Ở miền trung du quê tôi có một loại quả tên nghe rất lạ – trơng, gắn liền với những trò chơi thuở nhỏ, đến giờ còn nhớ.
Làng tôi là một miệt đất trung du trù phú. Nơi ấy có sông, có đồng, có núi, có rừng. Trẻ con vùng trung du luôn nhiều chỗ chơi, trò chơi, món ăn thi vị. Mùa nắng chúng tôi tắm sông, hái quả, thả diều, chơi đánh trận giả, chui tót lên ổ rơm, làm nhà luôn ngoài đồng… Mùa mưa, những ngày giáp tết chúng tôi theo chân cha ra ruộng tát đìa, đốt đồng, ủ trấm. Người ngợm lấm lem, môi cười toe toét.
Vào ngày trời còn xuân, những đứa trẻ sẽ quấn chân mẹ ra đồng đào cỏ, hái hoa, mon men lên phía bìa rừng vặt trái dại. Những trái ăn được gồm móc mật, rồng rồng, mâm xôi, cơm rượu… những trái không ăn được như trái nhựa ruồi, trái của cây trơng (ở một số vùng gọi là cây sưng)…
Kỷ niệm về cây cối thì nhiều lắm. Đây là loại cây bụi, thân mềm gần như dây leo. Dọc thân cây chi chít những gai nhọn, nhưng không vì thế mà nó trở thành khắc tinh của mấy đứa trẻ tinh nghịch. Những cô bé cậu bé luôn nghĩ ra đủ cách để vặt được những lá non hoặc những chùm quả trơng đem về nhà làm đạn trong trò chơi bắn ống phốc, thú vị thần sầu.
Lá trơng là một loại lá giàu tinh dầu, có mùi thơm, vị the gần giống với bạc hà. Như hầu hết các loại lá cây nào khác, những chiếc lá trưởng thành sẽ tắm mình bởi sắc xanh đậm, còn những chiếc non đung đưa phía đầu ngọn có màu đỏ nhẹ pha tím. Những chiếc gai trơng ở phần đầu ngọn này cũng mềm xèo, chẳng mấy khi gây nguy hại cho những bàn tay bé xinh.
Những đứa trẻ từ rừng trở về sẽ luôn có quà cho mẹ. Tôi cũng vậy, sau khi ních căng túi những bọc đạn trơng, sẽ chìa ra tặng mẹ một chùm lá trơng non xanh mơn mởn. Tôi biết, chỉ cần trời sụp tối, thể nào mẹ cũng đãi cả nhà một bữa thịt trâu xào lá trơng thơm tho.
Thịt trâu tươi mềm sau khi ướp qua với một ít gia vị, mẹ sẽ cho vào chảo đã phủ sơ một lớp dầu nóng, rồi đảo đều. Khi thịt đổi màu, dậy lên mùi thơm của tiêu, nước mắm, mẹ nhanh tay đổ thêm nhúm lá trơng thái chỉ vào, đảo thêm vài nhịp rồi nhắc xuống. Món thịt trâu xào lá trơng đem ăn với cơm nóng trong trời chiều lành lạnh, ai nấy đều không ngớt miệng xuýt xoa…
Kỷ niệm tuổi thơ ngoài gắn với những món ăn ngon sẽ là những trò chơi luôn ồn ào và sinh động. Với trò chơi bắn đạn trơng súng phốc thì đúng là không gì thu hút bằng. Ngay cái tên để gọi, mỗi khi phát âm lên hai tiếng “súng phốc” cũng đã thấy “oách xà lách”.
Súng phốc là một chiếc ống tre có độ dài từ 15 đến 20cm, gồm hai bộ phận chính là vỏ súng và nòng súng. Tất cả đều được làm từ tre. Riêng về đạn thì rất linh hoạt: lá ngót vò lại, nén chặt thành đạn; quả rau đay, đạn giấy… Tuy nhiên, thứ đạn được săn đón, ưa chuộng nhiều nhất thì duy chỉ có quả trơng. Khác với những loại đạn “linh động” khác, đạn quả trơng khi được đút gọn vào lòng súng, được đẩy từ phần đuôi lên đầu súng sẽ tạo ra một lực khí mạnh, tạo ra tiếng nổ bóc bóc, vang giòn, lan khắp khu xóm nhỏ.
Khi trẻ con làm súng thì mỗi đứa mỗi góc, tự chặt tre, đẽo đục, cưa gọt. Vậy mà đến khi chơi, lại nhanh miệng đánh tiếng, tập hợp thành đội nhóm, chia phe đâu ra đấy. Những cô, cậu cũng luôn tự biết cách để bảo vệ mình, bảo vệ bạn bằng những “luật ngầm” rất cần thiết: bắn phốc không được chĩa súng vào mặt của đối phương, những em còn quá nhỏ cũng không được tham gia trò chơi…
Sau mỗi trận bắn súng phốc, chân tay đứa nào đứa nấy đều dính nhựa trơng đen thui, phải giấu vào ống quần để lấp liếm mẹ.
Thời gian trôi, những trò chơi tuổi thơ sẽ không còn một cuộc hẹn nào dành cho những người đã lớn… Tôi nhớ lắm những mùa lá xanh thơm.
Minh Thi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-mua-la-xanh-thom-a1463908.html” name=””]