Năm đầu tiên về quê chồng đón tết, tôi phải ngủ trên chiếc giường cùng chăn nệm từng là phòng tân hôn của anh và vợ cũ.
Năm đầu tiên về quê chồng đón tết, tôi mang tâm trạng háo hức của một cô dâu mới. Thế nhưng, sau lần đó, bỗng dưng tôi sợ tết quê chồng.
Tất nhiên không phải do tôi ngại chuyện đi tàu xe vất vả hay làm dâu. Bởi vì tôi xác định đã lấy người đàn ông từng dang dở đồng nghĩa với việc chấp nhận mọi thứ thuộc về anh. Tất cả bắt đầu từ những ám ảnh về vợ cũ của chồng qua lời kể của những người thân.
Năm đó, chúng tôi về quê vào ngày 27 tết, thời tiết rét mướt kèm mưa phùn. Cơ địa của tôi chịu lạnh kém nên chồng lo lắng sợ tôi bị ốm. Trước khi về, anh có gọi điện nhờ mẹ chồng sắm sửa chăn nệm mới, sửa soạn phòng cho hai vợ chồng. Nhưng khi bước vào phòng, tôi ngỡ ngàng khi thấy tấm ảnh cưới của anh và vợ cũ vẫn treo trên tường, bộ chăn gối cũ nhàu nhĩ trải trên giường.
Tôi mua sắm thứ gì, mẹ chồng cũng so sánh với con dâu cũ, khiến tôi chạnh lòng (ảnh minh họa) |
Tôi thoáng buồn nhưng không nói gì. Một lúc sau, khi tôi đang sắp xếp đồ trong phòng thì có tiếng mẹ chồng thì thào sát vách. Bà nói nhỏ nên tôi không nghe rõ, chỉ loáng thoáng: “Về có mấy ngày mua gì cho tốn tiền, đồ cũ còn dùng được. Ngày trước C. nó sắm toàn hàng xịn mà”.
Tôi lờ mờ đoán ra, chồng đang trách mẹ không thay chăn nệm mới mà trải lại chăn gối cũ của vợ chồng anh ngày trước. Những ngày ở nhà chồng, ngủ trên chiếc giường đó, tôi không thể nào chợp mắt được vì tưởng tượng đủ thứ chuyện, mặc dù chồng biết ý, tháo ảnh cưới cũ xuống và cất đi.
Tôi biết mẹ chồng rất quý vợ trước của chồng. Ngày cưới tôi, bà khóc rất nhiều. Mọi người nghĩ bà khóc vì vui mừng, nhưng tôi biết đó là do bà thương con dâu cũ. Vì không sinh được con nên chị chủ động chia tay để anh tìm hạnh phúc mới. Sau khi ly hôn, chồng bỏ quê vào miền Nam làm ăn rồi gặp và cưới tôi.
Trước đó, vợ chồng tôi ở xa, ít đụng chạm nên tôi không nghĩ ngợi nhiều. Nhưng khi về chở mẹ đi chợ tết, bà liên tục nhắc và khen vợ cũ giỏi mua sắm, lo toan, khiến tôi chạnh lòng.
Không chỉ mẹ chồng, anh em nhà chồng cũng thường nhắc đến vợ cũ của anh trước mặt tôi. Những món đồ nhỏ nhất cũng được vợ cũ sắm sửa, cha mẹ chồng nâng niu trân trọng… khiến tôi càng buồn. Chồng bảo tôi đừng nghĩ ngợi nhiều, anh sợ tôi bị tổn thương.
Tôi không muốn đón một cái tết trong ngổn ngang suy nghĩ, mất vui vì những điều thuộc về quá khứ của chồng (ảnh minh họa) |
Những năm sau đó, tôi mang thai rồi bận con nhỏ, ngày tết chỉ mình chồng về quê nội. Năm nay, chồng muốn cả nhà về vì 3 năm dịch bệnh không đoàn tụ gia đình. Có lẽ tôi cũng đã quên chuyện cũ cho đến khi gọi điện hỏi mẹ chồng chuyện sắm tết. Tôi định mua cho bà cái áo ấm bằng lông cừu nhân tạo, nhưng sợ mẹ không thích nên hỏi trước.
Bà vẫn vô tình lặp lại câu năm xưa: “Mua làm gì cho tốn tiền, áo con bé C. mua còn mới, mẹ mặc rất đẹp”. Tự nhiên, những kí ức của năm đầu tiên đón tết ở quê chồng ùa về trong tôi.
Tôi không muốn đón một cái tết trong ngổn ngang suy nghĩ, mất vui vì những điều thuộc về quá khứ. Nếu không về, tôi sợ chồng buồn, nhưng về thì chắc chắn tôi không vui. Tô cũng biết trong chuyện này chẳng ai có lỗi, có lẽ do tôi quá nhạy cảm chăng. Tôi cần làm gì để thoát ra những cảm giác tồi tệ này?
Thu Hoài
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/so-tet-que-chong-vi-phai-dau-voi-bong-dang-nguoi-vo-truoc-a1482650.html” name=””]