Lần đầu, tôi lắng nghe trong giọng nói của bạn mình có nỗi xót xa và cũng lần đầu, sự háo thắng trong tôi – một thằng con trai chưa được 18 tuổi – có chút gì đó ngậm ngùi.
Má tôi vốn rất dễ tính và chiều con nên tôi không hề gặp khó khăn gì khi xin phép qua nhà bạn để học thi vào năm đó – năm cuối cùng của bậc trung học.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Nhà bạn tôi rất khác với những ngôi nhà trong thành phố vì có vườn trước, vườn sau. Nhà xây cất rất đơn sơ nhưng thoáng đãng, mát mẻ nên thích lắm.
Tôi chuyển sang ở đây với cái túi đựng đồ dùng cá nhân, sách vở và cây đàn guitar. Cây đàn là vật bất ly thân của tôi từ hồi học cấp II. Thấy tôi xách guitar qua, ông anh bạn cười cười: “Chơi để thư giãn thôi nghen!”. Cơ ngơi của 2 đứa là cả một cái chái hiên phía sau, thông suốt với khu vườn xanh mướt những rau là rau và thơm ngát rất nhiều loại hoa. Ba bạn ưa trồng trọt và thứ gì cũng ưa nên ông đã đem về khu vườn của mình bao giống hoa quen cũng như lạ.
Ông trồng khắp cùng và hoa nở mọi nơi. Hương hòa chung nên rất khó nhận dạng, bởi vậy chúng tôi mới kêu là hoa hỗn hợp và hương thập cẩm.
Mới ở đó 3 ngày, tôi đã “phát hiện” bên hàng xóm có một cô nhỏ rất xinh. Trời đất! Vậy mà bạn tôi giấu. Không vậy sao chơi với nhau rất thân suốt bao nhiêu năm mà không hề nghe bạn mở miệng kể lấy một lần. Khi tôi nói ra điều này, bạn còn giả bộ: “Nó nhỏ xíu. Tao coi như em út. Đâu có quan tâm”. Nói không quan tâm mà cặp mắt bạn tôi sáng trưng khi nhắc đến “nó”. Tôi đáp trả tức thì: “Vậy mấy người ngon còn tui dở? Mới thấy “nó”, tui để ý liền. Đây sợ tui thương rồi có người buồn. Tội chết!”. Bạn tôi xì một tiếng rõ bự rồi lật đật cúi mình trên trang vở. Tôi liếc nhìn và biết ngay bạn mình đang… bối rối. Tự nhiên tôi thấy thương thương.
Tôi và bạn có tính cách không giống nhau lắm. Nếu như bạn rất cần cù, chăm chỉ học hành thì ngược lại, tôi rất làm biếng. Nếu như bạn rất ra kiểu một viên chức mẫn cán thì tôi lại có kiểu của một nghệ sĩ với lối sống lãng tử phiêu lưu. Tôi đâu ngờ vì vậy mà mình lại được “nó” thương dù chưa hề hỏi han, tán tỉnh một lời. Mẹ của “nó” ăn trầu mà nhà bạn tôi lại có cả một giàn, trồng ngay mé giếng.
Vậy nên mới có chuyện từ ngày tôi dọn đến ở, “nó” hay vén rào. Khi thấy chỉ có mình tôi lảng vảng ở vườn sau, là: “Anh ơi, cho má em xin mấy lá trầu”. Đã nói bạn tôi ham học nên luôn cắm cúi với sách vở, tài liệu. Đã nói tôi ham chơi nên thường ra võng nằm đong đưa hay ngồi chơi đàn ngoài vườn. Ba của “nó” rất thích uống trà ướp hoa ngâu mà vườn nhà bạn tôi trồng tới mấy gốc. Vậy là: “Anh ơi, hái cho em mớ bông”.
Khi biết tôi hay ở phía sau chờ “nó”, bạn buồn lặng và miệt mài hơn với việc học. Khi biết nhiều khuya, tôi ôm guitar ra bờ giếng đàn, hát và ru “nó” bằng mấy bài tình ca quen thuộc, bạn nói: “Kiểu mày chắc rớt nhưng mà vui. Tao đậu, “nó” có nghe tin cũng bình thường. Nhưng không còn được nghe mày đàn hát, chắc “nó” buồn dữ!”.
Lần đầu, tôi lắng nghe trong giọng nói của bạn mình có nỗi xót xa và cũng lần đầu, sự háo thắng trong tôi – một thằng con trai chưa được 18 tuổi – có chút gì đó ngậm ngùi. Thật ra “nó” cũng chẳng buồn nhiều khi mùa thi đi qua, tôi rời nhà bạn và khu vườn vắng bặt tiếng đàn.
Một buổi tối, tôi ngồi trước cửa nhà và thấy “nó” đi cùng một người đàn ông lớn tuổi. Tôi hỏi và được biết tuần sau “nó” làm đám hỏi. Bạn tôi đậu rất cao, chuẩn bị đi du học. Tôi rớt, chưa biết tương lai về đâu.
Giờ “nó” không cần xin hoa ngâu để ướp trà cho ba vì trà ướp hương bán đầy tiệm, cũng chả cần xin lá trầu cho má vì thứ đó thiếu gì ngoài chợ. Nó đã lấy chồng và một mùa thi đã qua. Chỉ còn trong tôi những kỷ niệm về khu vườn nhà bạn, chút tình lãng đãng và một thời đèn sách ngây khờ.
Nguyễn Mỹ Nữ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mot-mua-thi-kho-quen-a1522982.html” name=””]