Một chuyến đi du lịch sẽ không mấy vui vẻ nếu chúng ta không biết tôn trọng văn hóa và phong tục tập quán tại địa phương.
1. Tạo dáng khỏa thân bên cây cổ thụ linh thiêng
Một người phụ nữ đã bị bắt vào tháng 4 năm 2023 sau khi chụp ảnh khỏa thân bên cây Kayu Putih 700 tuổi, một cây cổ thụ linh thiêng ở Bali, Indonesia.
Được biết, sau khi bị cảnh sát quản lý bộ phận nhập cư bắt giữ, người phụ nữ đã đối mặt với hình phạt bị trục xuất khỏi Bali vì hành vi thiếu tôn trọng.
Hành động này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng, người dùng Instagram Ni Luh Djelantik bình luận: “Gửi những người nước ngoài không tôn trọng đất nước của chúng tôi, Bali là nhà của chúng tôi, không phải của bạn! Bạn nghĩ rằng mình thật ngầu khi tạo dáng như vậy ư? Hãy quay trở về đất nước bạn ngay đi nếu không thể tôn trọng truyền thống và văn hóa của chúng tôi”.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó vào năm 2022, một du khách Nga Alina Fazleeva cũng đã chụp ảnh khỏa thân bên một cây Kayu Putih khác. Cô đã đăng bức ảnh của mình lên tài khoản mạng xã hội với hơn 27000 người theo dõi. Sau đó, một người dân địa phương đã nhanh chóng tìm ra bức ảnh này.
Hậu quả là Fazleeva phải đối mặt với hình phạt lên tới 6 năm tù, kèm theo khoản tiền phạt lên tới hơn 1,5 tỷ VNĐ. Cô phải nhanh chóng gỡ những bức hình xuống và công khai xin lỗi trên mạng xã hội. Cô cũng đăng một bức hình cầu nguyện bên cây thiêng. Vào thời điểm đó, các hãng tin cho biết cô sẽ bị trục xuất.
2. Chụp ảnh khỏa thân trên núi thiêng
Vào tháng 3/2023, một người đàn ông Nga, Yuri, đã phải công khai xin lỗi sau khi đăng tải bức ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội. Trong bức ảnh, anh tạo dáng bán khỏa thân khi đứng trên đỉnh núi Agung ở Bali.
Ngoài ra, Yuri cùng một nhóm du khách khác đã bị tố tự ý leo núi mà không đăng ký trước. Cuối cùng, anh phải đăng tải video nhận lỗi về hành động thiếu tôn trọng của mình và gặp gỡ các nhà lãnh đạo địa phương để xin lỗi công khai.
Agung là một ngọn núi lửa đang hoạt động, người dân địa phương coi ngọn núi là nơi cư ngụ của các vị thần.
3. Đập phá tác phẩm điêu khắc từ thời La Mã cổ đại
Cuối năm ngoái, một công dân Mỹ đã bị bắt tại Thành phố Vatican sau khi đập phá một tác phẩm điêu khắc La Mã trong Bảo tàng Chiaramonti.
Lý do là bởi người đàn ông này không được gặp Đức Giáo Hoàng trong chuyến thăm của ông. Anh đã tức giận và sau đó ném một bức tượng điêu khắc xuống sàn.
May mắn thay, Giám đốc Văn phòng Báo chí của Viện Bảo tàng Vatican cho biết các bức tượng không bị hư hại quá nghiêm trọng, với một bức bị mất “một phần mũi và tai”, trong khi “đầu bức tượng kia văng ra khỏi bệ”. Chi phí sửa chữa ước tính là 15000 Euro (hơn 391 triệu VNĐ) với thời gian sửa chữa ước tính là 300 giờ. Người đàn ông cũng bị buộc tội cố ý phá hoại.
4. Ném xe điện xuống di tích Bậc Thang Tây Ban Nha
Một du khách người Mỹ ở Rome đã bị cấm đến di tích Bậc Thang Tây Ban Nha suốt đời sau khi cô và một người bạn gây thiệt hại cho di tích này tới 26.000 đô la (hơn 610 triệu VNĐ) bởi một chiếc xe scooter điện.
Nữ du khách 28 tuổi, đã ném một chiếc xe scooter điện xuống các bậc thang này. Vụ việc đã được một người qua đường vô tình ghi lại được.
Ngay trước khi xảy ra sự việc, người phụ nữ này và một người đàn ông khác đang cố gắng mang xe scooter xuống từ trên bậc thang. Nhưng có vẻ vì quá mệt mỏi khi phải kéo theo chiếc xe nặng như vậy nên cô đã tức giận mà ném xe xuống.
5. Làm vỡ tượng mà không báo cáo
Vào năm 2020, một du khách giấu tên người Áo đã vô tình làm gãy ngón chân của một bức tượng 200 tuổi ở Ý sau khi tạo dáng chụp ảnh cùng bức tượng.
Người đàn ông này đã bị hệ thống camera ghi hình lại khi đang dựa lưng vào tác phẩm Paolina Borghese as Venus Victrix thuộc thế kỷ 19 tại bảo tàng Museo Antonio Canova. Sau khi nhận ra mình đã vô tình làm hỏng bức tượng, ông đã không báo cáo cho bảo tàng.
Thị trưởng Valerio Favero coi đó là một hành động phạm tội.
6. Trộm cát ở Sardinia, Ý
Rất nhiều khách du lịch phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 3.000 Euro (hơn 78 triệu) vào năm 2021 sau khi lấy trộm cát từ các bãi biển Sardinia, Ý.
Một nhóm các nhà hoạt động trên Facebook ước tính tổng lượng cát bị lấy trong năm 2021 là khoảng sáu tấn. Có thời điểm chính quyền địa phương đã ghi nhận tới 41 cá nhân đang bị điều tra về hành vi trộm cắp tổng cộng khoảng 100kg cát.
Được biết, việc buôn bán cát, sỏi và vỏ sò của bãi biển Sardinia đã bị coi là bất hợp pháp vào năm 2017.
7. Lướt sóng trên kênh đào Venice
Vào năm 2022, hai du khách lướt sóng bằng ván lướt sóng có động cơ dọc theo các con kênh ở Venice đã bị phạt nặng vì hành động của họ. Đoạn phim về cặp đôi lướt sóng trên kênh Venice đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khiến người dân phẫn nộ.
Thị trưởng Luigi Brugnaro coi hành động đó là “nhạo báng thành phố”, đồng thời phát động cuộc truy tìm cặp đôi. Giải thưởng cho những ai tìm được họ là một bữa tối miễn phí. Vài giờ sau đó, hai du khách đã bị bắt và những chiếc ván trị giá 25000 euro (hơn 651 triệu VNĐ) đã bị tịch thu.
8. Buôn lậu cổ vật quý
Vào năm 2017, một người đàn ông Anh đã bị bắt tại sân bay Bodrum vì nghi ngờ “tìm đồ tạo tác của Thổ Nhĩ Kỳ mà không thông báo cho chính quyền”.
Toby Robyns, 52 tuổi vào thời điểm đó, đã tìm thấy 13 đồng tiền vàng khi đang lặn biển ở vùng Turgutreis. Toby quyết định mang chúng về nhà làm kỷ niệm nhưng sau khi bị nhân viên sân bay phát hiện, ông đã bị giam giữ tại nhà tù Milas.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhung-lan-nghich-dai-cua-du-khach-khi-di-du-lich-khien-dan-dia-phuong-cuc-ky-kho-chiu-co-nguoi-bi-truc-xuat-co-nguoi-thi-bi-cam-vinh-vien-20230424094149819.chn” name=””]