Ở Alps có “thế giới của những người khổng lồ băng”.
Sâu bên trong dãy Alps (An-pơ) – một trong những dãy núi dài nhất, lớn nhất châu Âu – tồn tại những “‘hòn ngọc” đẹp mê đắm lòng người. Trong nhiều thế kỷ, “thế giới ngầm” ngoạn mục này đã khiến hàng triệu du khách mê mẩn. Chúng là những hang động băng sở hữu vẻ đẹp kỳ vĩ bậc nhất trên hành tinh.
Những dải núi Alps có nhiều hang động như vậy – và một số hang động đủ lạnh để băng phát triển bên trong thay vì đá. Không ai biết chính xác có bao nhiêu hang động băng, nhưng chắc chắn chúng ở đây nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác: Khoảng 1.200 được tìm thấy chỉ riêng ở Áo, và vài trăm hang nữa ở đông bắc Ý.
Giờ đây, những hang động băng kỳ diệu trên dãy Alps có nguy cơ biến mất trong thế giới đang ngày càng ấm lên của chúng ta, khiến những nét cổ tích của chúng đang mất dần, từng giọt… từng giọt…
National Geographic đã cố gắng lưu lại vẻ đẹp tinh khiết của chúng trước khi nhiệt độ không ngừng tăng lên của hành tinh làm tan biến chúng. Hãy cùng chiêm ngưỡng:
Hang động băng hình thành thường xuyên nhất trong đá vôi và đá dolomit – những loại đá đặc biệt dễ tan. Trải qua hàng trăm nghìn năm, nước thấm xuống từ bề mặt. Các khoáng chất đôi khi kết tủa từ nước chảy xuống các hang động, tạo thành các nhũ đá treo trên trần và măng đá nhô lên, lộ nét đẹp đầy kiêu hãnh. Trong một số hang động, lớp băng lâu đời nhất có niên đại hàng nghìn năm.
Khung cảnh kỳ diệu và mê mẩn lòng người tại hang động băng nằm cao trên dãy núi Tennen (thuộc phía bắc dãy Alps) ở phía nam Salzburg (Áo). Nước tràn vào các hang động đã tự điêu khắc thành những cấu trúc đẹp mê hồn: Các băng đá Damoclean khổng lồ, hình nón nhô lên từ bên dưới và các dòng thác phủ xuống sàn. Chúng có thể đã hàng nghìn năm tuổi. Ảnh: National Geographic
Từ một hốc băng được gọi là Lâu đài, một hướng dẫn viên kể những câu chuyện về những nhà thám hiểm đầu tiên của Eisriesenwelt (“thế giới của những người khổng lồ băng”), hang động băng lớn nhất trên Trái Đất tại Werfen, Áo. Một nhà thám hiểm, Alexander von Mörk, bị mê hoặc đến mức muốn tro của mình được chôn ở đây. Sau khi người này chết trong Thế chiến thứ nhất, người ta đã đem tro cốt của ông chôn tại đây. Ảnh: National Geographic
Hàng ngàn hang động giữ băng quanh năm có thể được tìm thấy ở các dãy núi châu Âu. Tại dãy núi Alps của Áo và Ý, lối vào các hang động băng chủ yếu ở độ cao từ 1.580 mét đến 1980 mét. Khi nhiệt độ trên núi tăng lên, khối lượng băng trong nhiều hang động đang bị thu hẹp lại. Ở một số nơi, băng không còn tồn tại lâu năm: Nó biến mất vào mùa hè, tan chảy do mưa và không khí ấm xâm nhập vào các hang động. Đây là hình ảnh Eispalast, hay “cung điện băng” của hang Eisriesenwelt (ở Áo) .Ảnh: National Geographic
Hình ảnh tuyệt đẹp bên trong hang động băng lớn nhất trên Trái Đất – tên là Eisriesenwelt (thuộc dãy núi Tennen – trên dãy Alps, Áo). Hệ thống hang động này kéo dài hơn 42 km vào sâu trong núi. Phần đầu tiên, dài khoảng 1 km, có các hình thành băng hùng vĩ và mở cửa cho công chúng. Vì Eisriesenwelt là một di tích tự nhiên được bảo vệ nên việc phát triển hang động đã được diễn ra một cách thận trọng nhằm bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên và hệ sinh thái độc đáo của nó.
Ngoài kích thước khổng lồ của nó, hang động Eisriesenwelt còn gây ấn tượng với những cung điện bằng băng mang vẻ đẹp kết tinh. Cách Salzburg chưa đầy một giờ về phía nam, Eisriesenwelt là một điểm thu hút khách du lịch trong một thế kỷ.
