Hàng ngàn, hàng triệu chiếc bánh Trung thu từng được bán tràn lan trên các con phố và cửa hàng bỗng biến mất hoàn toàn ngay sau ngày Rằm tháng 8.
Tết Trung thu, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng, diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 theo Âm lịch hằng năm. Đây là một lễ hội truyền thống lâu đời bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đến hiện tại đã phát triển và lan rộng ở hàng loạt quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Singapore…
Và thứ ấn tượng cũng như không thể thiếu được trong dịp lễ này là bánh trung thu. Trước dịp Tết Trung thu khoảng hơn một tháng, ngay trên các con phố hay trong siêu thị, mọi người sẽ thấy tràn ngập bánh trung thu được đóng gói trong đủ các loại hộp quà to nhỏ, với đa dạng các loại bao bì và hương vị. Tuy nhiên chỉ ngay sau khi Tết Trung thu kết thúc, những chiếc bánh này cũng ngay lập tức biến mất trong một sớm một chiều. Vậy hàng ngàn hàng triệu chiếc bánh ấy đã đi đâu? Chắc chắn nhiều người sẽ có chung một câu hỏi này.
Người ta sẽ làm gì với bánh trung thu không bán được?
Trên thực tế vào đúng ngày Tết Trung thu, năm nay là 10/9, nhiều cửa hàng bán bánh bắt đầu hạ giá sản phẩm để cố gắng tiêu thụ mốt số bánh trung thu còn lại trong kho. Đặc biệt tại các siêu thị lớn, chúng sẽ được gom lại thành một khu vực ở vị trí bắt mắt để ai đi qua cũng phải nhìn thấy một lần. Nếu để ý và hay vào siêu thị, bạn có thể sớm nhận ra giá bán của chúng thay đổi từng ngày, và càng tới sát thời điểm Trung thu lại càng rẻ. Thậm chí có những chiếc bánh từng có giá hàng trăm nghìn chỉ còn thanh lý với giá hàng chục nghìn.
Một nhân viên siêu thị tiết lộ, sau ngày Tết Trung thu, bánh trung thu sẽ rất khó bán. Để bán được nhiều bánh trung thu nhất có thể, các chương trình khuyến mại sẽ diễn ra liên tục và ngày Tết Trung thu sẽ là ngày khuyến mãi cuối cùng. Và dù có bao nhiêu bánh trung thu thì sau ngày Rằm tháng 8 cũng sẽ không tiếp tục bán nữa. Những chiếc bánh còn sót lại sẽ được lấy ra khỏi kệ vào tối hôm đó, sau đó chuyển về cho nhà sản xuất để được xử lý. Theo thông lệ, các nhà sản xuất sẽ tiêu hủy bánh trung thu bị ế.
Tuy nhiên, cũng có những nhân viên bán hàng lại cho biết chúng còn có thể được tiêu thụ theo một cách khác. Đó là số bánh trung thu còn lại sẽ được phân phát cho các nhân viên làm phúc lợi vào đúng đêm Trung thu, một cách xử lý mang tính nội bộ của một vài công ty.
Theo tìm hiểu, bánh trung thu bán trên thị trường hiện nay chủ yếu chia làm hai loại là bán cho các đại lý như siêu thị và mua bán dạng ký gửi. Mỗi loại cũng có cách xử lý sau đó khác nhau. Nói chung, nếu các đại lý vẫn còn bánh sau Tết Trung thu thì việc xử lý sẽ do các đơn vị này hoàn toàn quyết định, thường là chúng sẽ được bán thanh lý giảm giá. Còn bánh trung thu bán theo dạng ký gửi, nếu còn thừa có thể được trả lại cho nhà sản xuất để tiêu hủy.
Về cơ bản, một phần đáng kể các hộp quà bánh trung thu trả lại cho các nhà sản xuất từ đại lý bán lẻ có thể sẽ được các nhà sản xuất đó phân phối cho nhân viên của họ như một dạng phúc lợi.
