Khi con cái của má đứa khăn gói đi học, đi làm xa, hết mùng, má lại làm thêm mẻ mứt dừa, chia thành túi nhỏ, đặt vào hành lý của con.
Má rất đẹp, da trắng mịn, tóc đen dài, các đường nét trên gương mặt đều đẹp. Ba kể, thời xưa xưa lắm, má đẹp nhất nhì Thi Phổ (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), rằng, người theo má xếp hàng dài. Ba kể ngày xưa nhà má giàu, không phải làm gì, nhưng từ khi biết nhận xét tôi chỉ thấy một bà má người Trung hay lam hay làm, chăm chồng chăm con.
Má tôi mở tiệm bán gạo tại nhà, nhưng mùa sầu riêng lại kéo chiếc kệ sắt ra phía trước, bày sầu riêng, mít, trái cây… bán cho xe khách đi đường hay xe du lịch. Khi xe dừng lại, má miệng năm, tay mười, vừa tách sầu riêng, vừa nhanh miệng giới thiệu “mấy trái mít tố nữ vừa hái được sau vườn”. Hay cứ mỗi dịp tết, má gần như bàn giao việc buôn bán gạo cho các chị lớn, nổi lửa, thổi than, hết làm mứt gừng đến sên mứt bí, quay qua làm bánh thuẫn, bánh mè.
Má làm bánh mứt từ chiều đến khuya, nghỉ ngơi một lúc, sáng lại vội vàng lên chợ bày sạp hàng. Khách mua món nào nhiều, má lại tất bật chuẩn bị mẻ bánh mứt mới.
Lúc nhỏ không biết gì, sau lớn dần, tôi mới nhận ra, ba chỉ làm vườn, má không xoay vần như thế, sao có thể nuôi nổi tận 9 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.
Khi giao thông phát triển, bánh mứt từ các vùng khác, nhất là Quảng Ngãi được vận chuyển liên tục đến Đạ Huoai mùa tết, lượng bánh mứt má làm cũng ít dần, ít dần. Sau, các loại bánh mứt của má vì không có chất bảo quản, thời gian sử dụng tối đa 2 tuần, không cạnh tranh được với mứt sản xuất công nghiệp, quầy bánh mứt của má ế dần.
May, lúc đó, con má đã kịp lớn. Các anh chị đã tốt nghiệp ra trường, có thể phụ ba má một phần lo cho 2 đứa kế út và út.
Má chỉ làm bánh mứt cho các con ăn dịp tết. Những năm 1990 đầu 2000, các con của má không sợ mập nên bánh mứt má làm không chỉ “được tiêu thụ” hết trong những ngày tết mà trước khi “đi xa”, các con còn thủ thỉ nhờ má làm cho một ít mang theo lên phòng trọ, ăn cho đã thèm. Thương các con, má hay làm thêm đợt mứt ngoài mùng. Món mứt thường được các con ưng nhất là mứt dừa non. Cơm dừa non thì má ra các xe có bán dừa tươi, xin trái dừa mà khách đã uống hết nước, tách vỏ lấy cơm.
Mứt dừa má làm, con Út luôn than mệt. Mệt vì tách cơm dừa sao cho thành miếng lớn. Mệt vì sau khi tách xong cơm dừa, má còn rửa tận bảy bảy bốn mươi chín lần nước sao cho nước rửa trong veo mới chịu ngâm cơm dừa cùng chanh cho dừa trắng ra.
Ngâm khoảng 1, 2 tiếng thì vớt cơm dừa, bỏ chanh, xốc lại nước sạch để loại bỏ vị chua rồi cơm dừa lại được cho vào thau, thêm đường phèn Quảng Ngãi và nước trà đặc, ngâm ít nhất 4 tiếng để đường thấm mới bắc lên bếp, bắt đầu sên.
Mứt dừa ngoài mùng của má luôn được các con tiêu thụ nhiệt tình |
Thời gian đầu, khi nước đường còn nhiều, má cứ để lửa liu riu cho đường thấm vào dừa cũng như cạn dần. Khi đường cạn hết, lửa lại được hạ thêm một ít rồi bắt đầu đảo liên tục để đường khô ráo mà không cháy dừa. Đảo khoảng 10 phút thì mứt dừa tới, má tắt bếp, đổ mứt ra thau nhôm, dàn đều để mứt nguội, không bám nhau cũng như rũ bớt đường bám trên mứt.
Vài tiếng sau, mứt dừa nguội, má chia thành các bịch nhỏ, để hôm sau, con Út đi Sài Gòn, mang lên cho các anh chị – những đứa lớn đã lên thành phố trước để làm việc.
Than thì than, nhưng không biết thương má hay thương hương vị không thể mua được này mà năm nào con Út cũng canh ngày má chuẩn bị làm mứt dừa ở nhà phụ má chứ không đi chơi cùng bạn bè. Năm nào Út cũng chịu khó tay xách nách mang cả bao mứt dừa lớn rồi đạp xe từ ký túc xá đến phòng các anh chị để “giao” mứt.
Năm nay, má 83 tuổi, các con má không ăn mứt dừa nhiều nữa, cũng sợ má vất vả ngồi cạy từng miếng cơm dừa non. Nhưng con Út giờ đã là mẹ 2 con, thương má, không biết đi mua dừa ở đâu, về cạy cạy, rửa rửa, sên sên. Vừa làm, vừa hỏi má cái này đúng chưa, cái kia được chưa, đường vầy đủ chưa… khiến má cười móm mém.
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mut-dua-ngoai-mung-cua-ma-a1484816.html” name=””]