Kênh nước đen, Tên lửa, Điện cao thế… là những tên đường ngỡ là đùa nhưng hoàn toàn có thật.
TP.HCM có hơn 3.600 tuyến đường, trong đó, có hơn 1.700 đường mang tên tạm do người dân hoặc nhà thầu xây dựng đặt (số liệu năm 2016). Vì thế, nhiều đường có tên rất lạ. Tiêu biểu là đường Kênh Nước Đen (quận Bình Tân, TP. HCM) là cung đường có một đoạn kênh nhỏ chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A. Từ nhiều năm, nơi đây là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.
Theo bà Ngọc – một lái tiểu thương tại ngã ba Kênh Nước Đen – Bình Long, người dân đặt tên cho con đường là “Kênh Nước Đen” chỉ đơn giản vì trước đây nó có một dòng kênh dài, nước bẩn và bốc mùi rất khó chịu.
Được biết, dự án cải tạo đường và kênh đã hoàn thành trong khoảng đầu năm 2022. Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, toàn bộ rác thải của khu vực kênh được dọn dẹp. “Giờ dòng nước đen ngòm ngập trong rác thải, hôi thối cũng không còn. Thế nhưng, tôi nghĩ con đường vẫn gắn liền cái tên này vì nó đã ăn sâu vào trong tâm trí người dân”, ông Hoàng Tiến – một hộ dân ở đây cho biết.
Còn về con đường Tên Lửa (quận Bình Tân, TP. HCM), nhiều người dân cho biết con đường này được gọi là “Tên Lửa” vì giá đất của nó tăng một cách đột biến, nhanh như tên lửa chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi được khởi công xây dựng.
Cụ thể, con đường được mở rộng mốc lộ giới tới 40m vào năm 2018, với số tiền đầu tư lên đến 400 tỷ đồng..
Đường Bờ Bao Tân Thắng (quận Tân Phú, TP. HCM) được biết nhiều từ khi một trung tâm thương mại lớn mọc lên cùng với một số công trình khác. “Tân Thắng” được đặt theo tên gọi của một trại bò trước kia ở đây. Con đường cũng cong cong nên được đặt thêm “Bờ Bao”. Hiện tại, tên con đường đã được rút ngắn, chỉ gọi bằng Tân Thắng.
Mặc dù đường Điện Cao Thế (quận Tân Phú, TP. HCM) đã được đặt tên mới là đường Nguyễn Thế Truyện. Nhưng ngoại trừ bảng hiệu được lấy từ quỹ tên đường thì các bảng hiệu, bảng số nhà hầu như vẫn còn để nguyên tên Điện Cao Thế.
Những người sinh sống trên đường lý giải rằng, sở dĩ có tên Điện Cao Thế vì con đường này có hàng điện cao thế đi qua, người dân tự đặt để tạo sự quen thuộc dễ nhớ.
Một số tên đường như Cống Lỡ (quận Tân Bình) cũng được người dân đặt theo cách gọi quen thuộc.
Nhiều hộ dân cho biết, do trên đường có một cái cống bắc qua nên tên đường cũng được đặt theo từ đó. “Tuy tên đường Cống Lỡ đã được đổi thành Trần Thị Trọng nhưng nhiều người vẫn gọi bằng tên cũ. Nhiều người lần đầu tìm đến khu vực này đôi khi cũng khá hoang mang vì hai tên gọi này” – anh Đỗ Quang Bình (45 tuổi) chia sẻ.
Năm 2016, trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển đã thực hiện đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM”. Theo thống kê của đề án thì trong số 3.600 đường tại TP.HCM có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật.
Sau 6 năm, nhiều đường mang tên tạm vẫn chưa được thay đổi. Những đường đã được đổi tên thì người dân vẫn giữ thói quen gọi theo tên cũ.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhung-con-duong-mang-ten-la-o-tphcm-20220920180208015.chn” name=””]