Ai dám chắc rằng không bao giờ sa vào cái bẫy kẻ xấu giăng ra? Tôi chỉ muốn nhắc bạn bè người thân: phải cực kỳ tỉnh táo, cảnh giác, đừng để bị “dẫn dắt” vào ma trận.
Những thủ đoạn lừa tiền trên mạng ngày càng tinh vi (ảnh minh họa) |
Hôm tôi đọc bài Lừa tình lừa tiền qua mạng: Kịch bản cũ, nạn nhân vẫn liên tục tăng trên Phụ Nữ Online cũng là hôm trên trang Facebook của một bác sĩ “hot Facebooker” đăng chuyện anh bị dẫn dắt vào một ma trận cho vay tiền online. Anh bị thao túng tâm lý đến mức mất tỉnh táo, liên tục chuyển tiền theo hướng dẫn của những người la và bay mất 360 triệu đồng chỉ trong vài giờ.
Nhiều người đọc lấy làm ngạc nhiên, vì “chinh chiến” từng trải trên “trường Phây” như tác giả mà còn bị lừa, thì những người mới chơi Facebook, những người cả tin sẽ thế nào?
Nhiều người chơi Facebook bỗng chột dạ, ai dám tự tin rằng mình sẽ không bao giờ sa vào các bẫy mà kẻ xấu giăng ra? Nhẹ nhàng, đơn giản nhất là bán hàng online, rao việc làm, góp vốn đầu tư, cho vay tiền…
Mới đây, tôi bị một cú lừa là khi mua một cái áo với màu đó, size đó, nhưng khi giao hàng lại không đúng. Tôi gọi điện lại cửa hàng thì không nghe máy. Tôi nhắn tin qua messenger thì họ không trả lời. Tôi đành ngậm ngùi nhìn cái áo mà không biết mình phải sửa lại như thế nào để mặc.
Vừa rồi, tôi cố tình vào một trang để hỏi thăm thông tin khi thấy chia sẻ: “Các mẹ bỉm sữa đang nuôi con mọn có muốn kiếm thêm mỗi ngày một trăm ngàn không?”.
Tôi tò mò vào nhắn tin hỏi thăm cách thức làm việc thế nào. Bên kia trả lời rất lịch sự và hướng dẫn, giải thích tận tình với câu chữ ấm áp. Là việc đăng quảng cáo cho một trang nào đó, kiếm lượt like và tương tác mỗi ngày. Tôi chỉ cần chuyển 100 ngàn đồng vào tài khoản của họ thôi. Mỗi ngày làm khoảng 1 đến 2 giờ, tôi sẽ kiếm ít nhất 150 ngàn đồng, không nhiều, nhưng có tiền mua sữa cho con…
Sau khi tôi đồng ý, bên kia đưa cho tôi một đường dẫn và bảo tạo tài khoản, đăng nhập. Tôi cẩn thận mở máy tính gõ địa chỉ đường dẫn vì sợ dùng điện thoại sẽ bị hack mất nick.
Thao tác trên máy tính, tôi vào trang đó thì phát hiện ngoài mục chuyển 100 ngàn đồng, còn có mục liên kết tài khoản ngân hàng. Tôi thoát ra vì lo lắng tính bảo mật và trả lời với bên kia là tôi không thể làm được.
Trở lại bài viết của nhân vật nổi tiếng bị lừa 360 triệu, chúng ta thấy một điều rằng, nhóm lừa đảo đưa nạn nhân vào “mê hồn trận” rất dễ dàng, nghe mà như chuyện giỡn chơi, mình sẽ bị cuốn đi và làm theo sự chỉ dẫn của họ một cách vô thức.
Đừng bao giờ tin rằng mình đủ bản lĩnh để không sa vào cái bẫy đó vì chuyện thao túng tâm lý, “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” đã xảy ra khá nhiều trên cõi mạng. Ngay như tôi, luôn trong tinh thần cảnh giác cao độ, nhưng nhiều món hàng tôi không có nhu cầu sử dụng mua từ Facebook vẫn còn nguyên trong bịch ở nhà tôi.
Vậy nên, tôi đã thử tổng kết vài lưu ý nhỏ để gửi cho các bạn chơi Facebook của tôi:
Tránh đưa hình ảnh gia đình lên Facebook nhiều. Cho dù là bạn đặt chế độ bạn bè, nhưng một khi thông tin đã lên mạng thì không có thể bảo vệ được. Đã rất nhiều người bị người khác lấy hình ảnh gia đình làm chuyện không tốt. Nên nhớ, chốn công cộng ấy không có gì là an toàn cả.
Không bao giờ click vào các đường dẫn mà bạn bè gửi qua từ tin nhắn. Bạn hãy hỏi bên kia là nội dung gì, tin tưởng chắc chắn mới mở ra đọc. Còn không, bạn hãy mở nó từ trình duyệt máy tính. Tốt nhất, hãy xóa đi nếu bạn không tin tưởng.
Khi muốn trò chuyện thân mật với ai, bạn phải vào Facebook của họ và đọc kỹ. Một người chơi Facebook nghiêm túc, luôn có thời gian chơi lâu với những thông tin tin cậy. Những trang Facebook cá nhân mới lập hoặc không có thông tin cụ thể về “chính chủ” đều không đáng tin tưởng.
Không cần thiết đưa số điện thoại, thông tin cá nhân riêng tư lên Facebook.
Nhiều cảnh báo không thể liệt kê ra đây, tôi chỉ muốn nhắc bạn bè người thân: đừng để bị “dẫn dắt”, dễ ăn quả đắng.
Kim Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/om-qua-dang-vi-bi-thao-tung-tam-ly-tren-facebook-a1484720.html” name=””]