Nửa tháng chu du giữa thảo nguyên cùng những trải nghiệm khác lạ về đời sống du mục vẫn đang đợi chờ chúng tôi trên hành trình xa xôi.
Trải nghiệm cưỡi lạc đà tại vùng sa mạc Elsen Tasarkhai |
Tiến vào sa mạc mênh mông
Trong suốt 5 tiếng trên chuyến bay thẳng từ Nội Bài (Hà Nội) đi thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ) của một hãng hàng không quốc tế, tôi đã tưởng tượng đủ điều thú vị khi bắt đầu hành trình nửa tháng chu du theo vó ngựa thảo nguyên.
Tôi luôn khao khát được đặt chân tới Mông Cổ – chốn xa xôi chỉ xuất hiện trong những thước phim thuở bé thơ. Một Mông Cổ hùng vĩ, rộng lớn và đẹp tuyệt diệu đã không còn là giấc mơ xa xôi khi tôi thực sự rong ruổi trên chiếc xe van Nga, vượt 300km từ Ulaanbaatar đến vùng sa mạc Elsen Tasarkhai.
Một sáng ngập nắng của thảo nguyên, thay vội bộ váy đậm chất Mông Cổ, tôi hít hà mùi cỏ mới, mùi của cơn mưa vừa ngang qua nóc lều ướt sũng, rơi xuống, đọng sương trên những cây non.
8g sáng, chúng tôi di chuyển 5km đến nơi cưỡi lạc đà. Điều ấn tượng nhất vẫn là khung cảnh bao la, xanh mướt và ngập nắng. Đi qua nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, chúng tôi đã có một buổi sáng đẹp và vui thỏa lòng mong đợi.
Đón đợi chúng tôi vào bữa trưa là tu viện Kharkhorin xinh đẹp, mênh mông. Tu viện nằm trong khuôn viên của cảnh quan văn hóa thung lũng Orkhon, đẹp như phim trường với mỗi góc đều ghi dấu ấn thời gian.
Tu viện Kharkhorin |
Nơi đây được UNESCO công nhận là di sản. Thường thì tới đây, du khách sẽ thuê những bộ cổ phục của tướng quân để chụp ảnh cùng đại bàng nhưng chúng tôi lại thích lang thang, ngắm nghía, cười hồn nhiên vì những điều an lành nho nhỏ như lắng nghe tiếng chim kêu, ngắm một bông hoa nở rực trên triền cỏ.
Chúng tôi dừng tại đây khá lâu để ăn trưa và thăm tu viện. Thời tiết Mông Cổ mùa này thất thường, lúc nắng lúc mưa bất chợt nên quãng đường 140km tới thác Orkhon bỗng trở nên gian nan. Đi sâu vào sa mạc mênh mông chẳng biết đâu là đường, chỉ toàn những khoảng xanh thênh thang của những triền đồi bất tận, chúng tôi chỉ biết đặt niềm tin vào tay lái điệu nghệ của bác tài.
Tới lều trại ger (lều truyền thống của người du mục Mông Cổ) cách thác Orkhon 700m, chúng tôi tất bật chuẩn bị cho bữa tối đầu tiên.
Sống chậm ở suối nước nóng Tsenkher
Bình minh ở suối nước nóng Tsenkher |
Ở Mông Cổ, những cuộc chu du luôn bắt đầu từ sáng sớm, để kịp tới những địa điểm xa xôi. Chúng tôi băng qua những thảo nguyên mênh mông trên chiếc van Nga 7 chỗ khá cũ kỹ.
Chúng tôi nghe nhạc Nga, nhạc Mông Cổ và phiêu theo khung cảnh xanh rì. Chúng tôi nằm cùng nhau bên suối, dưới tán thông reo, nheo mắt ngắm nhìn rặng cây lay động khẽ khàng theo nhịp thở. Nắng xiên khoai, chiếu lấp lánh vào những tâm hồn trẻ trung yêu đời.
Sau đoạn đường dài, cả đoàn đến Altan Nutag Resort – khu nghỉ dưỡng suối nước nóng nổi tiếng có giá 25 USD/đêm; đủ điện, nước, nhà vệ sinh… và cảnh vật mê hồn tọa lạc giữa rừng lá kim xanh rì mát rượi.
