Chính những con cua đồng đã làm nên vị ngon, ngọt trên mâm cơm chiều thoang thoảng hương phù sa miệt Cửu Long chín nhánh.
Cua đồng thưa dần, những món ngon từ cua đồng cũng thưa dần trên mâm cơm gia đình – Ảnh: Internet |
Ở quê tôi, cứ mỗi độ lũ rút đồng, bà con chuẩn bị cho vụ mùa mới thì cá, tôm trong ruộng nhiều lắm. Ngày đó, tôi và tụi con nít trong xóm nào biết gì mấy món đồ công nghệ, quanh đi quẩn lại chỉ có vài trò chơi tuổi nhỏ: bắn bi, trốn tìm, tắm sông và đặc biệt nhất là tụ tập cùng nhau đi bắt cua đồng.
Do đặc tính ghét nóng, khi mặt trời đứng bóng, nước dưới ruộng bắt đầu nóng như nấu trên bếp củi, những con cua dưới ruộng sẽ “di cư” lên bờ mẫu tìm nơi chống nóng như chim phương Bắc bay về phương Nam tránh rét. Những ngày sau lũ, cua đồng nhiều vô kể. Loại sản vật này đã cho chúng tôi một tuổi thơ đầy thú vị khi dang nắng, lội bùn, lội ruộng tìm bắt.
Khi đi bắt cua, trên tay mỗi đứa chúng tôi ngày đó luôn có một chiếc thùng hay giỏ đan bằng nan tre. Cả đám men theo bờ ruộng tìm hang cua đồng mà đút tay vô cho tới khi cua ngoi ra khỏi hang thì chộp lấy, bỏ vô thùng. Con cua đồng vỏ mềm, thịt lại thơm ngon nên bà con miền Tây mê lắm.
Cua đồng có thể chế biến thành rất nhiều món ngon vì ngoài lý do thịt cua đồng ngon ngọt; chúng còn giúp giải nhiệt, bổ xương… Bà con miền Tây đã sáng tạo bao món từ cua như: cua rang muối, cua rang me, cua hấp lá chanh/lá sả, lẩu cua đồng… Vậy nhưng, thấm đậm vào ký ức tuổi thơ tôi vẫn là món canh rau tập tàng nấu với cua đồng. Hương vị nồi canh cua ấy cứ đeo đẳng theo tôi. Trong tô canh cua rau tập tàng, tôi nghe được mùi thơm của tình mẫu tử ngọt ngào, thiêng liêng.
Mẹ tôi thường nấu canh cua với nhiều loại rau khác nhau. |
Tiếng giã cua của mẹ vọng từ chái bếp. Cua đồng tôi đem từ ruộng về được mẹ rửa sạch. Mẹ dùng đũa cả đảo cua trong thau nước lớn cho sạch bùn đất thấm trên thân cua. Từng con cua đồng bò xào xạc trong thau. Mẹ nhẹ nhàng tách mai, lấy thân cua để vào tô lớn. Trong khi mẹ tách mai cua, tôi ngồi kế bên dùng một chiếc càng cua lớn gỡ gạch cua ra chén. Gạch cua vàng ươm như màu nghệ. Mẹ thường để chén gạch cua vào nồi cơm hâm nóng, khi ăn thì chan đều lên chén cơm. Món này khác nào mỹ vị nhân gian, vừa có hậu nhân nhẩn vừa có vị ngọt nhẹ thanh. Tất cả hòa quyện khiến cơm trong nồi mau chóng cạn sạch.
Thân cua sau khi tách được giã bỏ vào cối đá, dùng chày gỗ đâm đều tay cho nhuyễn. Tiếp đó là công đoạn dùng khăn lọc lấy nước cua. Thứ nước nâu sẫm màu bùn đất làm lay động lòng người. Mẹ tôi thường nấu canh cua với nhiều loại rau khác nhau.
Mẹ nói cua đồng nấu với rau nào cũng ngon nên mẹ nấu chung nhiều loại rau ăn cho lạ miệng. Nồi canh cua trong bếp thoang thoảng hương thơm, lan tỏa khắp nhà mùi thịt cua hòa với mùi mặn của muối Bạc Liêu, vị đậm đà của nước mắm cá linh mẹ ủ hồi nước lũ về. Ngọt cái, ngọt nước. Đậm đà từ vị cua đến vị rau đay, rau dền, rau mồng tơi… có trong nồi. Tất cả cùng tấn công trực tiếp vào khứu giác của những người xung quanh.
Tô canh cua ngon ngọt được mẹ đặt trang trọng giữa mâm cơm. Từng mảng thịt cua nâu đậm trong nồi nổi lên. Một chiều xa nhà trở về, ngồi bên mẹ, ăn từng miếng thịt cua mẹ gắp cho, tôi nghe cay cay nơi đầu mũi, khóe mắt. Không hiểu sao nước mắt cứ muốn trào ra, phải chăng vì vị cay của trái ớt hiểm trong chén nước mắm?
Cuộc sống là chuỗi ngày biến thiên, mọi thứ cứ dần dần thay đổi theo từng ngày. Những món ăn, những hương vị xưa dần phai nhạt. Con cua đồng cũng ít dần nơi ruộng lúa. Bởi lẽ, một phần do người nông dân sử dụng ngày càng nhiều phân hóa học bón cho lúa nên ảnh hưởng nhiều đến sự sống của những loài động vật tự nhiên. Cua đồng thưa dần, những món ngon từ cua đồng cũng thưa dần trên mâm cơm gia đình.
Ngày nay, bao món ăn ra đời, du nhập từ phương Tây và các quốc gia lân cận thu hút thế hệ trẻ tìm kiếm khám phá, trải nghiệm. Giờ đây, nơi xa, đôi lúc tôi thèm được cùng bè bạn xách giỏ ra đồng bắt cua, thèm được ngồi bên mẹ lấy gạch cua ra chén, tai nghe văng vẳng tiếng chày giã cua, thèm được ngồi ăn cơm cùng mẹ cùng cha, thèm được gắp từng miếng thịt cua đặt vào chén cơm của cha của mẹ…
Trương Hoàng Hân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngot-long-huong-vi-cua-dong-miet-que-a1476451.html” name=””]