Mùa hồng giòn cũng là mùa hoa dã quỳ nở, mùa hoa tam giác mạch, của những mời gọi, hẹn hò từ những tín đồ du lịch về những mùa đặc trưng.
Sáng nay, trong lúc loay hoay để thoát ra khỏi đám kẹt xe hỗn độn, xe tôi vô tình va phải bịch hồng giòn của một chị phụ nữ có lẽ vừa đi chợ về. Mấy quả hồng còn xanh, đôi chỗ ửng vàng bỗng chốc khiến cơn bực bội trong tôi dịu lại. Mùa hồng giòn đã lại về rồi đấy ư?
(Ảnh nhân vật cung cấp) |
Hoá ra, mải mê bận rộn với công việc khiến tôi quên mất. Tầm này mọi năm, vào độ giữa tháng chín trở đi là mùa hồng giòn bắt đầu nhuộm vàng các quầy trái cây lớn nhỏ ở chợ, tôi vẫn canh để mua bằng được những quả hồng giòn đầu tiên, cứ thế lai rai cho đến khi hết mùa, tận hưởng những khoảnh khắc tươi đẹp ít ỏi trong năm. Gọi “mùa” vậy thôi chứ được chừng hai tháng là hết.
Nói ra có khi ai đó lại cười cho sở thích bình dân của mình, như cái cách mẹ vẫn cười nhạo tôi, sao không thích trái gì sang cả một chút, lại đi thích cái trái chẳng đẹp mắt, lại còn chát chát thi thoảng. Mẹ bảo, phải chi tôi phải lòng món hồng trứng hay đại loại một loại hồng chín mọng nào đó, hay hồng treo gió chẳng hạn, có lẽ tôi đã đỡ “kém sang” hơn. Lần sang thăm mẹ, được mẹ cho ăn loại hồng vuông của Nhật thuộc loại đắt tiền mà tôi vẫn không ưa được cái kiểu chín mềm, ngọt lịm, bị mẹ chê “đồ nhà quê” mà thấy buồn cười. Tự thấy mình không hề vô lý khi lỡ thích cái loại trái cây sống không ra sống, chín không ra chín, cứ giòn giòn sần sật càng ăn càng ghiền ấy.
Năm ngoái, cũng vào độ này, khi xã hội vừa gỡ bỏ lệnh giãn cách, một trong những việc đầu tiên mà tôi háo hức là chạy vù ra góc đường gần chợ, nơi có cô bé chuyên bán đồ Đà Lạt ngồi bán mọi khi. Chẳng thể diễn tả được cảm giác của tôi lúc ấy sau ba tháng bị “giam lỏng” trong nhà nay như vừa được sổ lồng.
Cô bé “người Đà Lạt” vẫn ngồi đó, trên con đường tôi vẫn đi làm mỗi ngày, tựa hồ chưa từng có ba tháng giãn cách đằng đẵng vừa trôi qua. Vẫn nhúm rau tươi nhà trồng, mớ khoai, củ mới đào được, mỗi thứ một chút và quan trọng là luôn có một, hai bịch hồng giòn của vườn nhà hàng xóm gửi bán, là cô bé giải thích thế. Hồng giòn của cô bé đúng kiểu hồng Đà Lạt, nhỏ nhỏ nhưng giòn và ngọt, không chát chứ không như mấy quả hồng nghe đâu từ “nước bạn”, to đùng, vuông vức, đẹp đẽ nhưng ăn chán òm.
Mấy thứ “của nhà trồng được” chỉ nghe qua đã thấy muốn mua rồi, huống gì cái thứ trái cây mình yêu thích. Thêm cái ý nghĩ mình vẫn may mắn vớt được vài đợt hồng cuối mùa khiến tôi thích thú. Chứ chỉ vì ba tháng giãn cách mà mùa hồng giòn trôi qua không để lại chút dấu tích gì, nghĩ lại cái con virut Covid chết tiệt, hẳn tôi đã hận lắm lắm.
Ảnh: Tác giả trong một lần ghé thăm vườn hồng |
Kể từ khi dọn sang nhà mới, không còn qua lại trên con đường cũ để nhìn thấy cô bé bán rau củ ấy mỗi ngày, tôi quên bẵng mùa hồng giòn lại tới, cho đến khi nhìn thấy bịch hồng giòn trên tay chị phụ nữ sáng nay. Cái ý nghĩ chị ấy cũng trạc tuổi mình, chẳng còn trẻ trung gì mà vẫn thích loại trái cây hợp với tuổi teen hơn khiến tôi thấy như có sự đồng cảm thú vị.
Hồng giòn xuất hiện còn là dấu chỉ của mùa cuối năm cùng những trận mưa bão dai dẳng, những cơn gió lạnh se se đủ khiến những phụ nữ yếu ớt như tôi rùng mình khi ra ngoài mà quên mang áo khoác. Mùa hồng giòn cũng là mùa hoa dã quỳ nở, mùa của hoa tam giác mạch, của những mời gọi, hẹn hò nhau từ những tín đồ du lịch về những mùa đặc trưng trong năm. Còn bạn, có lời hẹn nào đang chờ bạn vào thời khắc này không?
Mùa hồng giòn có khi chỉ là sự nhắc nhớ về một kỷ niệm nào đó, như với tôi, đó là con đường đi ngang ngôi nhà cũ, có cô bé ngồi bán hồng giòn và cái áo len mỏng vào những ngày thời tiết sang mùa mà bây giờ, muốn được nhìn thấy góc đường ấy, khung cảnh ấy, tôi phải chịu khó quay ngược vòng xe.
Chẳng phải gì, chỉ là để được thấy mình vẫn còn nhớ nhung một điều gì đó, vẫn bồi hồi với những hoài niệm cũ, để biết rằng cảm xúc vẫn chưa chai sạn, dẫu bao nhọc nhằn cơm áo vẫn cuồn cuộn ngoài kia.
Vi Lê
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mua-hong-gion-tro-lai-a1472335.html” name=””]