Chợ quê mùa nước nổi có gì ngon, chợ phố nhanh chóng có y chang thức đó. Tui và đám bạn bè xa quê, thương nhớ, thèm thuồng sản vật mùa nước nổi miền Tây, chỉ cần bước chân xuống phố là có thể tìm mua được ngay…
Hái hẹ nước mùa nước nổi ở Long An – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Mỗi năm cứ độ rằm tháng 7 âm lịch là mùa nước nổi dần về ruộng đồng miền Tây Nam Bộ. Mực nước cứ cao dần theo các tháng 8, 9, 10… và “chở” theo các sản vật đồng quê như con cá, con cua, bông điên điển, bầy lươn mập ú bám dề lục bình và cả mấy “ông Tý” phá phách ruộng lúa.
Và thời buổi bây giờ, đường xe tiện lợi, nhanh chóng. Chợ quê mùa nước nổi có gì ngon, chợ phố nhanh chóng có y chang thức đó. Tui và đám bạn bè xa quê, thương nhớ, thèm thuồng sản vật mùa nước nổi miền Tây, chỉ cần bước chân xuống phố là có thể tìm mua được ngay…
1. Cuối tuần, đám bạn hú nhau làm cái lẩu chua “mùa lũ” cho đã cái miệng. Người xứ khác có thể hổng biết “lẩu mùa lũ” là cái giống gì, nhưng chúng tôi thằng quê Kiên Giang, An Giang, thằng gốc Cần Thơ, Đồng Tháp… rành rẽ ngay việc mình cần phải chuẩn bị cái gì để bắc nồi lẩu nóng hổi lên bàn.
Đầu tiên phải có vài thức chính làm nên hồn cốt nồi lẩu. Tụi tui khoái nhất là cá bông lau trên sông Tiền, sông Hậu. Loài cá ngon này giờ hiếm lắm rồi, nhưng dân chài vẫn có thể lai rai kéo được vào mùa nước nổi, khi bầy cá bông lau mập ú theo dòng phù sa đổ về từ thượng nguồn sông Mekong.
Nếu không có cá bông lau, tụi tui cũng có thể thay bằng con lươn, con chạch lấu mùa nước. Thằng bạn tôi quê miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp còn nấu cả lẩu chua bằng… “ông Tý”. Đám chuột đồng phá phách ruộng lúa, con nào con nấy mập tròn, sạch sẽ.
Gặp mùa nước về, chúng rút lên các gò cao, dân quê hú nhau đi bắt nhiều binh thiên. Món lẩu “gà đồng” này bạn tôi không nấu với me chua mà thả vô nồi nước cơm mẻ. Vị chua chua đặc trưng của hạt cơm ủ mẻ quyện lẫn với vị cay của ớt, vị nồng của tiêu, ăn với các loại rau đồng thì thôi rồi ngon khỏi nói…
Tuy nhiên, cái lẩu chua “mùa lũ” dù nấu với cá, với lươn hay “gà đồng” gì đi nữa mà thiếu rổ rau đúng chất ruộng đồng là coi như lãng xẹt, dở ẹc toàn tập. Miền Tây quê tôi hằng hà rau ngon, đến mùa nước nhảy đồng càng có nhiều thứ khoái miệng hơn.
Đầu tiên là rau hẹ, loại rau (cũng có thể gọi là rong) có lá mỏng như tờ giấy, dập dờn trên đồng nước mà ăn ngọt miệng, mát bụng đến kỳ lạ. Bình thường loại hẹ nước này cũng có lác đác dưới kênh rạch xứ phèn Tiền Giang, Long An, nhưng hình như nó chỉ ngon ngọt nhất vào mùa nước nổi mọc lan trên đồng.
Sau hẹ nước, nồi lẩu “mùa lũ” của tụi tui còn có hơn chục loại rau đủ mùi vị khác, từ đọt choại nhơn nhớt đến bông điên điển ngòn ngọt, bông so đũa nhân nhẫn, rau nhút hăng hăng, rau đắng đồng đăng đắng, ngọn muống ruộng giòn dai…
Sau này, thằng bạn tui dân miệt Đồng Tháp còn thêm món lá sen non làm rau ăn cuốn hay nhúng lẩu đều ngon mê hồn. Nó khẳng định chắc như bắp ăn loại lá “tiên dược” này sáng mắt, mát gan, bổ tim và… giã rượu.
