Tổ chức Y tế Thế giới đang lo ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra thảm họa thứ hai sau lũ lụt ở Pakistan, đó là làn sóng bệnh tật và tử vong.
Có những nơi ở Pakistan , cứ 100 người thì có 90 người bị sốt xuất huyết. Thiếu nước sạch khiến người dân tại nhiều vùng buộc phải sử dụng chính dòng nước bẩn cho các sinh hoạt hàng ngày.
Dòng nước chảy xiết tại tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan ẩn chứa nhiều hiểm họa. Đây là nơi các loại virus gây bệnh đường ruột, da liễu lây truyền và cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển. Sau lũ lụt, nhiệt độ ở một số khu vực vượt ngưỡng 40 độ C, buộc hàng triệu người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày.
Anh Arshad Solangi – Cư dân tỉnh Sindh, Pakistan cho biết: “Trời rất nóng, chúng tôi ngày nào cũng ra đây bơi để giải nhiệt. Chúng tôi còn lấy nước này để uống nữa vì các giếng nước sạch ngập hết rồi”.
Bà Momina Mohammad – Người dân sơ tán lũ lụt nói: “Chúng tôi đến đây từ một vùng bị lũ lụt. Ở đây rất nóng, tôi bị ốm, các con tôi đang bị sốt rét. Tôi lo lắng cho chúng quá”.
Giới chức tỉnh Sindh cho biết, khi nước lũ bắt đầu rút đi, nhiều khu vực đã bị dịch bệnh truyền nhiễm tấn công trong đó có sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Riêng tại tỉnh này, đã có tới hơn 90 nghìn người phải điều trị chỉ trong ngày 15/9.
Bác sĩ Fizza Naz cho biết: “Sốt xuất huyết đang lan nhanh trong những ngày này, cứ 100 bệnh nhân thì có 90 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân sốt kéo dài 4-5 ngày vẫn chưa khỏi. Chúng tôi phải cho họ truyền nước rồi điều trị ngoại trú vì ở đây cũng hết giường”.
Các phòng khám ở vùng nông thôn ghi nhận nhiều ca bệnh là phụ nữ và trẻ em bị suy dinh dưỡng và sức khỏe suy kiệt, nhiều người gặp các vấn đề về hô hấp cấp tính, các bệnh ngoài da như ghẻ, nhiễm trùng mắt và thương hàn. Trong khi đó, tại các trung tâm y tế đã bị ngập lụt, vật tư bị hư hỏng và người dân phải di chuyển tránh lũ khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ y tế thông thường.
WHO ghi nhận báo cáo có nhiều ca sinh không an toàn, nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc tim không được điều trị, nhiều trẻ em không được tiêm chủng. Giới chức Pakistan cho biết, có thể mất tới 6 tháng để nước lũ rút đi hoàn toàn. Từ giờ tới lúc đó, các cơ sở y tế sẽ đứng trước nguy cơ quá tải vì số ca bệnh ngày một tăng cao.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nguy-co-xay-ra-tham-hoa-thu-hai-sau-lu-lut-o-pakistan-20220918131654679.chn” name=””]