từ bột gạo thay vì hủ tiếu khô như các phiên bản khác. Sợi hủ tiếu sẽ được xé tơi, sau đó hấp nhiều lần trong xửng đến khi nở to. Phần topping thường có bì trộn thính, thịt heo nạc cắt sợi, chả giò chiên, dưa leo, giá, rau thơm, mỡ hành và ớt băm nhuyễn, có nơi sẽ cho thêm thịt nướng hoặc xíu mại. Khi ăn, chỉ cần rưới đẫm nước mắm chua ngọt, gắp sợi hủ tiếu mềm tan kèm theo bì trộn hoặc thịt heo là đầy đủ hương vị.
Ảnh: @thiennabep, @khoilamchieu
Một số địa chỉ bán hủ tiếu hấp có tiếng ở Kiên Giang:
Quán cô Hà – Ngã 4 Lam Sơn – Mạc Công Du, P. Đông Hồ, TP. Hà Tiên
Quán Ý Phạ – 41 Phương Thành, P. Bình San, TP. Hà Tiên
Pizza chiên giòn ở Cần Thơ
Pizza chiên giòn chính là sáng tạo độc đáo của người dân miền Tây, dành cho những ai vừa thích ăn hủ tiếu vừa thích ăn các topping của pizza. Bởi món ăn này được những lò làm hủ tiếu truyền thống ở Cần Thơ “phát minh” ra với phần đế bên dưới là hủ tiếu, bên trên là các loại topping. Nhìn vẻ ngoài thì pizza chiên giòn khá tương đồng bánh pizza nên người ta vẫn hay gọi món ăn này với cái tên “lai” rất lạ tai: pizza chiên giòn.
Ảnh: @checkinvietnam, @onghoangtrasua
Phần đế của pizza chiên giòn được làm từ sợi hủ tiếu bột lọc, sau khi trụng chín mềm trong nước sôi, người ta sẽ tạo thành hình tròn rồi cho vào chiên nhanh trong chảo dầu nóng để sợi hủ tiếu nổ giòn. Các topping ăn kèm cũng được người miền Tây biến tấu lại cho phù hợp với khẩu vị. Không phải thịt bò hay phô mai mà thay vào đó là trứng chiên, thịt heo khìa, nước cốt dừa, hành phi, đậu phộng rang và không thể thiếu sốt cà, tương ớt. Chiếc pizza chiên giòn hoàn chỉnh nhìn bắt mắt không kém gì bánh pizza hảo hạng của phương Tây.
Ảnh: @sauraubeou, @onghoangtrasua
Một số địa chỉ bán pizza hủ tiếu ngon ở Cần Thơ:
Lò hủ tiếu Sáu Hoài – 476 Lộ Vòng Cung, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Lò hủ tiếu Chín Của – 474C/14A KV 7, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Lò hủ tiếu Quê Tôi – 2 Yên Hạ, P. Lê Bình, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ
Bánh tằm bì nước cốt dừa Bạc Liêu
Thoạt nghe tên thì thấy bình thường, nhưng khi biết được các nguyên liệu có trong món bánh tằm bì, nhiều người đã không khỏi hoang mang. Món ăn độc lạ miền Tây này là sự kết hợp giữa nước cốt dừa của chè, bì của cơm tấm, rau giá của bánh cuốn và còn chan thêm nước mắm. Nhưng khi thưởng thức, cái béo, mặn, ngọt quyện vào nhau đã tạo nên hương vị kì diệu, dễ “nghiện” chỉ sau một lần thử.
Ảnh: @litihaman
Sợi bánh tằm bì có bề ngoài giống với sợi bún bò Huế nhưng có màu trắng đục và phảng phất vị béo. Ăn kèm với bánh tằm là giá đỗ trụng chín, dưa leo bào sợi mỏng, bì heo, thịt heo, mỡ hành, đậu phộng, ớt sên, cà rốt ngâm chua, nước cốt dừa sánh đặc và nước mắm tỏi ớt. Mùi vị nổi trội nhất của món ăn chính là độ béo của bánh tằm và nước cốt dừa nguyên chất cùng vị mặn ngọt của nước mắm, giúp tôn lên vị ngon của các nguyên liệu còn lại.
Ảnh: @cathy.foodaholic, @euros.foodcorner
Một số địa chỉ để bạn thưởng thức bánh tằm bì nước cốt dừa ở Bạc Liêu:
Bánh tằm cô Nhãn – Lê Duẩn, P. 1, TP. Bạc Liêu
Bánh tằm Quê Nội – 259 Trần Huỳnh, P. 1, TP. Bạc Liêu
Bánh tằm chợ Ngan Dừa – 34 Nguyễn Thị Minh Khai, TT. Ngan Dừa, H. Hồng Dân
Bún gỏi dà Sóc Trăng
Bún gỏi dà có xuất phát điểm là gỏi cuốn, cũng bao gồm những nguyên liệu chính như tôm luộc, thịt heo luộc, bún, rau, giá đỗ nhưng cách chế biến cũng như cách thưởng thức bún gỏi dà lại ngược so với gỏi cuốn.
Ảnh: @haivyd
Thay vì cuốn trong lớp bánh tráng mỏng, người ta sẽ cho tất cả nguyên liệu vào trong tô, chan một ít nước dùng. Phần nước dùng này thường có vị chua nhẹ của me và mùi thơm đặc trưng của tương hột xay. Lúc thưởng thức chỉ cần cho thêm loại tương đen trộn với đậu phộng giã nhỏ thường dùng chấm gỏi cuốn vào và trộn đều. Đặc biệt hơn, để ăn bún gỏi dà đúng điệu, bạn phải cầm tô bún lên rồi ăn theo cách lùa vào miệng. Đây cũng là lý do món ăn này được gọi là bún gỏi dà.
Ảnh: @mia, @jera.le
Một số địa chỉ bún gỏi dà đông khách ở Sóc Trăng:
Bún gỏi dà cô Hằng – 13 Nguyễn Văn Hữu, P. 1, TP. Sóc Trăng
Bún gỏi dà Hồng Quyên – 11 Lê Hồng Phong, P. 3, TP. Sóc Trăng
Bún gỏi dà Ý Cưng – 23 Phạm Ngũ Lão, P. 1, TP. Sóc Trăng
Bún gỏi dà Mỹ Anh – 136 Phú Lợi, P. 2, TP. Sóc Trăng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/mien-tay-voi-loat-mon-sang-tao-vo-bien-nghe-ten-co-the-hoang-mang-nhung-khi-an-thi-rat-de-me-20221123163906834.chn” name=””]