Cá chạch lấu đắt giá nhưng nhiều người thích mua về bán ở phố
2. Mùa Trung thu tháng 8 âm lịch này, đa số đồng nước nổi miền Tây mới xâm xấp chân ruộng, nhưng sản vật phù sa đã bắt đầu về chợ theo ghe xuồng đi giăng lưới, rải lợp, đóng đăng. Chợ quê có thức gì, chợ Sài Gòn có ngay món đó.
Con cua đồng còn sống, con cá còn giãy đành đạch, những bó rau ruộng vẫn thẳng ngọn tươi ngon. Nơi tôi ở gần chợ Cây Da Sà nổi tiếng, giáp ranh giữa quận 6 và Bình Tân. Tận 8h, 9h sáng, tôi mới mò ra chợ mà vẫn còn đầy món gợi thương nhớ miền Tây.
Con cua đồng đang bò lổm ngổm trong cái thùng, mai lưng tim tím rất đẹp. Mớ cá linh dù chưa nhiều cũng đã óng ánh màu vẩy sáng. Con cá trê, cá rô đồng, con cá leo, cá bông lau, cá lăng sông, chạch lấu dù phải “đi” đường xa một vài trăm cây số vẫn được người bán giữ còn sống để có giá.
Gần chợ Cây Da Sà, nhiều nơi khác ở cửa ngõ tây nam thành phố này cũng bày bán đồ đồng mùa nước nổi. Người nào có thể không phân biệt được, chứ tụi tui nhìn là biết ngay con nào nơi sông nước tự nhiên, con nào lớn lên trong ao nuôi.
Con cá rô đồng đầu nhọn, vẩy vàng không bao giờ mập được như con cá rô nuôi. Con lươn chui rúc chân ruộng thường mình sậm hơn con lươn ăn cám. Mùa nước đổ về, dân quê miệt Đồng Tháp, An Giang còn hay bắt được loại lươn tự nhiên bằng kỹ thuật rất độc đáo.
Đồng nước tháng 8 âm lịch bắt đầu dâng cao, họ quây dề lục bình như chiếc bè cho lươn rúc vào, rồi cứ thế mà dỡ bắt nhẹ nhàng. Loại lươn này thường nhỏ nhưng thịt dai ngon và không tanh.
Ngoài con cá, con cua, con tôm, con ốc, mùa nước nổi ở miền Tây xa lắc cũng đưa về Sài Gòn được nhiều loại rau đồng ngon ngọt. Những bó rau muống tím mọc lan ngoài ruộng được hái ngọn bán bó 10.000 – 20.000 đồng và những loại rau choại, hẹ nước, bông điên điển, rau dừa cũng giá thế thôi.
Chỉ vài chục, một trăm ngàn đồng, tụi tui đã có rổ rau dân dã miệt đồng quê cho nồi lẩu “mùa lũ”. Ăn vào rồi xuýt xoa mà thương nhớ quê hương vừa xa mà lại vừa gần…
Hẹ nước, bông điên điển, rau choại và dừa nước là đặc sản mùa nước nổi – Ảnh M.D.
Phải cỡ gần tháng nữa, con cá linh mùa nước nổi từ An Giang, Đồng Tháp mới “trôi” nhiều về Sài Gòn và thường được bán với giá 200.000 – 300.000 đồng/kg tùy về được nhiều hay ít.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây đã có nguồn cá linh nuôi để khách sành ăn có thể tìm mua quanh năm. Con cá linh nấu lẩu mắm, ăn rồi mà nhớ tía má đợi con nơi quê nhà…
Mùa này, nơi tui ở tại cửa ngõ tây nam thành phố rất dễ tìm mua các sản vật mùa nước nổi. 1kg cua đồng chỉ có giá 70.000 – 80.000 đồng. Người bán chắc chắn đó là cua bắt ruộng, chứ không phải nuôi và kinh nghiệm tụi tui nhìn cũng phân biệt được.
Còn lươn đồng đang có giá gần 300.000 đồng, cao hơn lươn nuôi khoảng 100.000, nhưng ăn “đáng đồng tiền bát gạo”.
Các loại cá tự nhiên đã hiếm hoi như cá bông lau, cá leo, chạch lấu thì cỡ 350.000 – 450.000 đồng nhưng cũng không có nhiều để mà trả giá. Người mua có tiếc tiền thì người bán cũng cười nói “hổng mua, chút tui bán hết thì đừng hỏi à nghen”.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/san-vat-mua-nuoc-noi-ve-pho-20220915230932572.chn” name=””]