Vào năm 2016, chuyên trang về ẩm thực Eater (Mỹ) đã đăng tải một bài viết tán dương hết lời sự tinh túy của phở Việt.
Chúng tôi xin giới thiệu tới Quý độc giả bài lược dịch dưới đây:
“Chính món phở đã nói với bạn rất nhiều về văn hóa Việt Nam”
Việt Nam thường giành phần thưởng cho những người dậy sớm. Hãy rời khỏi nhà trước 9 giờ sáng và bạn sẽ được khám phá những con đường đông đúc nhộn nhịp xe máy ở các thành phố lớn nhất Việt Nam. Rồi sẽ mất hàng giờ cho đến khi cái nóng và độ ẩm của buổi chiều khiến áo bạn đẫm mồ hôi. Nhưng sẽ có PHỞ.
Phở – món ăn nổi tiếng nhất của Việt Nam, cơ bản nhất bao gồm nước hầm trong suốt từ thịt bò hoặc thịt gà, bánh phở, rau thơm và thịt thái mỏng – cũng là món ăn sáng ưa thích của quốc gia Đông Nam Á này. Từ các tỉnh phía Bắc đến thành phố Hồ Chí Minh ở phía Nam, những người bán hàng dậy từ rạng sáng để chuẩn bị nồi nước dùng. Nếu sau 9h mới ra đường thì bát phở của các bạn có thể đã bị bán hết sạch.
Từ xưa, buổi sáng là khoảng thời gian đặc biệt của phở. Nhưng ngày nay, bạn ngày càng có thể tìm thấy món phở mang tính biểu tượng này vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày khi các chủ nhà hàng kéo dài thời gian phục vụ phở….
Nguồn gốc của phở là không chính xác. Một số người tin rằng, phở có nguồn gốc từ đường phố Hà Nội, trong khi những người khác cho rằng, phở thực sự xuất phát từ tỉnh Nam Định, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam.
Những bát phở bò ở Hà Nội. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, điều mà mọi người có thể đồng ý là, phở ban đầu là một món ăn xuất hiện lần đầu ở miền Bắc vào khoảng đầu thế kỷ 20. Ban đầu, phở thường được bán bởi những người bán hàng rong, những người gánh những bát phở trên những gánh hàng rong. Tracey Lister, bếp trưởng kiêm giám đốc Trung tâm nấu ăn kiểu Hà Nội, cho biết phở là bữa sáng lý tưởng cho những người làm ruộng và những công việc vất vả về thể chất khác.
Phở đủ chất để giúp người lao động no cả buổi sáng và cũng không quá nặng nề khiến họ đầy bụng. Lister nói: “Nhiều người Việt Nam không cảm thấy phở đủ chất cho bữa trưa hoặc bữa tối“.
Từ miền Bắc, phở xuất hiện trên đường phố Sài Gòn và có chút thay đổi. Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Chad Kubanoff cho biết, phở miền Nam ngọt và cay hơn.
Theo nữ đầu bếp nổi tiếng Andrea Nguyễn, tác giả cuốn The Pho Cookbook, nước dùng của phở đã mang thêm hương vị này khi đến Sài Gòn, trong khi món phở miền Bắc vẫn giữ được sự thuần khiết và mộc mạc, là xúc cảm của riêng Hà Nội. Phở miền Nam cũng có thể được gia giảm nhiều hơn với nguyên liệu và các loại thảo mộc khác. Các cửa hàng biến nó trở nên tinh tế hơn, nhiều màu sắc hơn. Andrea nói: “Chính món phở đã nói với bạn rất nhiều về văn hóa Việt Nam“.
Bây giờ, phở chủ yếu được bán ở các cửa hàng ngoài trời dọc các con phố của các tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội. Những cửa hàng này thường mở rộng ra vỉa hè với những chiếc bàn thấp, về bản chất chúng là những cửa hàng bán đồ ăn đường phố, với nguyên liệu được mua tươi sống vào sáng hôm đó. “Những người bán hàng biết rằng họ có thể bán được 300 tô vào sáng hôm đó, và đó là những gì họ đã chuẩn bị“, Lister nói. Sau khi bán hết, họ ngừng bán cho đến khi một mẻ nước dùng mới được làm.
Và nhịp điệu ẩm thực của Việt Nam diễn ra như thế này: Người bán hàng dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu và bắt đầu nấu nước dùng vào khoảng 2 giờ sáng (nếu chưa ninh từ tối hôm trước), mở cửa hàng vào khoảng 6 giờ sáng, bán hết vào khoảng 10 giờ, rồi họ lại bắt đầu mẻ nước dùng mới vào tối hôm đó hoặc rạng sáng hôm sau. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, Kubanoff chỉ ra rằng, đây là thời điểm mát mẻ nhất trong ngày. Việt Nam với khí hậu chủ yếu là nhiệt đới nên việc ăn phở nóng vào buổi sáng và buổi tối là điều thường thấy. Ở các thành phố phía Bắc như Hà Nội, với tiết trời se se lạnh, một bát phở buổi sáng có thể làm ấm lòng bất cứ thực khách nào.
