Giám đốc IEA cho biết, thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn thế giới bị thắt chặt và các nhà sản xuất dầu lớn đang cắt giảm nguồn cung.
Thực tế trên đã đặt thế giới vào “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên”. Đây là nhận định do ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đưa ra hôm 25/10.
Việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và sự phục hồi tiềm năng về nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc sẽ thắt chặt thị trường khi chỉ có 20 tỷ m3 công suất LNG mới sẽ được tung ra thị trường vào năm 2023, Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết tại Tuần lễ Năng lượng quốc tế ở Singapore.
Đồng thời, quyết định gần đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác của tổ chức này (OPEC +) về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày (bpd) là một quyết định “rủi ro” khi IEA nhận thấy, nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng gần 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, theo ông Birol.
Ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phát biểu trong Tuần lễ Năng lượng quốc tế lần thứ 15 ở Singapore, ngày 25/10 /2022. (Ảnh: Reuters)
“Quyết định này đặc biệt rủi ro khi một số nền kinh tế trên thế giới đang trên bờ vực suy thoái, nếu chúng ta đang nói về suy thoái toàn cầu. Tôi thấy quyết định này thực sự đáng tiếc”, ông Birol nói.
Tuy nhiên, ông Birol cũng cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể là một bước ngoặt trong lịch sử ngành năng lượng nhằm thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và hình thành một hệ thống năng lượng bền vững và đảm bảo.
Ông Birol nói: “An ninh năng lượng là động lực số một (của quá trình chuyển đổi năng lượng), khi các quốc gia coi công nghệ năng lượng và năng lượng tái tạo là một giải pháp”.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/the-gioi-dang-o-trong-cuoc-khung-hoang-nang-luong-toan-cau-thuc-su-dau-tien-20221026082721418.chn” name=””]