Với nhiều cảnh sắc tuyệt đẹp, núi non hùng vĩ, miền Tây xứ Nghệ làm du khách “mê mẩn” khi đặt chân đến đây.
|
Anh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, cách TP Vinh hơn 80km. Vùng đất này có thiên nhiên phong phú và đa dạng, với nhiều cảnh quan, danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc sắc. |
|
Vùng đất này là nơi giao hòa giữa núi cao và thung lũng, bởi thế địa hình đồi núi chiếm tới 80% diện tích tự nhiên. Đi dọc quốc lộ 7 qua địa phận huyện Anh Sơn, phóng tầm mắt ra xa, đâu đâu cũng là những dãy núi trùng điệp, xanh mát rượi. |
|
Núi ở Anh Sơn còn được các dòng sông tôn thêm cảnh đẹp, tạo nên một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, non xanh nước biếc. |
|
Nhìn từ xa, những “thung lũng núi đá” hùng vĩ tưởng như khô cứng lại hấp dẫn lạ kỳ khi đi qua những con đường uốn lượn quanh núi đá. |
|
Một địa chỉ mới thu hút nhiều du khách khi đến huyện Anh Sơn những năm gần đây là chùa Anh Sơn. Ngôi chùa nằm nép mình dưới những ngọn núi đá cao sừng sững, là một di tích quan trọng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh đền Cửa Lũy (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn). Đây cũng là ngôi chùa lớn nhất ở miền Tây xứ Nghệ. |
|
Phần lớn những ngọn núi đá ở huyện Anh Sơn là đá vôi, chưa được khai thác nhiều nên vẫn còn giữ được nét hoang sơ vốn có của nó. |
|
Huyện Anh Sơn còn được xem là “thủ phủ” của chè nguyên liệu tỉnh Nghệ An với những đồi chè thoai thoải nằm san sát nhau. Những đồi chè cũng là nơi hấp dẫn nhiều bạn trẻ tới trải nghiệm, check-in. |
|
Bám theo tuyến đường 7, từ huyện Anh Sơn ngược lên huyện Tương Dương, du khách có thể ghé thăm đền Vạn (còn gọi là đền Cửa Rào, ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương). |
|
Ngôi đền gắn liền với sự nghiệp và công đức của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài – một danh tướng đời nhà Trần đã hy sinh trên vùng đất biên cương này để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ bản làng và cuộc sống muôn dân. |
|
Đây được xem là ngôi đền có địa linh tốt nhất Nghệ An hiện nay khi nằm kẹp giữa nơi sông Nậm Nơn và sông Nậm Mộ hòa nước vào nhau để trở thành dòng chính mang tên sông Lam. |
|
Điểm cuối của quốc lộ 7 là huyện Kỳ Sơn. Một trong những điểm thu hút du khách du lịch ở Kỳ Sơn những năm qua là xã Mường Lống và xã Na Ngoi, nơi đây được ví như một Sa Pa của xứ Nghệ. Trong đó, Na Ngoi cách TP Vinh gần 300km. Đây là nơi thử thách bản lĩnh của những vị khách ưa sự phiêu lưu, mạo hiểm khi chinh phục đỉnh núi Puxalaileng (cao hơn 2.700m so với mực nước biển) – “nóc nhà ” của xứ Nghệ. |
|
Xã Na Ngoi có hơn 90% dân số là đồng bào người Mông, sống rải rác dưới chân núi Puxailaileng. Nơi đây vẫn còn giữ được nét hoang sơ của thiên nhiên, quanh năm mây mù bao phủ. |
|
Đây cũng là một trong những địa điểm “săn mây” lý tưởng cho du khách khi đến huyện Kỳ Sơn. “Khí hậu ở đây rất mát nên hầu như không mấy ai sử dụng đến điều hòa. Mùa hè, ở đây chỉ cần một cái quạt. Đêm còn phải dùng chăn mỏng vì lạnh” – một giáo viên ở xã Na Ngoi nói. |
|
Du khách ghi lại khung cảnh ruộng bậc thang xanh mướt bên những ngọn núi sừng sững ở xã Na Ngoi. |
|
Ông Nguyễn Đức Hiển – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Nghệ An – cho biết, miền Tây Nghệ An có lợi thế rất lớn để khai thác du lịch sinh thái. Song vì địa hình cách trở, xa trung tâm thành phố, đặc biệt là cơ sở hạ tầng còn quá hoang sơ nên chưa thu hút được nhiều du khách. Để khai thác được tiềm năng này, cần phải kêu gọi các nhà đầu tư về du lịch một cách bài bản. |
Phan Ngọc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngam-nui-non-hung-vi-noi-mien-tay-xu-nghe-a1523306.html” name=””]