Giữa sóng nước Vàm Thuật, miễu nổi Phù Châu ôm trọn một cù lao nhỏ giữa dòng. Dù bị thời gian phủ lên mình những câu chuyện huyền ảo, miễu Phù Châu vẫn là một điểm đến quen thuộc, một điểm tựa tâm linh không thể tách rời với người dân địa phương.
TP.HCM đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt, chợt đến, chợt đi vào một ngày cuối tháng. Nghe nói đã hơn 3 thế kỷ trôi qua, có ngôi miễu cổ giữa lòng Vàm Thuật được nhiều người tìm đến để cầu bình an, xin duyên lành. Sự linh thiêng của nơi đây không chỉ vì vị trí tọa lạc đặc biệt mà còn là sự bí ẩn của những truyền thuyết dân gian phủ lên ngôi miễu này. Đó là Phù Châu miễu, hay còn gọi là miễu nổi Phù Châu.
Miễu là cách gọi đặc biệt của người dân nơi đây, có thể hiểu là “ngôi miếu nhỏ”. Cách gọi này càng khiến miễu nổi Phù Châu trở nên khác biệt. Miễu xưa lắm rồi, nhưng vẫn nguyên vẹn tới tận ngày nay. Giá trị của miễu trường tồn bởi những điều bí ẩn mà người ta chưa thể hiểu hết. Miễu chưa bao giờ vắng người bởi những lời truyền tai, rằng “cầu gì được nấy”…
Tìm đến Miễu Nổi đã gần trưa, con nắng đã lên cao, sự gay gắt và nóng bức trùm lên người nhưng vẫn không làm giảm đi sự háo hức của chúng tôi khi đến thăm ngôi miễu cổ đặc biệt.
Phù Châu miễu nằm trọn trên một cù lao nhỏ giữa lòng Vàm Thuật, bốn bề sông nước bao quanh. Có thể nói rằng, ít có công trình tín ngưỡng nào lại tọa lạc ở vị trí độc đáo như vậy. Vì để đến được Miễu Nổi, bạn phải đi bằng đò.
Thời điểm chúng tôi đến thăm miễu, mặc dù không quá đông đúc nhưng vào khung giờ trưa vẫn có nhiều người tìm đến ngôi miễu để thăm thú, chiêm bái và cầu mong nguyện ước.
Đường vào miễu nổi Phù Châu phải đi ngang miếu Sa Tân
Từ cầu An Phú Đông, chúng tôi men theo con đường Trần Bá Giao, đến Sa Tân miếu. Kỳ lạ thay, đường ra miễu nổi phải lách qua ngõ nhỏ ngay cạnh Sa Tân miếu. Miếu Sa Tân, hay còn gọi là Thủy Long cung, dân gian thường gọi là miếu Ông Chài.
Tương truyền, vào thế kỷ XVIII, trên dòng sông Bến Cát xưa (Vàm Thuật nay), có một người đàn ông vạn chài quăng lưới sống qua ngày. Vào mùa đông nọ, một ngày rét mướt, lưới của ông rỗng tuếch chẳng có con tôm, con cá nào cả. Nhưng ông lại vớt được một pho tượng, người ta đồn là Bà Thủy Tề. Ông lập cái miễu nhỏ an vị cho pho tượng và thờ cúng.
Cũng từ khi ấy, truyền rằng, cuộc sống dân làng xung quanh cũng có phần khấm khá hơn và cái tên miếu Ông Chài ra đời từ đó.
Miếu Sa Tân hay còn gọi là miếu Ông Chài
Miếu Sa Tân ngày nay cũng đậm màu huyền bí, mang đặc trưng phong cách Trung Hoa. Tại đây có thờ Bà Thủy Long, bà Ngũ Hành, Diêu Trì Kim Mẫu (Tây Vương Mẫu) trong truyền thuyết Trung Quốc và thờ Phật tổ.
Nhiều người cũng tìm đến đây chiêm bái, thỉnh cầu và xin quẻ.
Ngay cạnh miếu Sa Tân, len qua những ngôi nhà dân là đường ra bến đò. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là nơi đây… đời lắm. Nhà dân nằm ngay bên cạnh, tiếng xèo xèo nấu bữa ăn trưa, tiếng trò chuyện đời thường, tiếng bà thầy xem bài tây ngay cửa vào vang lên,…
Vậy là trước khi bước đến chốn thiêng mang màu sắc tâm linh thì chúng ta vẫn phải bước qua cuộc sống đời thường, ấy chính là nơi kết nối con người với miếu cổ trên cù lao nhỏ giữa sông kia.
