Bánh cuốn Đồng Văn, bánh tam giác mạch, xôi ngũ sắc… là những đặc sản Hà Giang mà bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch đến đây.
Hà Giang hiện là một trong những địa điểm du lịch rất thu hút du khách, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh việc được hoà mình với thiên nhiên hùng vĩ, khách du lịch cũng bị thu hút bởi những món ăn đặc sản mang đậm hương vị của mảnh đất Hà Giang.
Lạp xưởng gác bếp
Tại Hà Giang, người dân hay làm món lạp xưởng gác lên bếp để có thể bảo quản thịt lâu hơn. Món này sử dụng nguyên liệu chính là thịt lợn vai bỏ bì, với nhân được làm từ thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông băm nhỏ. Lạp xưởng được tẩm ướp gia vị kèm hành giã nhuyễn phi thơm và hạt mắc khén, hun khói trên gác bếp liên tục từ 12-14 giờ để gia vị thấm hoàn toàn vào thịt. Món ăn hoàn thành sẽ mang mùi hương của khói bếp và gia vị đậm đà.
Thịt trâu gác bếp
Đây là món ăn mang đậm phong cách ẩm thực của dân tộc Thái, không chỉ là món ăn thường ngày của đồng bào vùng cao mà còn hay xuất hiện trong các dịp lễ hội. Thịt trâu gác bếp được tẩm ướp với hạt mắc khén tê cay cùng gia vị đậm đà. Sau khi hun khói, phần thịt bên ngoài sẽ có màu nâu sẫm nhưng bên trong vẫn giữ được màu đỏ bắt mắt. Món này thường được nhiều du khách lựa chọn làm quà cho người thân, bạn bè khi có dịp đến Hà Giang.
Bánh tam giác mạch
Tam giác mạch được coi là một trong những loài hoa mang đậm bản sắc của Hà Giang, và cũng trở thành món ăn đặc sản nổi bật. Loại bánh này được làm từ hoa tam giác mạch phơi khô. Bánh có vị ngọt, mềm, xốp rất được người dân địa phương và du khách ưa chuộng. Đến Hà Giang, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc bánh tam giác mạch này ở các chợ địa phương. Ngoài màu tím đặc trưng của loài hoa này, bánh còn có cả màu trắng, vàng… khác nhau.
Bánh tam giác mạch – một trong những đặc sản Hà Giang trứ danh
Thắng dền
Món ăn có cái tên ấn tượng này là một trong những đặc sản Hà Giang mà bạn không thể bỏ lỡ. Thắng dền được làm từ bột gạo nếp hương huyện Yên Minh, bên trong là những viên nếp dẻo và những loại nhân khác nhau như đậu xanh, đậu đỏ… Thắng dền được ăn cùng nước đường hoa mai nấu gừng hoặc nước cốt dừa, lạc rang và vừng, là lựa chọn thích hợp để thưởng thức trong tiết trời lạnh giá của Hà Giang.
Thắng cố
Thắng cố đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng tại Hà Giang, món ăn này lại mang một hương vị đặc trưng hơn cả. Thắng cố sử dụng những nguyên liệu như thịt trâu, lợn bò, với nước dùng được ninh từ xương và lục phủ ngũ tạng của các loài vật đó. Để món ăn thêm phần thơm ngon, bổ dưỡng, người dân nơi đây thường kết hợp thêm 12 loại gia vị đặc trưng miền núi như: lá chanh, hoa hồi, thảo quả…
Thắng cố – đặc sản Hà Giang được nhiều thực khách ưa chuộng
Bánh cuốn Đồng Văn
Đây là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách khi có dịp du lịch Hà Giang. Bánh cuốn Đồng Văn mỏng, dài và to, được làm từ nhân thịt băm mộc nhĩ hoặc nhân trứng, ăn cùng nước xương hầm đậm đà. Món ăn tưởng chừng như bình dị này lại chứa đựng hương vị thơm ngon, khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của người Tày tại Hà Giang. Trong những dịp lễ, Tết…, món ăn này không thể không xuất hiện trên mâm cỗ của người dân ở đây. Xôi ngũ sắc có 5 màu khác nhau là trắng, tím, xanh dương, đỏ, vàng tương ứng với ngũ hành kim, mộc, thủy hỏa thổ. Nguyên liệu để làm xôi này gồm có: gạo nếp, lá cẩm, gấc, lá gừng, vỏ bưởi, củ nghệ, lá cơm đen.
Bánh chưng gù
Không chỉ là đặc sản Hà Giang, bánh chưng gù còn là biểu tượng văn hoá của người Dao Đỏ, biểu tượng cho sự vất vả, tần tảo của người phụ nữ vùng cao ngày ngày phải gánh gùi trên lưng để đi rẫy hái ngô, gặt lúa,… Với ý nghĩa sâu sắc như vậy nên bánh chưng gù Hà Giang cũng mang hương vị không thể lẫn với các vùng khác. Nguyên liệu chính để làm bánh chưng gù là gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ, được gói bằng lá dong riềng nên có màu xanh rất bắt mắt và khác với bánh chưng ở đồng bằng.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhung-dac-san-ha-giang-ma-ban-nhat-dinh-phai-thu-20230302131217318.chn” name=””]