“Nghiện Cần Giờ” là cụm từ bạn bè gán cho tôi, đến nỗi họ phải thắc mắc Cần Giờ có gì mà tôi đi hoài không chán.
Tôi không nhớ lần đầu đến Cần Giờ (TPHCM) là khi nào, nhưng từ khi tôi chuyển nhà về quận 7 (cũng ở TPHCM), tiện đường xe buýt, mỗi khi rảnh rỗi hay cảm thấy cần đi đâu đó nạp năng lượng, nơi đầu tiên tôi nghĩ đến là Cần Giờ. Chỉ cần lên xe buýt số 75, sau 2 tiếng là tôi đến Cần Giờ. Nếu đi xe số 20, tôi cần đi thêm chuyến phà và chuyến buýt số 90 nữa.
Bánh canh tôm tít |
Biển cạn
Tôi đã khá hụt hẫng khi lần đầu nhìn thấy biển Cần Giờ. Bãi cạn mênh mông có đến vài cây số. Tôi đã đi qua nhiều vùng biển bãi lài, không sâu dốc, thủy triều lên xuống hằng ngày như Cửa Lò, Cửa Hội, Hà Tiên, Vũng Tàu, Nha Trang… nhưng biển ở đây thì… lạ quá. Quanh bãi biển không một bóng người. Nhủ thầm khi nào thấy nước thì dừng nhưng tôi đi mỏi chân vẫn không thấy biển ở đâu. Tứ bề yên ắng gần như tuyệt đối.
Một chòi canh chơ vơ giữa bao la, bên trên không có ai. Có 2 chú nhóc đang bắt tôm cua gần đó. Có lúc chúng nằm lăn ra bươi rồi thò tay sâu vào một cái hang. Trong vỏ nhựa chiếc mũ bảo hiểm cạnh 2 đứa trẻ có vài con tôm tít, mấy con cua.
Quay lên, vào một quán, tôi gọi thức ăn trưa. Trưa ở biển mà như vùng quê đồng bằng thanh vắng, gió cũng hiếm hoi. Vẳng lại tiếng hát karaoke bài vọng cổ, thêm màu trời xám bàng bạc khiến bức tranh trưa man mác buồn. Đôi tình nhân ngồi bàn phía sau tôi bung 2 cái võng rồi lướt điện thoại. Những con chim sẻ dạn dĩ chùm chụm xuống chỗ tôi ngồi.
Tôi gọi thêm trái dừa rồi mở điện thoại trong khi chờ nước lên. Bỗng nghe tiếng sóng đuổi nhau thật nhẹ, tôi giật mình nhìn ra thấy nước biển đang dần lên tự hồi nào. Sóng nối tiếp sóng lúp xúp khá xa. Một lát sau, nước biển phả qua chân chòi canh. Tôi như bị mê hoặc bởi hiện tượng thiên nhiên tuyệt vời lần đầu nhìn thấy. Ở đường mép nước có những con cò thật nhỏ mà ban đầu tôi ngỡ là lũ chim sẻ. Những đôi cánh màu xám như chiếc áo khoác hờ trên bộ lông trắng lấp lánh trong nắng nhẹ.
Trong tôi bất chợt dâng lên nỗi hoang mang: “Có khi nào nước lên nhanh khiến mình chạy không kịp?”. Xung quanh không có ai ngoài tôi. Cảm giác sờ sợ khiến tôi quay lên.
Bánh khọt quán cô Liễu |
Ngày mưa
Một ngày, tôi bỗng nổi hứng đi Cần Giờ bằng xe đạp. Từ nhà, tôi đạp xe đến phà Bình Khánh và cho xe đạp lên xe buýt. Tôi lên xe thì trời bắt đầu mưa lâm thâm rồi ào ạt suốt đoạn qua rừng.
Đường Rừng Sác xanh sạch đẹp. Bông giấy rộ hoa đủ sắc màu nghiêng ngả trong mưa. Hai bên, rừng xanh chìm trong mưa, nhuốm màu man mác bâng khuâng. Hết đoạn qua rừng, mưa dịu đi một chút. Tôi xuống xe ở trạm cuối và đạp một mạch ra biển, vào quán quen, ngồi ngắm biển ngày mưa. Biển trước mặt tôi xám xịt. Tiếng sóng biển ngày mưa thỉnh thoảng ào lên rồi rì rào giai điệu đều đều bất tận.
Khu vực nuôi hàu |
Tôi hết nhìn biển lại ngắm những giọt mưa đọng trên mái tranh, hàng dương buồn thiu trong mưa, cảm thấy hối hận vì đã không xem dự báo thời tiết trước khi đi. Thế nhưng, liền khi ấy, một ý nghĩ lạc quan cắt ngang: không đi làm sao hiểu cảm giác cô độc và buồn bã vào một ngày mưa ở biển. Khi tư tưởng được đả thông, tôi gọi một trái dừa và bắt đầu hưởng thụ biển ngày mưa. Chỉ mình tôi trong cái quán rộng mênh mông. Ngắm biển mãi rồi cũng chán, tôi gọi tính tiền và nhờ cậu phục vụ mua dùm cái áo đi mưa.
