Đầu bếp nước ngoài lại biến tấu món ăn Việt hoàn toàn khác với bản gốc.
Gần đây, cộng đồng mạng trong nước chắc hẳn được phen xôn xao khi chứng kiến phiên bản cải biên món “thịt kho trứng” của Việt Nam được đăng tải trên TikTok. Món ăn do đầu bếp Chad Kubanoff thực hiện, dù được lấy cảm hứng từ thịt kho trứng của Việt Nam, nhưng món ăn này lại không giống bản gốc một chút nào ngoại trừ nguyên liệu gồm có trứng và thịt là 2 thành phần chính.
Đầu bếp nước ngoài biến tấu món ăn Việt
Theo công thức của Chad Kubanoff, phần thịt sẽ được để nguyên cả miếng lớn, áp chảo đều 2 mặt sau đó nấu cùng các gia vị đến khi chín mềm và ăn kèm sốt trứng.
Trong khi đó, thịt kho trứng nguyên bản của Việt Nam là một món ăn khá quen thuộc với người Việt với cách chế biến đơn giản là: kho thịt đã cắt miếng vừa ăn cùng trứng luộc đến khi cả hai nguyên liệu đều chín mềm và ngấm gia vị. Tùy từng vùng mà có thể thay đổi các bước cũng như một vài loại gia vị khác nhau nhưng chắc chắn “hàng chính chủ” sẽ không có chuyện để thịt nguyên miếng lớn và ăn kèm sốt trứng nghiền như phiên bản của Chad. Tuy nhiên, đầu bếp Chad Kubanoff vẫn rất hài lòng với món ăn mà mình đã làm ra và nghĩ rằng nó có hương vị khá ổn và quan trọng hơn rất nhiều dân mạng tại Việt Nam nhận xét tích cực về công thức của Chad:
– “Tôi khẳng định trứng nghiền là sai với công thức thịt kho trứng của Việt Nam rồi đó, nhưng cách bạn chế biến tôi có niềm tin là khá ngon”.
– “Đây có thể xem là phiên bản nâng cao của thịt kho trứng dành cho người nước ngoài nhỉ?”.
– “Mặc dù không đúng với bản gốc nhưng tôi thấy bạn làm nó một cách trân trọng và có vẻ rất ngon nên tôi ủng hộ vì sự sáng tạo của bạn”.
Theo thực tế, biến tấu món ăn là một xu hướng vô cùng phổ biến trong lĩnh vực ẩm thực và được gọi là “Fusion Food” – ẩm thực kết hợp giữa hai hay nhiều nền văn hóa khác nhau.
Kể từ lần đầu xuất hiện, “Fusion Food” đã được giới chuyên môn và thực khách ủng hộ nhiệt tình, đặc biệt ở những vùng có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và cởi mở với cái mới. Để đạt được sự hài hòa trong một tác phẩm “fusion”, người đầu bếp phải khéo léo cân bằng được các yếu tố: hương vị, hình thức, điểm đột phá và dấu ấn văn hóa ẩm thực bản địa. Tuy nhiên ranh giới giữa việc cải biên sáng tạo và làm mất giá trị của món ăn rất mong manh và không phải đối với món ăn nào cũng có thể dễ dàng cải biên.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/dau-bep-nuoc-ngoai-nau-mon-thit-kho-trung-voi-cong-thuc-trung-bi-nghien-nat-tuong-se-bi-phan-doi-nao-ngo-ai-cung-bao-sai-nhung-co-ve-rat-ngon-2022050410143065.chn” name=””]