Phần lớn những lễ hội đặc sắc ở miền Bắc thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, tập trung chủ yếu trong tháng Giêng.
Mỗi lễ hội có những bản sắc, nét đẹp truyền thống riêng mang dấu ấn của từng địa phương, vùng miền.
Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)
Đây là một trong những lễ hội Phật giáo được đón chờ nhất ở Việt Nam. Hội chùa Hương được tổ chức tại địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đều đặn hàng năm, lễ hội được mở màn từ ngày mùng 6 tết Nguyên đán và kéo dài cho đến hết tháng 3 Âm lịch.
Dòng người nhộn nhịp đến dự hội chùa Hương
Không giống như những ngôi chùa bình thường, chùa Hương có kết cấu khá đặc biệt, chùa được tạo thành bởi tập hợp nhiều hang động, đền chùa nằm trong lòng núi rừng thiên nhiên. Đây không chỉ là cụm di tích văn hóa tâm linh mà còn là di sản văn hóa quốc gia.
Đi hội chùa Hương, du khách sẽ được hòa mình cùng không khí ngày hội Phật giáo, cùng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm sắp tới… Đặc biệt, các bạn nhớ đi thăm thú phong cảnh tuyệt sắc xung quanh cụm di tích hay lênh đênh trên những chiếc thuyền độc mộc ngắm nhìn sông núi, rất thú vị.
Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Lễ hội khai xuân tại chùa Bái Đính được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây được coi là ngày lễ mở đầu cho các lễ hội hành hương trở về mảnh đất cố đô Hoa Lư lừng danh một thời. Hội gồm nhiều hoạt động giải trí như các trò chơi dân gian, vãn cảnh thăm thú những địa điểm đẹp, thưởng thức nghệ thuật ca trù, chèo, xẩm nổi danh khắp đất cố đô.
Lễ hội khai ấn tại đền Trần (Nam Định)
Lễ hội khai ấn đền Trần từ lâu luôn là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất năm trên cả nước. Do vậy, không phải nói người ta cũng biết sức hút của lễ hội này lớn đến thế nào. Lễ hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng hàng năm, được tổ chức tại cả ba đền: Thiên Trường, Trùng Hoa, Cố Trạch.
Người dân đến hội không chỉ để thắp hương bày tỏ lòng thành đến thần linh mà còn xin tờ ấn để cầu thăng tiến trong sự nghiệp.
Lễ hội khai ấn tại đền Trần (Nam Định)
Hội đền Gióng – Sóc Sơn
Hội đền Gióng được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội để tưởng nhớ chiến công của người anh hùng Thánh Gióng – một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Lễ hội có mô phỏng những trận đấu oai hùng chống giặc Ân xâm lược của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang như một lời tri ân những người đi trước, cũng là lời răn dạy con cháu về tinh thần thượng võ, ái quốc.
Vào năm 2011, hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đến với hội Gióng, du khách còn được tham dự những trò chơi cổ truyền đầy lý thú như chọi gà, cờ tướng…
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)
Được tổ chức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm, lễ hội Yên Tử luôn là một trong những lễ hội thu hút được đông đảo sự quan tâm của du khách.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) – Lễ hội lớn và nổi tiếng nhất miền Bắc.
Lễ hội chùa Keo (Thái Bình)
Chùa Keo là một trong những cổ tự nổi tiếng ở Việt Nam, gây ấn tượng với du khách bởi công trình nghệ thuật Gác Chuông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Nơi đây thờ thiền sư Không Lộ, người có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư.
Lễ hội chùa Keo diễn ra ngày 14 tháng Giêng hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó nổi bật nhất là hoạt động du thuyền hát giao duyên và thi hát văn.
Hội Xoan (Phú Thọ)
Hội Xoan được tổ chức ở làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ Xuân Nương – một trong những cánh tay đắc lực trên chiến trường của Hai Bà Trưng.
Nghệ thuật hát xoan ở Phú Thọ có từ lâu đời, được cho là từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên. Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, giải trí mà còn để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Hội Lim (Bắc Ninh)
Khung cảnh hát giao duyên tại hội Lim – huyện Tiên Du, Bắc Ninh
Đây là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đan xen tín ngưỡng tâm linh vô cùng độc đáo của mảnh đất này. Bên cạnh hoạt động hát quan họ, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian khác như giao lưu đối đáp, đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người.
Lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)
Lễ hội được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh). Dịp đầu năm, nơi đây luôn chật kín du khách ghé thăm hành hương, cầu khấn cho một năm mới vạn sự như ý, công việc được suôn sẻ, phát tài phát lộc.
Lễ hội chợ Viềng (Nam Định)
Lễ hội chợ Viềng diễn ra vào nửa đêm, nhưng từ chiều mùng 7 tháng Giêng hàng năm, du khách các nơi đã bắt đầu nườm nượp đổ về đây để trẩy hội.
Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may. Người ta tin tưởng rằng, việc tham gia lễ hội này dịp đầu năm sẽ mang lại may mắn cho cả gia đình suốt năm.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhung-le-hoi-lon-noi-tieng-nhat-o-mien-bac-dip-dau-nam-20230125185352927.chn” name=””]