Cậu bé là “bản sao” của bố, giống Phan Hiển từ ngoại hình đến tài năng dancesport, từng đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ.
Tổ ấm của Khánh Thi – Phan Hiển là một gia đình “cha truyền con nối” điển hình, khi bố mẹ là những người đứng đầu trong lĩnh vực dancesport ở Việt Nam, hai con là Kubi và Anna cũng sớm được tiếp xúc với nhảy múa. Đặc biệt cậu bé Kubi sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm khi nhiều lần đạt huy chương trong các cuộc thi khiêu vũ. Thế nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, Phan Hiển – người vừa lập kỷ lục SEA Games lần thứ 31 và là người thầy của nhiều học viên lại không hề trực tiếp hướng dẫn con trai.
Điều này được chính Khánh Thi bật mí trên trang cá nhân. Cô kể: “Ngày đầu tiên ông bố dạy ông cu con sau 4 năm trời thả cậu tự do. Mà chủ nhật bé thi giải nhưng hôm nay ông bố mới động lòng cho Kubi nhảy tí xíu chỉ vì câu nói: “Con cũng thích nhảy giống ba”. Nãy ba mẹ xem nó nhảy mà ba nó hỏi mình: “Ủa nó đang nhảy dây hay nhảy dancesport”. Mình bảo: “Nhìn nó chán thì dạy nó đi”. Thế là ông Kubi đã được học Ba nó rồi. Mà chắc 1 hôm quá”.
Cùng với bài đăng, Khánh Thi chia sẻ một số hình ảnh Phan Hiển uốn nắn từng động tác cho con trai. Có thể thấy khi một lúc đảm nhận hai vai trò làm thầy và làm cha, Phan Hiển vô cùng nghiêm khắc, tận tâm. Cộng đồng mạng không khỏi xuýt xoa khi nhìn thấy “hiện tại” và “tương lai” dancesport Việt Nam cùng tập luyện, thậm chí có người dự đoán, Kubi sẽ sớm “vượt” ba và giành nhiều huy chương hơn trong tương lai.
Về lý do “không chịu” dạy con trai nhảy dancesport dù mình có đầy đủ khả năng và cơ hội, Phan Hiển từng tâm sự: “Thật sự Hiển chưa dạy Kubi quá nhiều, vì khi dạy dancesport, tôi khá khó tính mà tôi không muốn trở thành một người cha quá nghiêm khắc trong mắt con. Thế nên tôi để một người khác dạy Kubi. Tôi cũng không có ý định ép con theo quy củ của dancesport ngay lập tức, sợ điều đó làm con không thích nhảy múa nữa”. Có thể thấy, Phan Hiển đã suy nghĩ rất nhiều về việc dạy dancesport cho con, vô cùng tâm lý và tinh tế.
Anh cũng có những trăn trở về con đường con theo đuổi trong tương lai. “Gia đình tôi cũng khá đặc biệt vì cà ba và mẹ đều có thể gọi là những người đứng đầu trong ngành dancesport. Tôi cũng có nhiều điều trăn trở. Nếu như Kubi theo đuổi con đường chuyên nghiệp, tôi sẽ cố gắng ủng hộ và tập luyện giúp con vượt qua cái bóng của ba mẹ.
Tuy nhiên, nếu bé không quá năng khiếu và đam mê, thì tôi không muốn hướng con theo con đường chuyên nghiệp. Vì chúng tôi hiểu rõ công việc này, nếu không có đủ năng khiều và đam mê thì sẽ rất khó để vươn đến đỉnh cao. Vợ chồng tôi quyết định đợi con đủ 18 tuổi và để con tự lựa chọn”, ông bố 2 con bộc bạch.
Con trai Khánh Thi – Phan Hiển tiếp xúc với dancesport từ khi 3 tuổi. Ở tuổi lên 7, cậu bé sớm bộc lộ tài năng và đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ như 3 năm liên tiếp đạt giải thưởng cao quý tại giải Vô địch Khiêu vũ Thể thao Nghệ thuật – Linedance quận 3. Đặc biệt trong năm 2022, cậu bé còn xuất sắc “ẵm” 7 HCV.
Dù vậy cả Khánh Thi – Phan Hiển đều tỏ ra khiêm tốn trước thành tích của con, quyết định để con tự lựa chọn con đường mình yêu thích thay vì ép bé vào khuôn khổ.
So với việc dạy con nên người, dạy bé những kiến thức chuyên môn có nhiều khác biệt. Đó cũng là lý do Phan Hiển dù là bậc thầy dancesport vẫn không nhận dạy Kubi, hay nhiều ông bố bà mẹ làm giáo viên vẫn cảm thấy khó khăn khi dạy con học tập. Để có thể cân bằng vai trò làm cha mẹ và làm thầy cô, phụ huynh có thể lưu ý một số bí quyết sau: Tạo ra môi trường học tập thoải mái Môi trường học tập thoải mái sẽ giúp con có nâng cao tinh thần học tập và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Một môi trường học tập lý tưởng cần đảm bảo có đủ tiện nghi bao gồm sách vở, bàn ghế, trang thiết bị tuỳ vào bộ môn con đang học. Ánh sáng, nhiệt độ, sự yên tĩnh,… cũng góp phần không nhỏ trong việc học tập hiệu quả. Hãy loại bỏ những món đồ có thể gây xao nhãng và yêu cầu con dọn góc học tập hàng ngày nữa nhé! Dạy con phương pháp học Thay vì chỉ dạy từng ly từng tí, việc hướng dẫn con tìm ra phương pháp học hiệu quả và tinh thần tự học càng cần thiết hơn. Đây là những kỹ năng giúp trẻ tiến xa hơn trong tương lai, để dù có bố mẹ kèm cặp hay không, con vẫn sẽ đạt được thành tích tốt. Không đặt nặng thành tích So với dạy con của người ta, bố mẹ sẽ càng có tâm lý áp lực và vô tình đặt ra những yêu cầu cao hơn khi dạy con mình. Thế nhưng học tập và rèn luyện là một quá trình, bạn không thể yêu cầu con giỏi lên ngay lập tức. Vì vậy đừng quá đặt nặng thành tích vì điều này có thể khiến con lo sợ khi học cùng bố mẹ. |
[yeni-source src=”https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/phan-hien-lap-ky-luc-sea-games-nhung-4-nam-moi-chiu-day-con-trai-nhay-khanh-thi-cam-than-a570159.html” alt_src=”https://eva.vn/day-con/phan-hien-lap-ky-luc-sea-games-nhung-4-nam-moi-chiu-day-con-trai-nhay-khanh-thi-cam-than-c14a524128.html” name=””]