Vậy là sau 3 ngày không tắm gội, chúng tôi đã được đầm mình xuống dòng nước nóng, tận hưởng sự thư giãn tới từng tế bào. Ngâm mình trong suối nước tự nhiên 35 – 40 độ C dưới tiết trời 12 độ C là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Phút nghỉ ngơi trên chiếc xe van Nga |
Altan Nutag Resort không chỉ có suối nước nóng thư giãn mà còn là nơi những người mê nhiếp ảnh thỏa sức sáng tác những khung hình đậm chất nghệ thuật. Mọi thứ ở Tsenkher hệt như trong những bức tranh lãng mạn của danh họa Claude Monet. Rặng cây lá kim phủ xanh mướt mắt, một con suối nhỏ róc rách reo, một bờ rào bằng gỗ kiên cố làm tiền cảnh cho những mảng tối hun hút sau bìa rừng, những chiếc lều trắng xinh đẹp nghi ngút khói, rặng mây xanh dương bồng bềnh, dưới chân là thảm cỏ có rất nhiều hoa…
Chúng tôi lang thang trong khu rừng cạnh Altan cả chiều tối, thơ thẩn ngắm nhìn vẻ thơ mộng xinh đẹp của đất trời. Trời đổ mưa vào chập tối, chúng tôi vào bếp, nấu ăn cùng nhau, say sưa xem cách người Mông Cổ nấu thịt cừu cùng đá trong một chiếc nồi lớn, hương thơm tỏa khắp căn phòng đủ hấp dẫn những tâm hồn mê ẩm thực.
9g sáng, chia tay anh chủ nhà thân thiện ở suối nước nóng, chúng tôi ăn vội miếng cơm nắm trước khi rời đi với đầy sự luyến lưu. Hành trình gần 200km lại bắt đầu.
Cảnh đấu vật ở làng Tariat |
Dù đã là ngày thứ năm, cả đoàn vẫn không ngừng trầm trồ vì vẻ đẹp của Mông Cổ. Sau bữa trưa đơn giản, chúng tôi may mắn được xem lễ hội đấu vật Naadam ở làng Tariat với khán giả từ khắp Mông Cổ đổ về.
Cảnh tượng trước mắt chúng tôi như thể một bộ phim hào hùng. Các đô vật tham gia tranh đấu mặc trang phục truyền thống của xứ thảo nguyên. Họ đội mũ với nhiều dải ruy băng khác nhau. Những dải ruy băng này nói lên thành tích của họ trong môn thể thao truyền thống này.
Trên bãi đất trống được trải sỏi, hàng trăm lực sĩ hùng dũng bước vào sân với khí thế ngút trời. Chúng tôi chẳng thể rời mắt khi lần đầu được xem đấu vật trực tiếp cùng hàng ngàn người Mông Cổ ở một địa phương nhỏ.
Cách đó 10km, khi chiều đã dần về theo bóng mây, chúng tôi tới núi lửa Khorgo nhưng lại chẳng có duyên leo trèo vì mới đi được 5 phút, trời đã đổ mưa nặng hạt. Bên hồ trắng Terkh, chúng tôi tổ chức picnic, phóng tầm mắt khắp hồ và thảo nguyên mênh mông.
Ngày lười bên hồ Khovsgol
Hồ Khovsgol bao la |
Băng qua rất nhiều ngọn núi, đèo dốc, đi vào giữa lòng sông toàn sỏi đá cạn nước, trước mắt chúng tôi là khoảng bao la như biển – hồ Khovsgol – Blue Pearl, hồ sâu và tinh khiết nhất Mông Cổ, đứng thứ 10 châu Á về diện tích và đứng thứ tư châu Á về độ sâu. Đây là một trong số ít hồ băng còn sót lại từ kỷ băng hà cuối cùng, ước tính khoảng từ 2-5 triệu năm tuổi, được gọi là “Thụy Sĩ của Mông Cổ”.
Cầu vồng vắt ngang hồ lớn, một mảng mưa lớn hòa quyện trời và đất. Hồ quá rộng không thấy bờ, hệt như biển. Chúng tôi rất mãn nguyện với cảnh sắc này, sau ngày dài gian khó chinh phục đủ loại địa hình. Một ngày trọn vẹn ở hồ lẽ ra sẽ có rất nhiều hoạt động: đi thuyền ra giữa hồ thăm đảo nhỏ, đi sáng tác ảnh ở ngôi làng phía Nam của hồ, đạp xe ngắm hồ nước xanh lục đẹp lấp lánh… Thế nhưng tất cả đều nằm lại trong tờ lịch trình vì chúng tôi đã chọn sống chậm, không cần quá nhiều hoạt động đến thế.
Cả nhóm ngồi ăn bữa sáng muộn trong lều. 12g trưa, chúng tôi mới xúng xính váy áo kéo nhau ra đường, cũng chỉ để vào quán cà phê đẹp ven hồ uống tách trà, cốc sô cô la nóng, tán gẫu, chơi cờ… và tiếp tục mơ ước về những miền xa.
Ngoài cửa quán, gió rít mạnh, những cánh chim hải âu liệng chao. Mặt hồ lấp lánh, tựa như một cảnh trong bộ phim Goblin. Mọi thứ đều quá đẹp và chiều lòng người.
Chúng tôi mặc đẹp nhưng không buồn chụp ảnh, chỉ ngồi bên nhau trò chuyện. Tôi thích những khoảnh khắc thế này, chân thật và có ý nghĩa hơn cả 1 bức ảnh ngàn like.
Nguyễn Thùy Trang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-ngay-chu-du-giua-thao-nguyen-a1523001.html” name=””]