Nỗi lo lắng về bạo lực hay cảnh nóng trong phim Hàn Quốc đang ngày càng lan rộng trong công chúng và giới phê bình phim.
Bộ phim bị cấm chiếu tại Việt Nam vì bạo lực, The Roundup (2022), đã có thời điểm trở thành hiện tượng phòng vé tại Hàn Quốc, khi bán được 10 triệu vé chỉ sau 25 ngày ra rạp hồi tháng 5/2022. Lần này, phần tiếp của The Outlaws (2017) được dán nhãn 15+, tuy nhiên trẻ em dưới 15 vẫn được phép vào rạp xem phim nếu đi cùng bố mẹ hoặc người giám hộ.
Những cảnh phim rùng rợn đầu tiên xuất hiện chỉ ít phút sau phần mở đầu, khi nhân vật phản diện (do Son Suk-ku đóng) đã cắt tai một nạn nhân theo cách dã man và đâm chết anh ta. Trong khoảng 100 phút còn lại, bộ phim không thiếu những cảnh bạo lực và máu me.
Diễn viên Son Suk-ku (phải) trong phim The Roundup. Nguồn: ABO Entertainment
Nhân vật tàn ác do Son Suk-ku thể hiện thường xuyên xuất hiện trong một lưỡi kiếm gây khiếp đảm và tấn công những mục tiêu của hắn. Ngoại trừ những người hâm mộ phim kinh dị, có lẽ những khán giả thông thường không dễ cảm thụ được những cảnh phim đầy bạo lực trong The Roundup, chứ chưa nói đến việc giải thích cho trẻ em đi cùng họ.
Nói đến những phim Hàn Quốc “dư thừa” bạo lực gần đây, The Roundup không phải là trường hợp cá biệt. Một số phim như Christmas Carol hay Project Wolf Hunting còn bị dán nhãn “cấm người dưới 18 tuổi”. Theo tờ KoreaHerald, nhiều khán giả tại Hàn Quốc đến rạp xem các bộ phim trên nhưng bỏ về giữa chừng, cùng với lời phàn nàn rằng quá nhiều cảnh bạo lực.
Các tiêu chí mơ hồ
Hội đồng Xếp hạng Truyền thông Hàn Quốc (KMRB) là đơn vị chịu trách nhiệm dán nhãn các bộ phim chiếu rạp ở quốc gia này. Theo đó The Roundup (2022) dán nhãn trên 15 tuổi vì những cảnh bạo lực “không liên tục hoặc mô tả chi tiết”. Đơn vị này cho biết mặc dù “cảnh gián tiếp” cắt một cánh tay của xác chết, cảnh giết chóc và gây thương tích bằng vũ khí được “miêu tả khá bạo lực”, nhưng chúng “không chi tiết” và mức độ bạo lực và cảm giác sợ hãi là “hơi cao”.
Theo tiêu chí của hội đồng này, những bộ phim khác sẽ bị dán nhãn giống The Roundup nếu chứa “bạo lực thể xác, tra tấn và giết chóc bằng cách sử dụng các bộ phận cơ thể hoặc công cụ không liên tục hoặc mô tả chi tiết”; trong đó “sự xâm hại cơ thể và đổ máu không được thể hiện một cách liên tục hoặc trực tiếp”; và “bạo lực tình dục được thể hiện gián tiếp trong bối cảnh phim”.
Vấn đề là tiểu ban đánh giá này chỉ gồm 9 người và phải đánh giá hàng trăm bộ phim mỗi tháng, khiến công chúng đặt câu hỏi các tác phẩm được xem xét kỹ đến mức nào. Đơn cử như tháng 10/2022 có 286 bộ phim đã được tiểu ban này xem xét, bao gồm cả phim hoạt hình, nhưng chỉ có 121 bộ phim của Hàn Quốc.