Đường ra miễu nổi len lỏi qua những con hẻm nhỏ rất đời
Ngay từ bến đò, có nhiều quầy hàng bán ốc, cá, rùa nhỏ, chim các loại để người hành hương đến có thể mua phóng sinh. Ngay sau đó là bến đò. Chỉ với 20.000 đồng là đi được đò máy lên Miễu Nổi, khứ hồi luôn đấy!
Trước kia, người dân đến chiêm bái đông, nhiều đò lắm, chỉ chừng 10 phút là có một chuyến. Nhưng thời điểm chúng tôi tới đây, hơn 30 phút mới có một chuyến đò.
Đò là phương tiện duy nhất ở đây để đi ra miễu nổi Phù Châu
Nhiều người nói rằng, ngôi miễu cổ đầy kỳ lạ giữa lòng Vàm Thuật (xưa là sông Bến Cát) “cầu gì được nấy”. Bởi vậy mà nơi đây trước năm 1975 là nơi hành hương nổi tiếng của người Sài Gòn. Sau đó, ngôi miễu cổ gần như bỏ hoang. Đến năm 1992, miễu mới được tôn tạo.
Nói tới truyền thuyết về sự linh thiêng của miễu Phù Châu, trước hết phải nhắc đến huyền tích của nơi này.
“Ngũ hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt của đời sống con người, không kể người làm những nghề nghiệp khác nhau, như ngư nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán; không kể cư dân sống ven biển, dọc sông hay vùng đất bán sơn địa. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những lăng miếu thờ hay phối thờ Bà Ngũ hành tập trung ở ven biển, các lạch, cửa sông, vốn là nơi từ xa xưa, dù làm nghề đánh bắt cá hay trồng trọt thì cũng đều quy tụ ở những nơi này… Người ta thờ Bà Ngũ hành và cầu mong Bà phù hộ độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, cầu may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn…” – Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh.
Trong Gia Định xưa và nay, Huỳnh Minh có nhắc: “Tương truyền cách nay mười mấy năm về trước, trên sông Bến Cát trước ngôi miếu thường có cặp cá bông to lớn nổi lờ đờ trên mặt nước, mọi người trông thấy cho đó là cặp cá thần của bà cậu, đồng bào quanh vùng không ai dám đả động gì cả, mỗi lần nổi lên như vậy là trong làng có chuyện lục đục không an, hoặc ra điều cho người chết đuối dưới sông”.
Truyền thuyết kể lại, vào thế kỷ XVIII, Miễu Nổi chỉ là ngôi miếu nhỏ được làm bằng tre và lá dừa, do các nhà buôn bán giao thương cùng các cụ trong làng dựng nên. Nơi đây thờ Ngũ Hành, Long Mẫu để cầu mong được thượng lộ bình an những ngày chênh vênh sông nước.
Ở những nơi thờ miếu Bà, các thần tích về các vị thần trong tục thờ bà Thủy ở Nam Bộ thường được sử dụng một “xác chết trôi dạt” để thánh hóa vị trí đắc địa cho nơi thờ tự. Có lẽ miễu Phù Châu cũng vậy.
Giá đi đò ra miễu là 20.000 cho cả 2 lượt đi/về
Có thể nói rằng, Phù Châu miễu là một trong những đặc trưng của đời sống Nam Bộ, thể hiện tín ngưỡng thờ bà Thủy. Mà trong đó gắn liền với tục thờ Ngũ hành nương nương (bà Kim, bà Mộc, bà Thủy, bà Thổ, bà Hỏa).
Điều này càng rõ rệt hơn khi Ngũ bà được nhà Nguyễn chính thức công nhận và sắc phong vào năm 1911 (Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần). Năm bà Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ từ đó trở thành:Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi.
Miễu Phù Châu nhìn từ xa, ôm trọn một cù lao nhỏ giữa dòng Vàm Thuật
Ngay từ trên đò, chúng tôi đã nhìn thấy Miễu Nổi từ xa. Miễu Nổi quay về hướng Nam, được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm ba tòa nhà nối liền nhau bởi hai sân thiên tỉnh có lợp mái. Nơi đây mái được lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc óng ả. Trên mỗi nóc tòa đều được trang trí họa tiết rồng chầu ngọc, rồng ấp sen, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Các đầu đao cong trên bờ mái có gắn tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng.
