Làng nghề bánh tráng Túy Loan là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Đà Nẵng nằm tại làng cổ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) với tuổi đời hơn 500 năm. Bánh tráng Túy Loan thơm ngon, không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà còn theo chân du khách đi khắp mọi miền Tổ quốc…
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 15km về hướng Tây Nam, làng nghề bánh tráng Túy Loan bấy lâu nay được người dân và du khách gần xa biết đến bởi bánh tráng thơm ngon được chế biến từ hạt gạo đặc trưng của miền Trung.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các lò bánh tráng nơi đây đỏ lửa, tất bật làm bánh phục vụ thị trường Tết.
“Hàng trăm năm qua, cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, các lò bánh trong thôn đều đỏ lửa ngày đêm để phục vụ nhu cầu người dân, du khách mua bánh phục vụ Tết. Làm bánh tráng trở thành kế sinh nhai của gia đình và các hộ dân khác trong làng. Đặc biệt, đây là làng nghề truyền thống, việc giữ lửa cho làng nghề lại càng quan trọng hơn”, ông Đặng Bê (68 tuổi, trú thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) – người có hơn 40 năm tráng bánh chia sẻ.
Theo ông Bê, tráng bánh là nghề cha truyền con nối từ bao đời nay, những ngày cận Tết, mọi người dậy từ 2 giờ sáng để tráng bánh mới kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Nguyên liệu làm bánh tráng của người dân Túy Loan phải là gạo xiệc – loại gạo quê chính gốc do người dân địa phương ở đây trồng. Gạo được ngâm từ hôm trước sau đó đem xay lấy bột trộn cùng với các gia vị gồm: mè, đường, mắm, muối, gừng và tỏi.
Để có nguyên liệu tráng bánh vào sáng sớm thì phải ngâm sẵn gạo và chuẩn bị sẵn gia vị từ tối hôm trước; tỷ lệ pha là 1 ang gạo trộn kèm 12 lon mè trắng. Bột trước khi trộn gia vị phải xay nhuyễn rồi hòa thêm với nước để có độ lỏng phù hợp, sau đó lọc qua 1 lượt để bột mịn, không lẫn vỏ trấu.
“Tôi không nhớ là đã làm nghề được bao lâu; từ thời ông bà rồi đến cha mẹ rồi đến mình, cứ thế hệ trước đến thế hệ sau như thế. Cả đời “viết chữ O” (cách tráng bánh theo vòng tròn – PV) nhưng vẫn đủ ăn, đủ mặc”, bà Trần Thị Luyện (70 tuổi, trú thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) chia sẻ.
Theo người dân, cả làng này còn hơn chục hộ giữ nghề, cứ tới dịp Tết Nguyên đán là cả làng rộn ràng, tất bật lắm…
Điều đặc biệt, bánh tráng Túy Loan không phơi nắng thông thường mà sẽ được hơ 3 lần trên củi than…
Theo cách này, bánh sẽ được xếp lên những tấm lưới, ở phía dưới ủ tro, than ở trên để hơ bánh. Qua 3 lần hơ như vậy, bánh sẽ khô giòn, không bị mốc và bảo quản được lâu.
Trong thời gian hơ, bánh phải được trở liên tục để không bị cháy.
Ngoài ra, bánh tráng Túy Loan thường dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh cũng được người sử dụng đánh giá cao.
Sản phẩm của làng là bánh tráng nướng, hình tròn, đường kính khoảng 50 cm. Bánh thường được nướng ăn kèm với món mỳ Quảng hoặc nhúng nước để cuốn. Bánh tráng Túy Loan dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh tráng được người sử dụng đánh giá rất cao…
Đối với người dân địa phương nơi đây, bánh tráng Túy Loan là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên và bữa ăn của mỗi gia đình. Bánh tráng Túy Loan còn được sử dụng làm quà biếu nhau cho bạn bè, người thân ở xa.
Bánh chưa nướng được bán ra thị trường với giá khoảng 200.000 đồng/chục; bánh nướng thường có giá 250.000 đồng/chục.
Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà còn theo chân du khách đi khắp mọi miền Tổ quốc và trở thành một trong các đặc sản của Đà Nẵng.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/ngay-xuan-ve-lang-nghe-500-nam-tuoi-xem-nguoi-dan-lam-loai-banh-chu-o-thom-ngon-20230129194612287.chn” name=””]