Cách thủ đô Amman, Jordan khoảng 185km về phía tây nam là thành phố cổ Petra khắc trong lòng đá với vẻ đẹp giao hòa giữa nền văn minh đỉnh cao và thiên nhiên hùng vĩ.
Petra có nghĩa là “đá”. Trong ngôn ngữ cổ của người Semit vùng Trung Đông, Petra được gọi là Raqmu (đa sắc) như chính vùng đất nơi đây. Lớp sa thạch hồng đỏ được thiên nhiên trang trí thêm những đường vân xanh, vàng, trắng, đen, uốn lượn và xếp lớp, tinh tế đến tuyệt mỹ.
Không ai biết Petra hình thành từ bao giờ. Chỉ biết vùng đất này nằm trên con đường thương mại nối giữa vùng Tây Á và Ai Cập thời xưa. Với vị trí trọng yếu ấy, người Nabatean đã chọn nơi đây làm thủ đô.
Thời kỳ thịnh vượng của Petra cách đây khoảng 2.000 năm. Người Nabatean đã xây dựng nên một thành phố sầm uất với các trục đường lớn và những công trình vĩ đại (nhà hát, lăng mộ, đền thờ…) trải dài trên hàng chục cây số vuông. Bao quanh là ruộng vườn màu mỡ, được tưới tiêu bởi hệ thống kênh dẫn, đập nước và hồ chứa cầu kỳ dù Jordan nổi tiếng là vùng sa mạc khô cằn.
Điều này cho thấy tài năng của người Nabatean xưa. Petra tiếp tục phát triển sau khi sáp nhập vào đế chế La Mã. Cho đến giữa thế kỷ thứ IV và thứ VII sau Công nguyên, thành phố bị hàng loạt trận động đất dữ dội tàn phá rồi dần rơi vào quên lãng.
Mãi đến năm 1812, Johann Ludwig Burckhardt – nhà thám hiểm người Thụy Sĩ – mới phát hiện và công bố với thế giới vẻ đẹp của Petra. Petra lần lượt được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1985, một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại năm 2007 và được mô tả là một trong những tài sản văn hóa quý giá nhất của nhân loại.
Phần lớn sự hấp dẫn của Petra là khung cảnh ngoạn mục nằm sâu bên trong hẻm núi đá. Lối vào thành phố thông qua SIQ – hẻm núi hẹp dài hơn 1km hình thành giữa những khối núi màu sắc rực rỡ cao hơn 200m. Cuối hẻm SIQ là tòa nhà Treasury đồ sộ, rộng 30m, cao 43m. Các nhân vật thần thoại và vị thần Nabataean được điêu khắc trên bề mặt của tòa Treasury vào thế kỷ I sau Công nguyên. Cánh cổng khổng lồ này đưa du khách vào ngôi mộ và nơi thờ cúng Vua Nabataean Aretas III.
Nổi tiếng nhất ở Petra là các đền thờ và lăng mộ, hầu hết được xây dựng ở rìa thành phố, phía trên đường phố chính. Một số ngôi mộ được thiết kế đơn giản, chứa rất nhiều hố chôn trong một lăng mộ đá không trang trí; số khác được thiết kế tinh xảo, đặc biệt là lăng mộ Hoàng gia và đền Oasr al-Bind. Để đến đây, du khách phải leo cầu thang dẫn đến lăng mộ Urn nổi tiếng – nơi thờ cúng trong Đế chế Byzantine (tồn tại từ năm 330-1453).
Vào thung lũng Petra, vẻ đẹp tự nhiên của cát, sa mạc và những thành tựu kiến trúc nổi bật khiến du khách thực sự choáng ngợp. Nhà hát cổ đại trong thành phố có sức chứa 3.000 người. Từ đây, du khách được ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng, tu viện Ad-Deir với quãng đường 800 bậc đá. Du khách cũng có thể ghé thăm Bảo tàng Khảo cổ Petra và Petra Nabataean – nơi trưng bày đồ vật từ các cuộc khai quật – hồi tưởng về quá khứ vàng son Petra.
Văn Khoa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/petra-thanh-co-bi-lang-quen-a1477542.html” name=””]