Ngoài ra, các chi tiết hoa cúc, lá nho, sông nước, hình cá được trang trí khắp nơi. Tường xung quanh được quét vôi hồng đậm, mí cửa sơn đỏ – nét đặc trưng phong cách Trung Hoa.
Kiến trúc miễu mang đậm hơi thở của sự giao thoa văn hóa Việt – Trung
Ngay từ khi bước vào tiền điện, chúng tôi đã thấy pho tượng thờ Phật Di Lặc sừng sững, phía bên tay phải là ban Thần Tài và tượng Bạch Mã. Dọc hai bên tường là các bức phù điêu Thập Bát La Hán.
Tiếp đến là ban thờ Quan Thế Âm và Đức Ngọc Đế. Ở mặt sau là ban thờ mẹ Kim Mẫu, Địa Mẫu, Long Thần, Hộ Pháp. Trước khi đến chính điện thờ Ngũ Hành nương nương là ban Tề Thiên Đại Thánh xung quanh có bao lam bằng gỗ.
Tượng Di Lặc uy nghi ngay sau cánh cửa miễu
Nơi chính giữa điện là ban thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu có 5 tượng thờ bà Kim, bà Mộc, bà Thủy, bà Thổ và bà Hỏa, người dân thường gọi là năm Mẹ. Hai bên cũng có thêm tượng thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Thiên.
Tượng Quan Âm được thờ tự ở đây là Quan Âm Nam Hải với ước mong Phật Bà luôn độ cho dân chài được bình an và đánh bắt được bội thu tôm cá. Sự giao thoa và đan xen giữa các hệ thống thờ tự tại nơi này cho thấy sự xích lại gần nhau của tín ngưỡng dân gian và Phật giáo trên cơ sở tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt.
Điện Quan Âm Nam Hải (ảnh trái) là nơi được người dân địa phương thường xuyên lui tới cầu bình an
Trong khuôn viên Phù Châu miễu cũng có cây si cổ thụ gần trăm năm tuổi, xen lẫn những chùm hoa muồng vàng lúc lỉu thấp thoáng bóng lá sa kê xào xạc trong nắng gió Vàm Thuật.
Ngồi nơi ghế đá, tôi lại ngậm ngùi nhớ đến những câu chuyện ít người biết, có lẽ chúng đã bị thời gian đánh chìm xuống dòng Vàm Thuật từ lâu rồi.
Trong tập ký sự Xóm Chợ Đời của tác giả Hải Nguyên” data-rel=”follow”>Xóm Chợ Đời của tác giả Hải Nguyên tôi từng đọc, những con chữ nơi ấy có thấp thoáng bóng của ngôi miễu cổ trong khoảng thời gian bị bỏ hoang. Nơi ngôi miễu thiêng an ngụ trước kia được miêu tả là “một vùng cỏ lác ngập ngụa với con đường đất đỏ vắng vẻ”, là nơi mà “người vô gia cư tá túc vào miếu hoang của cô hồn, những đứa trẻ bơ vơ chia chỗ nằm với “người cõi âm” trên gò mả…”
Thời gian phủ lên ngôi miễu cổ này đủ thứ chuyện ma mị
Đâu chỉ có thế, thời mà đôi bờ Vàm Thuật còn đầy những mồ mả la liệt, dân chơi cờ bạc lẫn con buôn kéo nhau đến miễu cô hồn để khấn vái, cầu cơ xin lộc làm ăn, trúng số.
Thời gian dần trôi đi, người ta còn biết đến sông Vàm Thuật nổi tiếng vì nhiều oan hồn đuối nước. Chỉ cần lên Google gõ một vài từ khóa, bạn sẽ kiểm chứng được điều này. Có lẽ vì thế mà miễu cổ càng trở nên ma mị dưới nhiều lời đồn thổi khác nhau.
Hóa ra, trong quá trình trở thành một chốn tâm linh, một nơi từng được miêu tả là “cảnh trí của cuộc đất nhỏ nhô lên giữa dòng sông rất thơ mộng” ấy cũng gánh trên mình nhiều nỗi đau lạnh lùng như vậy.