Trước thực trạng này, nhà phê bình văn hóa Kim Hern-sik (Hàn Quốc) nhận định: “Trong thời đại phát phim trực tuyến, các nhà sản xuất và khán giả Hàn Quốc, đặc biệt là độ tuổi 20 – 30, đang khá thờ ơ với mức độ bạo lực. Tuy nhiên khi video trực tuyến ít được kiểm soát thì rạp chiếu phim cần phải nghiêm ngặt hơn, nơi thường xuyên đón đối tượng thanh thiếu niên”. Nhà phê bình này cho rằng việc dán nhãn trên 15 với “The Roundup” là sự sai lầm của nhà chức trách, nhất là khi nhiều gia đình muốn đến rạp sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19.
Cảnh trong phim Christmas Carol. Nguồn: KoreaHerald
Dùng cảnh bạo lực để câu khách?
Theo Ha Jong-won, giáo sư tại Đại học Sun Moon, việc sử dụng bạo lực là cách dễ dàng và đơn giản nhất để mô tả sự bùng nổ hay xung đột trong một bộ phim. Các diễn viên cũng dễ dàng thể hiện sự tức giận hoặc sợ hãi trước những cảnh bạo lực, hơn là những cảnh đòi hỏi vô số cảm xúc phức tạp nội tâm.
“Thói quen sử dụng bạo lực là một công thức kể chuyện điển hình. Ban đầu, bạo lực được sử dụng để thể hiện xung đột và thu hút sự chú ý của người xem. Sau đó xung đột trở nên nghiêm trọng hơn, khi câu chuyện tiến triển và liên quan đến nhiều người hơn” – giáo sư Ha Jong-won nói.
Giáo sư Ha Jong-won cũng chỉ ra vấn đề là một số nhân vật chính diện, mặc dù là người thực thi pháp luật nhưng sử dụng bạo lực không khác gì nhân vật phản diện, thậm chí là những cách thức bất hợp pháp để đạt mục tiêu của mình. Vị giáo sư này cảnh báo: “Nghiên cứu đã chứng minh rằng phim ảnh và chương trình truyền hình ảnh hưởng đến nhận thức về thực tế. Nhìn thấy thế giới thực thông qua những video bạo lực tràn lan này khiến chúng ta mất lòng tin vào xã hội và sợ hãi người khác”. Giáo sư này còn đề cập đến “hội chứng thế giới độc ác”, rằng mọi người có thể nhìn nhận thế giới nguy hiểm hơn so với thực tế, sau khi tiếp xúc thời gian dài với các nội dung bạo lực trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nhà phê bình văn hóa Kim Hern-sik thừa nhận trước đây điện ảnh Hàn Quốc không có nhiều nội dung, hình ảnh bạo lực. Dù phim về những kẻ sát nhân từ lâu đã là một thể loại trong điện ảnh phương Tây thì điều đó chưa có tại Hàn Quốc. Tuy nhiên khi các nền tảng trực tuyến phát triển, các phim Hàn Quốc gây tiếng vang như Parasite hay Squid Game chứa nhiều cảnh bạo lực và khiêu khích vẫn được đón nhận nồng nhiệt khắp thế giới. Điều đó góp phần khiến cho các nhà sản xuất theo đuổi những hình ảnh khó chịu và có phần “thô ráp”, nhằm dễ dàng khơi dậy cảm xúc của khán giả như sợ hãi hoặc tức giận.
Tính cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành công nghiệp điện ảnh và phát trực tuyến cũng là lý do khiến một số nhà sản xuất sử dụng những hình ảnh đó. Còn theo nhà phê bình văn hóa Chung Deok-hyun (Hàn Quốc), việc đã quen với các bộ phim Âu Mỹ trên nền tảng trực tuyến cũng khiến khán giả Hàn Quốc “dễ tính” hơn với bạo lực và cảnh nóng trong phim. Vì vậy các nhà sản xuất phim Hàn Quốc lại càng phải cố gắng thu hút khán giả bằng mức độ bạo lực cao hơn hoặc nhiều hơn.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/phim-han-quoc-ngay-cang-dung-nhieu-canh-bao-luc-de-cau-khach-20221220082626586.chn” name=””]