7 người phụ nữ lớn tuổi, có quen cũng có lạ, thế mà đã trở thành một gia đình hạnh phúc thực thụ.
“Mọi người nói chuyện, nếu sau già đi cuộc sống cũng có thể giống như hôm nay, cùng nhau vui vẻ là tốt rồi”.
Sachiko Murata, năm nay hơn 80 tuổi, người đã làm việc tại NHK (đài phát thanh truyền hình công cộng của Nhật Bản) trong nhiều thập kỷ, cũng đã phỏng vấn rất nhiều người cao tuổi. Khi còn trẻ, bà không bao giờ nghĩ rằng lúc già đi, NHK làm một bộ phim tài liệu về mình.
Bà Sachiko Murata
7 người phụ nữ độc thân sống cùng nhau
Sachiko Murata lựa chọn cuộc sống độc thân, vì theo truyền thống Nhật Bản, nhiều phụ nữ bị yêu cầu nghỉ việc để để chăm sóc gia đình và con cái. Nhưng bà có sự nghiệp của riêng mình và tự hào về điều đó. Vì vậy, bà đã chọn sự nghiệp và đã sống rất hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi già đi và sức khỏe không còn khỏe mạnh như trước, Sachiko cũng bắt đầu suy nghĩ về các vấn đề dưỡng lão trong tương lai.
Những người già độc thân như bà có thể dễ dàng đối mặt với viễn cảnh “chết một mình” trong căn hộ đơn chiếc. Một buổi sáng lặng lẽ ngã xuống, không ai biết, cũng không có bất cứ ai quan tâm. Nghĩ đến những khoảnh khắc lực bất tòng tâm này, Sachiko tịch mịch khôn nguôi.
Vì vậy, bà đã quyết định, cùng với bảy người bạn độc thân có hoàn cảnh tương tự sống cùng nhau. Như vậy, tuổi già ập đến, sẽ không một ai cảm thấy cô đơn!
Bắt đầu từ năm 2002, Sachiko Murata đã dành khoảng thời gian 2 năm để lựa chọn thêm sáu người, từ 71 đến 83 tuổi.
Bảy người phụ nữ này, có lạ có quen, nhưng quan trọng nhất, tất cả đều có một điểm chung: Là những người phụ nữ có sự nghiệp, dành cả đời để tìm kiếm sự công nhận trong xã hội khi mà nam giới đa phần được ưu tiên.
Hình ảnh các bà khi ở đỉnh cao sự nghiệp
Có người làm trong xí nghiệp nhà nước, có người làm truyền thông, người làm nhà báo, người làm điều dưỡng… Có người trải qua nhiều mối tình, nhưng cuối cùng lại chọn độc thân; cũng có người từng kết hôn nhưng rồi ly hôn; người là bà mẹ đơn thân bắt đầu sống một mình sau khi con cái yên bề gia thất, người vốn có gia đình đủ đầy nhưng lại chọn ở riêng trong khi bản thân đã không còn trẻ…
Họ đều là bảy người phụ nữ độc lập thuộc tầng lớp tinh anh của xã hội, nhưng cuối cùng đã chọn cùng chung sống cho đến cuối đời.
“Sống chung” nhưng không phải là gánh nặng của nhau
Bảy người không sống trong cùng một ngôi nhà lớn như chúng ta vẫn nghĩ. Vì nếu sống chung chắc chắn xảy ra xung đột. Nếu ai cũng có thể tự chăm sóc bản thân, thì chi bằng cố gắng sống gần nhau thì hoàn toàn có thể quan tâm lẫn nhau.
Thế là họ đã chọn một chung cư có không gian sinh hoạt công cộng, mỗi người mua một căn hộ. Mỗi căn cách nhau rất hợp lý, bảy bà đều có cuộc sống riêng, đồng thời vẫn có thể tụ tập chăm sóc cho nhau.
Chỉ cần một cuộc gọi, sáu người kia sẽ có mặt ở căn hộ của người còn lại, cùng chia sẻ cuộc sống hằng ngày. Bảy người đều có chìa khóa nhà của nhau để phòng cho những trường hợp khẩn cấp.
Có một lần, một bà đột nhiên cảm thấy đau dữ dội, hầu như không nói nên lời, chỉ có thể thở hổn hển nặng nề. Cố gắng lắm bà mới gọi được cho người bạn ở căn hộ gần mình nhất, và ngay lập tức người kia đã xuất hiện kịp thời. Với sự đồng hành của những người bạn già, bà cũng dần hồi phục.
Cứ thế, họ đã sống với nhau gần 20 năm. Thời gian chảy trôi, bảy người phụ nữ này cũng không thể tránh khỏi việc phải đối mặt với tuổi già sức yếu.
Khoảng năm 2016, sức khỏe của bà Ichikawa đã xuống cấp trầm trọng, cơn đau xuất hiện không dứt. Nhưng những người còn lại đều không có trách nhiệm chăm sóc cho bà Ichikawa, đây là điều kiện tiên quyết đã ước định từ trước khi quyết định sống gần nhau.
Họ đã quen với sự độc lập và tự lực cánh sinh, không thích thêm gánh nặng cho người khác, ngay cả khi bị bệnh. Bà Ichikawa cố gắng vượt qua bệnh tật, sau đó trở về cuộc sống bình thường với các chị em.
Năm 2018, bà Aota, lúc này 82 tuổi, mắc bệnh ung thư nên phải nằm viện. Ban đầu, những người còn lại lần lượt đến thăm, nhưng về sau bà Aota kiên quyết từ chối thăm viếng vì bà muốn tập trung chữa trị để mau chóng về căn hộ của mình.
Cuộc sống của những năm sau đó, bảy người có phát sinh xung đột, có những lúc không hài lòng. Nhưng họ đã luôn luôn thẳng thắn và nói những gì họ nghĩ với mỗi người.
Bảy mảnh ghép nhờ vậy mới hài hòa như một gia đình. Tuổi tác, cảm xúc cũng sẽ thay đổi liên tục. Nhưng chỉ cần có những người bạn cùng chí hướng, cứ thế già đi, “sinh lão bệnh tử” cũng không có gì đáng sợ. Những người bạn cùng nhau an hưởng tuổi già, đây chính là một loại hạnh phúc.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhat-ban-7-nguoi-phu-nu-doc-than-cung-nhau-an-huong-tuoi-gia-voi-phuong-phap-song-chung-dac-biet-20230304214118221.chn” name=””]