Nhưng cũng có một chút đặc biệt về món phở sáng. Andrea nói, mọi người thèm ăn phở khi bị ốm hoặc nôn nao vì say rượu bởi nó giúp người ta khôi phực sức lực. Cô cho biết, thật khó để khẳng định chắc chắn, nhưng cách mà bánh phở và nước dùng ngon được kết hợp trong một tô phở là một niềm vui. Cô nói: “Nó đưa tôi vào trạng thái của đất nước này. Đó là một đất nước buổi sáng”.
Phở thể hiện nhịp điệu ẩm thực Việt
Ở những thành phố bận rộn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, việc dậy sớm càng dễ dàng hơn. “Vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, vì vậy phở cho bữa sáng là hoàn hảo“, Andrea nói. “Nó giống như thứ nghi lễ“. Đó là lý do tại sao mặc dù khi phở trở thành một hiện tượng ăn đêm, bạn vẫn sẽ thấy những cửa hàng truyền thống và xe đẩy cũ chỉ mở cửa vào buổi sáng sớm.
Nhưng ngay cả ở Hà Nội truyền thống, bây giờ bạn có thể tìm thấy phở mọi lúc, mọi nơi. Khi Lister từ Australia chuyển đến Hà Nội cách đây khoảng 15 năm, các quán phở ở Hà Nội vẫn thường đóng cửa lúc 10 giờ sáng hoặc sớm hơn. Một số mở cửa trở lại vào buổi tối nhưng bữa sáng là phổ biến nhất. Bây giờ điều này chỉ áp dụng cho các cửa hàng truyền thống, Lister nói. Các doanh nghiệp mới hơn mở cửa cả ngày.
“Người Việt Nam thực sự là những doanh nhân giỏi. Họ rất có óc kinh doanh“, Andrea nói. Mặc dù khó ai có thể xác định chính xác lý do tại sao phở lại trở nên phổ biến hơn vào bữa trưa nhưng có một vài lý do có thể xảy ra. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định đến mức tháng 1/2016, tờ Bloomberg đã mô tả đây là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới. Khi có cơ hội kinh doanh nhiều hơn thì các nhà hàng chuyên về phở ở Việt Nam nằm trong số rất nhiều doanh nghiệp đang vươn lên để đón lấy cơ hội đó.
Ngoài ra, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu có thể liên quan đến việc phở trở thành món ăn trưa. Thói quen làm việc đang thay đổi và kéo theo đó là sự điều chỉnh cần thiết của nhịp điệu ẩm thực. Đối với nhân viên văn phòng, không cần thiết phải coi bữa trưa trở thành một bữa ăn chính sau giờ làm việc sáng. Nếu văn phòng đó có điều hòa thì việc ăn một bát phở nóng hổi vào buổi trưa ở xứ sở nhiệt đới không còn là ý tưởng tồi.
Lĩnh vực du lịch cũng có thể đóng góp vào lịch trình phục vụ xuyên ngày của phở. Andrea nói người Việt Nam hiện đang tỏa đi khắp thế giới, mang theo ý tưởng, văn hóa và sự nhạy bén trong kinh doanh.
… Phở Việt Nam hiện đã đến Mỹ. Trong những năm gần đây, nó đã trở thành một trào lưu ẩm thực thực sự ở các thành phố. Nhưng những buổi sáng bắt đầu bằng một tô phở khi ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp trong một cửa hàng ngoài trời đông đúc vẫn mang đậm chất Việt Nam.
Philadelphia có khu dân cư với đầy các nhà hàng, tiệm bánh và cửa hàng tạp hóa Việt Nam được gọi là Little Saigon. Phở 75 nổi tiếng nhất ở đây vì được cho có món phở bò ngon nhất thành phố, thường mở cửa hàng ngày lúc 9 giờ sáng. Thực khách xếp hàng ăn sáng vào một buổi sáng tuyết rơi. Nhiều người là người Mỹ gốc Việt, nhưng cũng nhiều người không phải. Vì trời lạnh, Jacey Cao và Kenny Lam đã bỏ qua bữa sáng dim sum thông thường ở phố người Hoa vì họ muốn tới đây ăn phở.
Victoria Vo thì đang chờ phần phở mang về. Cô ăn phở vào bữa sáng vì đó là truyền thống của gia đình.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/pho-viet-nam-duoc-ca-ngoi-mon-an-boc-lo-nhip-dieu-am-thuc-cua-ca-mot-dan-toc-20220910144952144.chn” name=””]