Tuy nhiên, tại một số thị trường lớn như Trung Quốc, số lượng bánh trung thu được bán ra là rất lớn lên tới hàng triệu chiếc nên đôi khi một số nhà sản xuất cũng sẽ nhận về lượng bánh tồn kho khổng lồ. Do đó, một số hình thức “tái chế bánh trung thu” cũng dần xuất hiện. Chủ yếu chúng sẽ được tháo rời, các hộp quà đẹp mắt sẽ được giữ lại và tái sử dụng cho năm sau, còn bánh sẽ được bóc tách để bán rời với giá thấp. Do thời hạn sử dụng của bánh trung thu nói chung là từ 30 ngày đến 90 ngày (đối với một số loại bánh đặc biệt), nên để tối đa hóa chi phí thu hồi, các nhà sản xuất sẽ cố gắng hết sức để bán số hàng tồn kho còn lại trong thời hạn sử dụng của chúng. Ngoài việc bán giảm giá tại các khu vực đông đúc, các công ty cũng có thể chuyển hàng tồn kho đến các thị trường nhỏ hơn như các thị trấn và vùng nông thôn.
Sau đó, nếu lượng hàng tồn vẫn lớn, số bánh trung thu còn lại sẽ được bán cho các công ty liên quan để làm thức ăn chăn nuôi, trong đó phổ biến nhất là thức ăn cho lợn. Tuy nhiên, do các công ty sản xuất bánh trung thu hiện nay chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, nhu cầu thị trường cũng được nghiên cứu và dự đoán sớm từ trước, nên nếu không có bất ngờ xảy ra thì tình hình tiêu thụ thực tế sẽ không quá chênh lệch so với dự đoán. Vì vậy, sẽ không có quá nhiều bánh trung thu cần tiêu hủy.
Ngành kinh doanh đặc thù có chi phí thấp và tỷ suất lợi nhuận gộp cao
Theo chia sẻ từ các nhà sản xuất, cũng như dữ liệu từ các trung tâm nghiên cứu thì chi phí sản xuất của bánh trung thu thường không vượt quá 40.000 đồng một chiếc. Đối với các loại nhân thông thường, chi phí có thể xuống thấp tới 15.000 đồng mỗi chiếc nếu sản xuất ở quy mô lớn. Giả sử một hộp bánh trung thu có 6-8 chiếc, tổng chi phí sản xuất mỗi hộp có thể rơi vào khoảng 100.000 – 150.000 đồng.
Ở thị trường Trung Quốc, doanh thu bán bánh trung thu có thể được nhìn thấy qua báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó cho phép chúng ta nhận thấy mức doanh thu của sản phẩm này đã và đang tăng dần qua từng năm, với tỷ suất lợi nhuận gộp cao tới 50%-60%. Cụ thể như với Nhà hàng Quảng Châu (Guangzhou Restaurant Group), từ năm 2018 đến năm 2021, tỷ suất lợi nhuận gộp của các dòng sản phẩm bánh trung thu lần lượt là 63,22%, 62,27%, 58,37% và 56,46%.
Để so sánh thì mức tỷ suất lợi nhuận gộp này cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm khác trong lĩnh vực hàng thực phẩm như sữa hay bánh kẹo. Năm 2021, tổng chi phí kinh doanh bánh trung thu của Nhà hàng Quảng Châu là 95 triệu USD, nhưng lại mang về doanh thu 220 triệu USD. Doanh nghiệp này cũng tiết lộ bảng phân tích chi phí bánh trung thu trong báo cáo thường niên năm 2021, trong đó chi phí nguyên liệu trực tiếp là 72 triệu USD, còn tổng chi phí nhân công sản xuất và bao gói chỉ là 23 triệu USD.
Báo cáo tài chính qua các năm cũng cho thấy năm 2017, sản lượng bán bánh trung thu của doanh nghiệp này là 10.500 tấn. Sau đó con số tăng dần theo từng năm, với năm 2021 đạt 15.300 tấn, tăng 45,7% trong 5 năm.
Và đó là những con số hoàn toàn biết nói, cho thấy thị trường bánh trung thu vẫn đang cực kỳ sôi động và có tỷ suất lợi nhuận gộp hấp dẫn. Đây cũng là lý do mảng kinh doanh này đã thu hút sự chú ý của vô vàn các công ty, không chỉ nhà sản xuất bánh kẹo lớn mà cả các nhà hàng khách sạn cũng góp mặt, cho tới các hãng bánh tư nhân và người làm bánh thủ công. Cái tên nào rồi cũng lần lượt gia nhập thị trường để cố giành lấy một phần miếng bánh béo bở cho riêng mình.
Tham khảo iFeng, Sina
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/sau-tet-trung-thu-nhung-chiec-banh-khong-ban-duoc-hoan-toan-bien-mat-chung-da-di-dau-2022091314190489.chn” name=””]