“Vũ nữ chân dài”, “sà bì chưởng”… là tên gọi vui những món ăn được nhiều người yêu thích.
|
Cơm âm phủ là một trong những món nhất định phải thử khi đến Huế. Món ăn gắn với nhiều câu chuyện khác nhau, có người cho rằng tên món ăn bắt nguồn từ việc thường bán vào đêm khuya. Một câu chuyện khác gắn với 1 vị vua vi hành được một bà góa mời chén cơm trắng xếp các loại rau xung quanh. Cơm âm phủ có trứng chiên, nem chua, chả giò, thịt nướng, dưa leo… xắt nhỏ, xếp quanh một chén cơm nấu từ gạo An Cựu. |
|
“Vũ nữ chân dài” thực chất là khô nhái. Có nhiều cách chế biến món ăn này nhưng dễ ăn, dễ chế biến nhất là chiên nước mắm. Món ăn có độ giòn của khô nhái, mằn mặn của nước mắm tỏi ớt. Bạn có thể tìm thấy món ăn này tại hầu hết các quán nhậu hay mua tại các chợ về chế biến. |
|
“Sà bì chưởng”: Du khách đến TPHCM nghe món ăn này thấy lạ tai, nhưng đây là cách nói lái của món cơm tấm sườn bì chả – món ăn đặc trưng của người miền Nam. Một phần “sà bì chưởng” ngon gồm cơm tấm nấu có độ khô rời vừa đủ, sườn ướp đậm đà, bì dai giòn và nước mắm chua ngọt đậm đà. |
|
Pa pỉnh tộp là món cá nướng đặc biệt của người Thái ở Tây Bắc hấp dẫn từ màu sắc đến hương vị. Món cá nướng này được ướp nhiều loại gia vị như gừng, sả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… và mắc khén – một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cá sau khi tẩm ướp gia vị cho ngấm đều thì được gập đôi lại, cho vào một đoạn tre để kẹp chặt rồi nướng trên than củi đã hồng. |
|
Khâu nhục là một trong những món ăn thường xuất hiện vào dịp lễ tết, nhà mới, đám cưới… của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. “Khâu” có nghĩa là hấp đến mềm gục, “nhục” có nghĩa là thịt, nếu dịch đúng nghĩa là thịt gục, hoặc thịt hấp gục. Món ăn được chế biến như sau, thịt ba rọi sau khi rửa sạch, ướp kỹ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu, giấm, xì dầu… và hấp cách thủy đến khi chín rục. |
|
Sỏi mầm là món “độc quyền” của Hậu Giang. Khi gọi sỏi mầm, thực khách sẽ được thưởng thức món thịt heo rừng nướng chín bằng đá nóng ăn kèm các lại rau thơm, chấm cùng nước mắm chua cay ngọt. |
|
Kem chiên: Kem được bọc trong lớp bánh sandwich rồi chiên vàng trong chảo dầu. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm mềm của phần vỏ, lạnh ngọt của phần kem. Bạn có thể thưởng thức kem chiên tại các quán ăn vặt (tại TPHCM, bạn có thể thưởng thức món ăn tại các quán ven quận 10 hay quanh các trường học). |
|
Xôi trứng kiến là một món ăn nổi tiếng ở các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Ninh Bình, Bắc Giang… Trứng của loài kiến này được người miền xuôi gọi là con “ngạt”. Trứng kiến sau khi được làm sạch sẽ ướp gia vị trong lá dong, lá chuối rồi nướng trên bếp than hồng. Khi nồi xôi đã chín tới, người nấu sẽ đánh tơi và cẩn thận trộn trứng kiến vàng thơm với nếp mà không làm vỡ trứng kiến. Khi ăn, vị béo của mỡ hành hòa với cái bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của gạo nếp hương, tạo nên một dư vị khó quên. |
|
Muối kiến vàng là một trong những đặc sản trứ danh của Phú Yên và Gia Lai. Loại muối được chế biến từ kiến vàng cùng một vài gia vị khác như muối, ớt, lá then len,… Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị chua chua pha lẫn chút beo béo, nồng nồng do dịch chua tiết ra nơi bụng kiến. |
An Huỳnh(tổng hợp)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-mon-doc-la-tu-nam-ra-bac-an-la-ghien-a1515473.html” name=””]