Dịch bệnh căng thẳng nhiều năm chẳng thể nào thiêu đốt được ước nguyện của con người. Bởi vậy mà, giữa trưa nắng vẫn có nhiều người đến Miễu Nổi gửi sự cầu mong qua những lời thì thầm nơi thờ tự.
Chúng tôi gặp được Hằng – cô gái vượt 20km đường xa tìm đến Miễu Nổi khi nghe nói nơi này “cầu gì được nấy”. Trước khi đến đây, Hằng cũng đã chuẩn bị cho mình những cành hoa thơm ngát để dâng lên các Mẹ, mong các Mẹ linh thiêng phù hộ cho ý nguyện của mình.
Hằng mở lòng tâm sự: “Em đến đây là lần thứ hai, lần trước cách đây 2 năm rồi, lần này em quay lại để cầu điều mới và tạ điều lần trước em cầu. Hai năm trước em xin thì cũng không được, về công việc cũng không được suôn sẻ lắm, em quay lại dâng lễ để mong suôn sẻ hơn”.
Đức tin nơi mỗi người cũng đều cần có thời gian bồi đắp như cách chúng ta cố gắng để hoàn thành mục tiêu trong cuộc sống
Có lẽ đối với nhiều người, đến chốn tâm linh cầu xin, ai cũng mong được như ý nguyện ngay từ lần đầu thì mới thấy thiêng. Nhưng như Hằng, dù xin lần một vẫn chưa được như mong muốn, cô chỉ nghĩ rằng mình chưa đủ thành tâm và chưa đủ cố gắng, cô vẫn nuôi dưỡng trong mình sự may mắn được các Mẹ ở Miễu Nổi chiếu cố. Phải chăng, đức tin nơi mỗi người cũng đều cần có thời gian bồi đắp như cách chúng ta cố gắng để hoàn thành mục tiêu trong cuộc sống?
Những lời trần tình được thốt lên từ tận đáy lòng ấy, đến chốn thiêng ai mà giấu cho được? Dù vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu, Miễu Nổi vẫn còn đó. Người ta tìm đến nơi đây với tấm chân tình, mong được giãi bày và được như ý nguyện.
Có một điều mà nhiều người nói rằng khi đến chùa chiền, những nơi linh thiêng không nên sờ lên tượng, nhưng người dân đến đây rất thích sờ lên tượng “Bạch Mã” ngay từ Tiền điện để “lấy vía”.
Tập tục thờ Bạch Mã đã gắn liền với giới thương buôn từ thuở cựu trào. Bạch Mã Thái Giám là vị thần dân gian, hóa thân của ngựa thần Balaha thường phù hộ cho giới thương buôn trên biển và cả trên đường bộ.
Chúng tôi ngắm nhìn cảnh trí xung quanh, dòng sông Vàm Thuật dường như đang “ốm”, màu nước không được trong xanh, có những khúc còn chuyển màu đen đục. Vì vậy, thiết nghĩ rằng việc phóng sinh tôm cá xuống sông có giúp chúng sống tốt hơn không?
Sự linh thiêng của Miễu Nổi không phải từ nơi khác đến, cũng chẳng phải được bồi đắp từ những lữ khách phương xa. Người ta biết đến câu chuyện bí ẩn làm nên sự linh thiêng của Phù Châu miễu chính là hồn đất, hồn người bao đời hun đúc nên.
Đến miễu nổi, lắng nghe tích xưa, dạo bước ngắm cảnh nơi đây chính là cách từng chút một thổi vào dòng thời gian sự tin tưởng và lòng thành kính tạo nên chốn thiêng này. Cũng giống như khi chúng tôi rời khỏi Miễu Nổi, vẫn thấy từng tán lá sa kê đu đưa dưới gió nhẹ, xa xa trên bầu trời là tiếng máy bay vụt qua…
Cơ duyên hạnh ngộ còn nhiều, hy vọng sau này khi quay lại, chúng tôi sẽ được nhìn thấy màu nước dòng Vàm Thuật xanh hơn, trong hơn và vẫn được nghe thêm nhiều câu chuyện về miễu nhỏ lênh đênh giữa lòng sông ấy…
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/phu-chau-mieu-noi-ngoi-mieu-dac-biet-nhat-tphcm-suot-300-nam-ngu-giua-dong-vam-thuat-noi-thoi-gian-phu-len-nhung-cau-chuyen-huyen-ao-van-om-ap-duc-tin-tu-di-vang-20220713165314594.chn” name=””]