Những người dân ở các khu vực vùng núi Điện Biên, Việt Nam đang hướng đến xây dựng các nhà nghỉ truyền thống để du lịch không bị phát triển quá mức, theo trang Aljazeera.
Là một tỉnh miền núi xa xôi ở Tây Bắc Việt Nam, Điện Biên nổi tiếng với trận chiến đỉnh cao năm 1954 (trận Điện Biên Phủ), trong đó quân đội Việt Nam đã đánh bại các lực lượng vượt trội về nhân lực và hỏa lực của Pháp.
Dù nổi tiếng về di tích lịch sử, nhưng do vị trí hiểm trở nên đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Và du lịch từ lâu đã được coi là một cách để xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Riêng năm 2019, cả nước đã đón 18 triệu lượt khách, chiếm 9,2% GDP. Hiện tại, thay vì tiếp tục tập trung vào các khu vực du lịch miền núi nổi tiếng như Sa Pa, cả khách du lịch và các đơn vị lữ hành đang tìm đến những nơi còn hoang sơ hơn, trong đó có Điện Biên Phủ.
Mô hình đã thành công ở Che Căn
Tuan Nguyen, giám đốc công ty du lịch mô tô Moto Tours Asia có trụ sở tại Hà Nội, nói với Al Jazeera: “Tôi không đưa khách hàng của mình đến Sa Pa nữa mà thay vào đó, chúng tôi đến các bản làng ở Điện Biên Phủ, nơi còn lưu giữ văn hóa và kiến trúc truyền thống của các bộ tộc thiểu số trên đồi núi”.
Giờ đây, khi Việt Nam chào đón du khách nước ngoài trở lại sau hai năm đóng cửa biên giới để phòng dịch Covid-19, Nguyen và các đối tác của mình đang dẫn đầu một sáng kiến thúc đẩy du lịch sinh thái, chống đói nghèo và bảo tồn văn hóa bản địa ở Điện Biên Phủ: một mạng lưới nhà nghỉ bản địa được thiết kế theo phong cách truyền thống. Tại đây, 100% lợi nhuận sẽ được chuyển cho người dân địa phương sở hữu và vận hành chúng.
Phuan Doc Homestay đã thành công khi vừa thu hút được du khách và vừa giữ được các giá trị truyền thống cũng như bảo vệ được môi trường (Ảnh: Aljazeera)
Sáng kiến này được lấy cảm hứng từ Phuan Doc Homestay, một nơi nghỉ có 40 giường ở Che Căn, một làng dân tộc thiểu số Hmong, cách thành phố Điện Biên Phủ nửa giờ về phía đông bắc.
Với ruộng bậc thang thơ mộng và quang cảnh núi non mù sương, những con lạch nước và những con đường nông thôn quanh co, một hồ nước gần đó đầy các loài chim và mọi cấu trúc trong làng đều tuân theo những thiết kế truyền thống, mọi thứ tại Che Căn đẹp như một bức tranh sơn dầu.
“Bên cạnh phong cảnh tuyệt vời, Che Căn là một trải nghiệm thực sự độc đáo khi du khách có thể sống với người Hmong và nhìn thấy cách sống của họ,” Catherine Ryba, một du khách đến từ Mỹ đang làm việc ở Hà Nội, nói với Al Jazeera. “Nơi này mang đến cho bạn một cái nhìn khác về Việt Nam và giúp bạn thoát ra khỏi bong bóng du lịch”.
Phuan Doc Homestay, một trong hai ngôi làng, được thành lập vào năm 2018 bởi Lovan Duc với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD), một chi nhánh địa phương của tổ chức từ thiện Care International.
“Lúc đầu, tôi không biết gì về du lịch,” Duc nói với Al Jazeera. “Nhưng CCD đã giáo dục tôi về người nước ngoài và đưa tôi đi xem nhiều homestay khác nhau. Điều đó đã cho tôi một số ý tưởng và với 13.000 USD mà họ cho tôi vay và tài trợ, tôi đã có thể xây một cơ sở lưu trú của riêng mình”.
Trước đại dịch, anh Duc và gia đình đón khoảng 300 khách mỗi tháng, một phần ba là người nước ngoài. Ngày nay, họ chỉ nhận được một nửa số khách đó và tất cả là khách trong nước. Họ tính phí cho mỗi người 5 USD một đêm nghỉ và thêm 12 USD cho bữa ăn – gồm chả giò, gà nướng, cá hầm, vịt quay, cơm, nước chấm, trái cây nhiệt đới và rượu gạo và mọi người ăn cùng nhau.
Anh Duc nói: “Thu nhập tốt hơn nhiều so với làm ruộng. Giờ đây, chúng tôi có đủ tiền để trả cho con cái đi học trung học và thậm chí vào đại học nếu chúng đạt đủ điểm tốt.”
Ý tưởng phát triển du lịch thân thiện với môi trường
Kế hoạch của Nguyen là chọn 8 đến 10 ngôi làng đẹp như tranh vẽ và hỗ trợ xin nguồn vốn từ chính quyền tỉnh và các tổ chức phi chính phủ để xây dựng hai hoặc ba nhà lưu trú truyền thống ở mỗi nơi.
Nguyen cũng có kế hoạch đào tạo cho người dân địa phương về cách làm việc với khách du lịch và khai thác các hoạt động du lịch gần gũi thiên nhiên như đi bộ xuyên rừng, đi xe đạp, chèo thuyền kayak và tham quan các di tích lịch sử, đồng thời thu hút các tình nguyện viên từ nước ngoài đến dạy kèm tiếng Anh cho người dân địa phương. Sau khi mạng lưới lưu trú được thiết lập, anh dự tính rằng khách du lịch sẽ ở lại hai hoặc ba đêm tại mỗi làng và dành trung bình 10 ngày ở Điện Biên Phủ, hòa mình vào cuộc sống làng quê.
Nguyen nói: “Chúng tôi không coi đây là một cách để kiếm lợi nhuận. Đó là một kế hoạch 5 năm nhằm trao quyền cho các cộng đồng địa phương, tạo việc làm và các cơ hội kinh tế lâu dài sẽ giúp bảo tồn văn hóa và kiến trúc dân tộc thay vì làm xói mòn nó”.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-viet-nam-noi-bat-tren-truyen-thong-quoc-te-20220601144334207.chn” name=””]