Có áo mưa, tôi tự tin đạp xe loanh quanh thị trấn và chưa bao giờ cảm thấy thích thú như vậy. Hàng cây hai bên đường như xanh dày hơn. Cảnh vật vô cùng yên tĩnh và đẹp. Thị trấn nhỏ xíu, loanh quanh dăm phút là hết những con đường chính có cửa tiệm, có nhà. Tôi vòng ra chợ, bến đò, bến phà… Mưa nhỏ thật dễ chịu để đạp xe khám phá, tìm tòi. Cảm giác mọi thứ tinh khôi, trong trẻo và nhẹ nhàng. Hạnh phúc nhỏ nhoi vừa đủ cho tôi thấy mình không bỏ phí một ngày vô nghĩa.
Phải chăng giá trị cuộc sống ở chỗ con người biết tận hưởng điều kiện mình đang có. Nếu biết mưa rỉ rả cả ngày như thế này thì tôi đã không đi, nhưng không đi làm sao tôi biết được vẻ đẹp biển Cần Giờ ngày mưa.
Chợ cá ở Vàm Láng |
Đi Tiền Giang từ Cần Giờ
Một lần, nghe tôi nói tôi đã đi Gò Công (Tiền Giang) từ Cần Giờ, ai nấy đều ngạc nhiên, không biết tôi đi cách nào.
Hôm ấy, tôi đi từ nhà lúc 7 giờ sáng, dự tính ban đầu là xuống xe ở ngã ba Long Hòa, đón xe buýt số 77 vào Đông Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM). Thế nhưng, khi tôi đến Đông Hòa, sẵn có đò qua Tiền Giang, tôi đi luôn.
Tôi thích Đông Hòa ở những con đường nhỏ hai bên xanh ngát vườn xoài. Xoài cát Cần Giờ nổi tiếng ngon, quyện trong vị ngọt có chút xíu vị chua, ai đã ăn một lần rồi sẽ thích. Thế mạnh của Đông Hòa là thủy sản. Bạn có thể gặp thủy sản phơi khắp nơi. Trên vùng biển Đông Hòa, ghe thuyền ra vào vừa chộn rộn lại vừa bình yên. Cuộc sống nơi đây khá thong thả, chậm rãi.
Đò đi Vàm Láng chạy liên tục. Lênh đênh trên biển khoảng 45 phút là đến Tiền Giang. Đò sạch, biển rất êm nhưng mênh mông, trống trải, lâu lâu mới thấy một chiếc thuyền. Từ Vàm Láng đến Gò Công khoảng 15km, tôi đi xe ôm và có một buổi chiều lang thang ở Gò Công, ngắm phố nhỏ êm đềm, ăn tô hủ tíu thật ngon. Rồi tôi lên xe buýt số 629 về lại bến xe quận 8 đúng 5 giờ chiều trong ngày.
Về Cố Quận
Tôi thích gọi An Thới Đông (huyện Cần Giờ) là cố quận Quảng Xuyên theo cách gọi ngày xưa, hay gọi tắt là Cố Quận(*).
Hôm ấy, tôi đạp xe đến ngã ba Bà Xán, cách phà Bình Khánh 10km, tính quay về thì thấy xe buýt số 127. Nghe tài xế nói xe đi An Thới Đông, tôi liền gửi xe ở một quán bên đường rồi lên xe buýt. Xe chạy loanh quanh qua Tam Thôn Hiệp, con đường dọc sông Lòng Tàu, qua ấp An Nghĩa ra lại đường Rừng Sác rồi rẽ vào An Thới Đông. Đường vào An Thới Đông một bên là rừng đước, cây cao thẳng tắp, rễ thật to. Cũng như những nơi khác ở Cần Giờ, An Thới Đông bình yên, sạch sẽ. Nhìn ra sông Soài Rạp, tôi thấy có chiếc phà nhỏ từ Hiệp Phước sang. Con đường dọc sông khá nên thơ.
Trên đảo Thạnh An |
Bây giờ, tôi có thể “vẽ bản đồ” Cần Giờ thật mau khi bất chợt có ai hỏi đến, từ Lý Nhơn heo hút cho đến 2 xã đảo Thạnh An và Thiềng Liềng, khu bảo tồn, đảo khỉ…
Bởi “nghiện Cần Giờ” nên hễ khi nào nhớ miền đất này, tôi chỉ cần lên xe buýt đi một lèo đến thị trấn Cần Thạnh. Tới đó, tôi xuống xe và ăn bánh canh tôm tít ở quán Cây Bàng. Xong, tôi lững thững đi bộ ra biển, vào quán quen uống trái dừa, ngắm biển, hít căng mùi biển. Trước khi về, tôi sẽ ăn bánh khọt ở quán cô Liễu và mua thêm một ổ bánh mì khá ngon ở góc đường Duyên Hải – Đào Cử. Lần nào cũng vậy, vừa thấy tôi từ xa, cô bán bánh mì đã cười, chào: “Cô mới từ quận 7 qua” khiến tôi có cảm giác như mình đang “về nhà”.
Bài và ảnh: Đào Thị Thanh Tuyền
(*) Theo Wikipedia, Quảng Xuyên là một quận cũ thuộc tỉnh Gia Định, trước năm 1975. Địa bàn quận Quảng Xuyên hiện nay tương ứng với các xã An Thới Đông, Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn của huyện Cần Giờ.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nghien-can-gio-a1481470.html” name=””]