Tuyết mùa đông tan chảy lấp đầy vùng trũng trên dãy núi Dolomite Alps (đông bắc Italia), nơi từng có một hồ nước quanh năm. Vào năm 1994, các nhà thám hiểm người Ý phát hiện ra rằng hồ đã biến mất – do lớp băng bịt một lỗ ở đáy đã tan chảy, cho phép nước thoát qua một trục hẹp vào một hang động băng sâu 285 mét. Ảnh: National Geographic
Khu vực đá vôi của Dãy núi Tennen của Áo là nơi có nhiều hang động, bao gồm Eisriesenwelt và Eiskogelhöhle. Từ góc này có thể nhìn thấy lối vào của một hang động băng khác là Frauenloch. Ảnh: National Geographic
Tại một hang động ở phía đông thành phố Salzburg (Áo), nhà cổ sinh vật học Tanguy Racine thuộc Đại học Innsbruck nhặt cành cây và lá thông từ băng để xác định niên đại carbon. Điều đó có thể tiết lộ khi nào băng hình thành và cách nó sáp lại và suy yếu qua hàng thiên niên kỷ khi khí hậu thay đổi. Ảnh: National Geographic
Khi nhiệt độ đủ lạnh, nước chảy vào hang đóng băng thành những hình thù mê hoặc, luôn thay đổi. Trên sàn, nước nhỏ giọt chậm dần dần có thể tạo ra các tháp băng hình nón băng cao lớn. Trong một số hang động, lớp băng lâu đời nhất có niên đại hàng nghìn năm. Một số băng hình nón ở đây từng cao 15 tầng. Các nhà khoa học hiện đang chạy đua để giải mã lịch sử khí hậu được lưu giữ trong băng trước khi nó tan vào các hồ xung quanh. Ánh sáng màu vàng kỳ lạ nhìn thấy trong bức ảnh này có thể là do các tạp chất có nguồn gốc từ đất trong một nón băng. Ảnh: National Geographic
Sau bức tường băng cao 22 mét, nhà cổ sinh vật học Tanguy Racine (ở bên phải) và một đồng nghiệp dừng lại để lấy một mẫu của nó. Racine đã phát hiện ra rằng lớp băng gần đáy của hang động sâu 100 mét này có thể đã 5.300 năm tuổi. Băng đã tích tụ ở đây trong gần 2.000 năm qua. Ảnh: National Geographic
Trong hang Scărişoara ở dãy núi Apuseni của Romania, nhà cổ sinh vật học Aurel Persoiu thuộc Viện động vật học Emil Racovita của Romania đã leo xuống một trục sâu 46 mét để đến một khối băng lâu năm có bề mặt rộng bằng 7 sân bóng rổ. Khi khoan sâu 24 mét vào khối băng mà không chạm tới đáy, Aurel Persoiu đã lấy được mẫu băng có niên đại hơn 10.000 năm tuổi.
Vấn đề là, ngày nay, một sự thay đổi lớn khác đang xảy ra tại hang Scărişoara và các hang động băng khác trên dãy Alps: Băng của chúng đang bị phân hủy do không khí ấm lên và những trận mưa mùa hè gia tăng. Hình tại tại hang Buso della Neve, ở Ý. Ảnh: National Geographic
Các nhà khoa học Chloe Snowling (ở bên trái) và Racine đi ngang qua khoang lối vào của hang băng Hochschneid. Tuyết thường bịt kín lối vào, giữ không khí lạnh bên trong hang và tạo điều kiện cho các lớp băng dày phát triển. Ảnh: National Geographic
Một bản in thạch bản năm 1845 cho thấy những người đang khám phá hang Kolowratshöhle vài năm sau khi phát hiện ra nó gần biên giới Đức, phía tây Salzburg (Áo). Ảnh: National Geographic
Sự tan chảy băng từ thế kỷ 19 đã thay đổi đáng kể hình dáng bên trong của hang Kolowratshöhle. Một nhà nghiên cứu ngày nay đang đứng trên cùng một phần của hang động được nhìn thấy trong bản in thạch bản năm 1845. Bây giờ nó không có băng. Khi họ hỏi về tác động của biến đổi khí hậu, hướng dẫn viên Franz Reinstadler trả lời một cách lảng tránh. Ông nói: “Có quá nhiều điều chúng tôi chưa hiểu về các hang động, hoặc băng”. Nhưng sau đó Franz Reinstadler nói thêm: “Tốt nhất là bạn nên đến thăm quan chúng ngay từ bây giờ”. Ảnh: National Geographic
Nguồn: National Geographic, Salzburg
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/the-gioi-cua-nhung-nguoi-khong-lo-bang-an-minh-tren-day-alps-dep-me-dam-long-nguoi-20221001182416505.chn” name=””]