Dù ngành du lịch đang rất khởi sắc nhưng vẫn có những hướng dẫn viên chưa quay lại với nghề, vì cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nghề hướng dẫn viên (HDV) vốn là mơ ước từ thời sinh viên của anh V.T.Tùng (Hà Nội). Khi bước vào nghề năm 2016, anh Tùng đã đặt cho mình lộ trình gắn bó với nghề: bắt đầu với những tour đơn giản, sau đó phấn đấu dẫn tour cao cấp, đoàn khách VIP rồi đưa khách đi nước ngoài từ thị trường gần đến thị trường xa… Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã khiến HDV V.T.Tùng và rất nhiều lao động phải rời bỏ ngành du lịch, tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, dịch Covid-19 đã khiến đội ngũ hướng dẫn viên sống trong cảnh bấp bênh do việc ít, thất nghiệp; nhiều hướng dẫn viên du lịch phải chuyển sang các công việc tạm thời như chạy xe ôm công nghệ, làm nghề giao hàng, bán bảo hiểm, tư vấn bất động sản…
“Cựu hướng dẫn viên” V.T.Tùng chuyển sang công việc mới được khoảng 10 tháng. Ảnh: V.T.Tùng
“Cựu hướng dẫn viên” V.T.Tùng cho biết nghề bảo hiểm hay tư vấn bất động sản có nhiều tương đồng với nghề hướng dẫn viên, nên không ít HDV lựa chọn công việc này trong lúc ngành du lịch “tê liệt”. Anh Tùng nói: “Mọi hướng dẫn viên đều có khả năng thuyết trình tốt, kỹ năng truyền đạt thông tin và khơi dậy niềm vui cho khách hàng. Có nhiều đồng nghiệp của tôi chọn nghề bảo hiểm để chờ du lịch quay lại, nhưng bản thân tôi quyết định chuyển sang nghề này lâu dài”.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN về lý do bỏ nghề du lịch, anh Tùng kể lại giai đoạn Covid-19 khiến anh rơi vào cảnh thất nghiệp, gia đình gặp nhiều khó khăn nên phải kinh doanh online nhỏ lẻ với hi vọng du lịch sớm quay lại. Tuy nhiên đại dịch kéo dài nên anh quyết định “phải tìm công việc ít bị tổn thương hơn du lịch, có thể làm việc trong mọi bối cảnh hay giai đoạn biến động”.
“Tôi chọn công việc đào tạo cho những người bán bảo hiểm. Trong dịch Covid-19, không chỉ HDV mà rất nhiều người mất việc làm đã chọn nghề bán bảo hiểm, trong khi các đào tạo viên lại thiếu. Sức khỏe và bảo hiểm cũng được xã hội quan tâm nhiều hơn sau dịch bệnh. Nhờ kỹ năng sau nhiều năm làm HDV, tôi thích ứng nhanh với công việc mới” – anh Tùng nói.
Khách Nga trở lại Khánh Hòa từ tháng 11/2021, nhưng vắng bóng từ cuối tháng 3/2022. Nguồn: Anex
Khác với anh Tùng, anh B.V.Khá (Khánh Hòa) là HDV chuyên phục vụ khách nói tiếng Nga tại Nha Trang. Sau khoảng 1 năm rưỡi mất việc vì đại dịch Covid-19, anh Khá quay lại làm việc từ tháng 11/2021 nhưng lại tiếp tục thất nghiệp vào cuối tháng 3/2022 do vắng bóng khách Nga . Vài tháng nay, anh Khá lại quay về công việc thời vụ như thời điểm du lịch “đóng băng”, đó là phiên dịch viên, giao hàng, nhân viên siêu thị… Theo anh Khá, ở Nha Trang có khoảng 40 HDV tiếng Nga, nhưng nay đều sang làm công việc khác như bất động sản, xe ôm, bảo vệ, phụ hồ…
“Tôi vào nghề từ năm 2009, đến tháng 3/2020 thì thất nghiệp vì dịch Covid-19. Vừa đi làm vài tháng thì bây giờ lại nghỉ, không biết đến khi nào mới có khách Nga trở lại. Dù vậy tôi vẫn hi vọng được quay lại với nghề hướng dẫn viên, vì tiếng Nga đã gắn bó với tôi nhưng máu mủ rồi, giờ tìm việc khác cũng khó khăn” – anh Khá chia sẻ.
Trong lúc du lịch bùng nổ khiến nhiều nơi thiếu HDV trầm trọng, anh Tùng và anh Khá đều có những nỗi niềm trăn trở riêng, đồng thời cũng vui mừng khi các đồng nghiệp của mình ” làm không hết việc ” trong mùa hè này. Ông Lê Hồng Thái – Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết hiện nay đội ngũ HDV cộng tác thường xuyên với công ty này đã hao hụt khoảng 30% so với trước dịch Covid-19. Nguyên nhân là nhiều người đã rời Hà Nội về quê, đã chuyển sang ngành nghề khác hoặc chưa sẵn sàng trở lại, vì ngành du lịch vẫn còn khá bấp bênh.
Anh Tùng cho biết bản thân vẫn rất nhớ nghề du lịch, tuy nhiên không chỉ anh mà nhiều đồng nghiệp cũ cũng chưa quay về làm HDV, có người thậm chí đã kịp thăng tiến lên vị trí quản lý trong lĩnh vực khác: “Xu hướng tự tổ chức tour, mua dịch vụ, sản phẩm du lịch online ngày càng phát triển mạnh, vì vậy vai trò của các công ty lữ hành và HDV có thể mờ nhạt trong tương lai. Cũng không ai dám chắc Covid-19 là biến cố cuối cùng của ngành du lịch, trong khi bây giờ đại dịch này còn chưa chấm dứt. Vì vậy tôi tự tin với quyết định chuyển đổi của mình, và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng với công việc hiện tại”.
Theo chia sẻ của các HDV, đặc thù của nghề hướng dẫn du lịch là thường xuyên đi xa vắng nhà, nếu vào dịp cao điểm thì cả tháng chỉ về nhà được vài ngày. Xa gia đình, tổn hại sức khỏe nên không ít HDV xác định chỉ làm nghề này lúc còn trẻ, sau đó rút về làm quản lý hoặc tích lũy để mở công ty riêng. Anh Tùng cho biết đại dịch Covid-19 khiến nhiều HDV nhận ra “đã đến lúc phải dừng lại” để chuyển sang vị trí, công việc phù hợp hơn. Gắn bó với công việc mới khoảng 10 tháng, anh Tùng đã có định hướng rõ ràng, cùng nhiều hoài bão và mục tiêu phấn đấu.
“Nhìn các đồng nghiệp trở lại với nghề, tôi rất mừng cho họ. Nhưng với tôi lúc này, quay lại làm HDV không khác gì trở về vạch xuất phát” – anh Tùng chia sẻ.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/noi-long-nhung-huong-dan-vien-chua-the-quay-lai-voi-nghe-20220608095844254.chn” name=””]